Chất vấn nhiều vấn đề "nóng"
Ngày 14-7, UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh giải trình, trả lời chất vấn các ý kiến thảo luận tổ và chất vấn của các đại biểu. Tại đây, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, UBND tỉnh, các ngành hữu quan giải trình, trả lời chất vấn với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, nổi bật là vấn đề khó khăn trong thực hiện cánh đồng lớn, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh; lộ trình đầu tư các phương tiện xe buýt…
* Thị trường cát tăng đột biến có phải do đầu cơ?
Xoay quanh vấn đề giá cát xây dựng đang tăng đột biến làm ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng các công trình của Nhà nước và nhân dân, đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết, hiện nay, việc quy hoạch, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông Tiền đến năm 2020 như thế nào? Giải pháp của UBND tỉnh nhằm chống các hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường, đẩy giá cát lên cao trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái quy định của pháp luật?
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luận tổ. |
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình: UBND tỉnh đã ban hành và hoàn thiện các quy định về quản lý thăm dò, khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh phù hợp với các quy định Luật Khoáng sản; phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông tỉnh Tiền Giang đến năm 2020; phê duỵệt các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh Tiền Giang…
Theo đó, tỉnh Tiền Giang quy hoạch 10 khu vực được phép thăm dò, khai thác; 1 khu vực hạn chế khai thác (nhánh phía Bắc cù lao Tân Phong), 6 khu vực cấm khai thác. Điều chỉnh công suất khai thác theo từng thời kỳ từ năm 2013 - 2015: 4,5 triệu m3, từ năm 2016-2020: 7,5 triệu m3.
Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng các sở, ngành, địa phương quan tâm, thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2016 đến nay, tỉnh đã tổ chức 186 cuộc kiểm tra, qua kiểm tra phát hiện 59 trường hợp vi phạm, đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt chính bằng tiền với tổng số tiền 1,656 tỷ đồng; đồng thời xử phạt bổ sung tịch thu 15 phương tiện khai thác cát trái phép, giá trị 15 phương tiện bị tịch thu theo quy định với tổng số tiền định giá trên 4 tỷ đồng. Theo đó hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh đã giảm nhiều so với trước đây.
Để thực hiện chống các hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái quy định của pháp luật, tránh tình trạng ghim hàng, đẩy giá cát lên cao, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2144/QĐ-UBND ngày 10-7-2017 thành lập Tổ kiểm tra về tình hình kinh doanh, quản lý, sử dụng cát xây dựng, cát san lấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang để kiểm tra, xử lý, đề xuất xử lý vi phạm về kinh doanh, quản lý, sử dụng cát xây dựng, cát san lấp theo quy định đối với các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách đầu tư trên địa bàn tỉnh, tất cả các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ triển khai một số giải pháp cụ thể như: Quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về khoáng sản, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, các Tổ công tác liên ngành tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân đang hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản; lập biên bản các hành vi vi phạm hành chính và xử lý tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đúng theo quy định của pháp luật. Tổ chức kiểm tra về sử dụng cát xây dựng, cát san lấp, chứng từ hóa đơn mua, bán liên quan đến xuất xứ, khối lượng cát xây dựng, cát san lấp,...
UBND tỉnh sẽ xem xét, phê duyệt Đề án “Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020” để làm cơ sở xem xét, cấp phép khai thác, gia hạn giấy phép khai thác cát để tăng lượng cung, ưu tiên nguồn cát cung ứng cho các công trình, dự án của tỉnh và hạn chế lượng cát xuất bán ra khỏi tỉnh.
