5 vấn đề vào dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước
Ngày 29-5, Quốc hội làm việc ở Hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) phát biểu ý kiến, góp ý 5 vấn đề như sau:
Thứ nhất, Chương VIII và Chương IX của dự thảo Luật quy định các nội dung hệ thống thông tin về tài sản công và cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và dịch vụ về tài sản công. Đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung 2 nội dung này vào trong Điều 1 của dự thảo Luật nhằm thể hiện bao quát, chặt chẽ và đầy đủ các nội dung quy định của luật, cụ thể cần thể hiện lại như sau: Luật này quy định về quản lý Nhà nước đối với tài sản công, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, hệ thống thông tin về tài sản công và cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, dịch vụ về tài sản công.
Thứ hai, tại khoản 1, Điều 5, đề nghị bỏ nội dung “trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa luật này và luật khác thì áp dụng theo quy định của luật này” nhằm đảm bảo sự thống nhất chung, tránh để xảy ra trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa luật này và luật khác.
Thứ ba, đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân từ tài sản do các chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao cho Nhà nước, đề nghị quy định rõ đây là những tài sản được chuyển giao quyền sở hữu phù hợp theo quy định của pháp luật, cụ thể phù hợp với Quyết định 64-QĐ/CP ngày 10-5-2007 của Chính phủ quy định nghiêm cấm việc sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước để làm quà tặng không đúng quy định dưới mọi hình thức nhằm hạn chế thực trạng thời gian qua có trường hợp một số cá nhân và doanh nghiệp tặng quà có giá trị lớn như ô tô cho chính quyền địa phương vì những mục đích không rõ ràng.
Vì vậy, đề nghị bổ sung cụm từ “phù hợp với quy định của pháp luật” vào sau cụm từ “tài sản do các chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước” quy định tại khoản 3, Điều 4 của dự thảo Luật.
Thứ tư, đề nghị xem xét, bổ sung nội dung giám sát cộng đồng về việc chuyển đổi công năng tài sản công quy định tại khoản 3, Điều 10 của dự thảo Luật để việc giám sát cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công được toàn diện. Cụ thể, đề nghị bổ sung cụm từ “chuyển đổi công năng” sau cụm từ “điều chuyển” tại điểm b, khoản 3, Điều 10 và nội dung quy định thể hiện lại như sau: Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, thanh lý tiêu hủy...
Thứ năm, theo hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng của Chính phủ, các ban quản lý xây dựng chuyên ngành, ban quản lý xây dựng khu vực là tổ chức sự nghiệp công lập, do đó tài sản phục vụ cho công tác quản lý dự án tại các ban này phải được thực hiện theo quy định tại Mục 4, Chương III của dự thảo Luật về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, việc giao tài sản đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng tài sản phục vụ cho công tác quản lý dự án tại điểm b, khoản 1, Điều 100 của dự thảo Luật thì lại dẫn chiếu tới các điều từ Điều 29 đến Điều 34 thuộc chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan Nhà nước. Do đó, đề nghị chỉnh sửa nội dung dẫn chiếu theo các điều tại Mục 4, Chương III của dự thảo Luật cho phù hợp với Luật Xây dựng hiện hành.
ĐĂNG HIẾU (lược ghi)