* Chưa có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
Xoay quanh vấn đề các phương tiện xe buýt đã quá cũ, xuống cấp và chưa được đầu tư thay thế, nên chất lượng phục vụ ngày càng giảm, có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông và môi trường. Đề nghị UBND tỉnh cho biết công tác chỉ đạo quản lý Nhà nước đối với ngành Giao thông vận tải (GTVT), lộ trình và giải pháp nâng cao chất lượng phương tiện xe buýt trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT giải trình xoay quanh tiến độ đầu tư phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt. |
Thừa ủy quyền của UBND tỉnh, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT giải trình vấn đề này như sau: Trong thời gian qua, xe buýt đã góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, hạn chế lượng xe cá nhân, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Việc hoạt động của xe buýt vẫn còn những hạn chế như cử tri phản ánh là xe buýt cũ kỹ, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường. Thái độ phục vụ người dân thiếu hoà nhã, thiếu tôn trọng hành khách; chạy nhanh, lấn tuyến tranh giành khách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt: UBND tỉnh chỉ đạo Sở GTVT chủ trì phối hợp Công an tỉnh xử lý, làm việc với các đơn vị vận tải hành khách bằng xe buýt và yêu cầu các đơn vị vận tải phải có kế hoạch, lộ trình từ nay đến năm 2020; thay mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, do năng lực tài chính các đơn vị hạn chế, khả năng tiếp cận vốn vay để đầu tư mới khó khăn, nhất là Công ty TNHH Long Hiệp Cư, các Hợp tác xã (do thành viên góp vốn mỗi người 1 phương tiện nên HTX không chủ động thay mới phương tiện mà lệ thuộc vào năng lực từng xã viên) và do quy định niên hạn sử dụng của xe buýt là 20 năm, nên không xử lý được và chủ phương tiện được đăng kiểm phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm ngoài tỉnh chứng nhận đủ điều kiện cho xe buýt hoạt động nên khó khăn trong việc yêu cầu thay đổi phương tiện.
Hiện nay chưa có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh nên ảnh hưởng đến công tác phát triển mạng lưới xe buýt và chất lượng phục vụ của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; trong đó, có việc chưa kịp thời đổi mới phương tiện. Trong việc quản lý điều hành: Do nhân lực của ngành GTVT còn hạn chế (chưa thành lập được Trung tâm điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt) nên công tác theo dõi, chấn chỉnh hoạt động còn hạn chế, chưa kịp thời.
Để nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu ngành GTVT thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về các quy định, chủ trương của Nhà nước về kinh doanh khai thác xe buýt; đặc biệt là việc đầu tư đổi mới phương tiện có chất lượng cao; mở các lớp tập huấn nghiệp vụ vận tải, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Tiếp tục chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT phối họp với Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đối với hoạt động của xe buýt.
Thông qua kiểm tra thiết bị giám sát hành trình để kịp thời xử lý vi phạm đối với đơn vị vận tải, phương tiện, lái xe vi phạm chạy quá tốc độ, thời gian làm việc của lái xe, hành trình chạy xe,... Yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện đúng biểu đồ chạy xe, có tăng tần suất chạy xe trong giờ cao điểm trong ngày; trường hợp không thực hiện, giao Sở GTVT chỉ đạo lực lượng chức năng xử phạt theo Nghị định 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Về lộ trình đổi mới phương tiện: Yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải có lộ trình thay thế phương tiện từ nay đến năm 2020; cơ bản mỗi năm, thay thế 20% phương tiện; kiểm tra thường xuyên sửa chữa định kỳ hạn chế phương tiện xuống cấp như hiện nay. Trường hợp các doanh nghiệp vận tải không thực hiện thay đổi phương tiện, UBND tỉnh sẽ giao Sở GTVT phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp có đủ năng lực đấu thầu khai thác tuyến…
* “Nóng” vấn đề tái cơ cấu, cánh đồng lớn
Liên quan đến tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cánh đồng lớn (CĐL), đại biểu Lương Quốc Thọ cho biết: “Mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa bền vững. CĐL việc phá vỡ hợp đồng còn diễn ra rất nhiều. Việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Tôi đề nghị trách nhiệm của các sở, ngành xác định nội dung trong hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân để giá trị hợp đồng này sao cho có pháp lý. Khuyến khích nông dân đưa vấn đề phá vỡ hợp đồng ra tòa án?
Đại biểu Lương Quốc Thọ chất vấn về tiến độ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. |
Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời: Mô hình CĐL trong thời gian qua đạt được một số kết quả khá tốt. Nhưng việc phá vỡ hợp đồng vẫn còn xảy ra. Cụ thể, vụ lúa đông xuân 2016-2017, hợp đồng bị phá vỡ nhiều nhất, tuy nhiên, vụ hè thu lại khắc phục và hợp đồng tiêu thụ 100%. Thực trạng triển khai CĐL còn nhiều hạn chế như: Việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn nhiều lỏng lẻo. Ban Quản trị HTX còn yếu kém, chưa đàm phán được với doanh nghiệp. Khi “cò” lúa tới thì không giữ vững lập trường, bán ngay cho “cò” lúa nếu như giá bán cao hơn. Cơ chế ràng buộc hiện nay chưa có, chúng tôi chỉ có vận động mà thôi.
Công tác tuyên truyền chưa sâu đậm. Chính quyền cấp huyện, xã chưa kịp thời, sâu sát nên chưa chủ động trong việc theo dõi giám sát, phản ánh kịp thời nguy cơ phá vỡ hợp đồng; chưa có giải pháp để theo dõi, quản lý “cò” lúa trên địa bàn vào vùng CĐL để phá giá.
Đối với các sở, ngành đoàn thể, thành viên Ban Điều hành thì việc hướng dẫn xây dựng nội dung hợp đồng giữa nông dân với doanh nghiệp chưa cụ thể và phổ biến rộng rãi; công tác phối hợp kiểm tra, giám sát; công tác tuyên truyền và vận động nông dân hợp tác, thực hiện liên kết sản xuất, xây dựng CĐL của đoàn thể chưa được sâu rộng và thường xuyên…
Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời chất vấn tại phiên giải trình. |
Thời gian tới, chúng tôi cố gắng khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn, tiếp tục triển khai sâu rộng đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó, chú trọng tập trung tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hướng liên kết. Củng cố nâng chất các HTX, THT để thực hiện tốt liên kết; vận động và khuyến khích nông dân hình thành các THT/HTX tại các vùng sản phẩm chủ lực thực hiện tái cơ cấu.
Tiếp tục mời gọi doanh nghiệp và tổ chức đại diện nông dân (HTX), thương nhân đủ năng lực tham gia xây dựng phương án CĐL. Tăng cường phối hợp tốt giữa doanh nghiệp cung ứng đầu vào, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, tổ chức đại diện nông dân, chính quyền địa phương; thực hiện CĐL kiểu mẫu làm tiền đề để nhân rộng phương thức sản xuất hiệu quả…
Sau khi nghe phần giải trình của ông Cao Văn Hóa, đại biểu Lương Quốc Thọ bức xúc: Đại diện ngành Nông nghiệp trình bày giải pháp xây dựng mô CĐL trong thời gian tới như vậy cũng chưa tìm được lối ra. Phải xác định được nguyên nhân vì đâu mà doanh nghiệp và nông dân phá vỡ hợp đồng? Chúng ta có đặt ra vì sao nông dân phá vỡ hợp đồng chưa? Tại sao doanh nghiệp lại không cạnh tranh nổi so với tư thương, để tư thương chèn ép.
Vấn đề này, ông Cao Văn Hóa vẫn chưa giải trình thỏa mãn ý kiến chất vấn của đại biểu Lương Quốc Thọ. Đồng tình với đại biểu Lương Quốc Thọ, ông Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên giải trình cũng cho rằng, ông Cao Văn Hóa giải trình như thế cũng chưa ổn. “Làm sao phải tháo gỡ cho người nông dân chứ không thể cứ nói do cơ chế chính sách hay do chưa phối hợp tốt giữa các đơn vị liên quan. Không thể để đến mỗi kỳ họp thì cứ nêu lên khó khăn rồi không có giải pháp gì căn cơ giải quyết cho nông dân”- ông Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh.
HOÀI THU- SĨ NGUYÊN