Thứ Tư, 05/07/2017, 06:27 (GMT+7)
.

Nhiều tín hiệu vui trong 6 tháng đầu năm

Bước vào năm 2017, mặc dù thời tiết bất lợi làm giảm năng suất vụ lúa đông xuân, heo liên tục bị rớt giá hoặc duy trì ở mức dưới giá thành chăn nuôi đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm tiếp tục đạt những kết quả quan trọng và chuyển biến tích cực.

Lĩnh vực kinh tế, GRDP của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã đạt mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây, tăng 9,56%, cao hơn so kế hoạch đề ra từ 8,5% - 9%.  Trong khu vực I, tỉnh đã triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến các địa phương, 3 vùng của tỉnh và Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”. Tăng trưởng khu vực này đạt 6,72%, gần gấp đôi kế hoạch đề ra (kế hoạch từ 3,4% - 3,8%).

Trong khu vực II, tăng trưởng đạt 17,3% (kế hoạch từ 16,8% - 17,6%). Trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định và giữ đà tăng trưởng cao, tăng 20,8% (kế hoạch đề ra tăng từ 19% - 19,4%). Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 295 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 1.566,9 tỷ đồng, tăng 9,3% về số doanh nghiệp và tăng 0,3% về vốn đăng ký.

Tỉnh cũng đã thu hút được 8 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký mới 53,6 triệu USD; điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 17 dự án, trong đó có 4 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm 52,3 triệu USD và 3 dự án tăng diện tích thuê đất với diện tích thuê đất tăng thêm 7,5 ha.

Trong khu vực III, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng khá: Kim ngạch xuất khẩu 1,28 tỷ USD, đạt 54,5% kế hoạch năm, tăng 10,9% so cùng kỳ năm ngoái (gọi tắt là so cùng kỳ); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 6,7%, đạt 49,1% kế hoạch; tổng lượt khách du lịch đến Tiền Giang tăng 4,8% so cùng kỳ; tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh tăng 31,3% so cùng kỳ; tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh cũng tăng khá, đạt 57,9% so dự toán năm và tăng 13,7% so cùng kỳ.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực, công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo. Giải quyết việc làm cho 9.655 lao động. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; tình hình phòng, chống dịch bệnh được theo dõi và giám sát thường xuyên.

Công tác thực hiện chính sách, chăm sóc người có công được duy trì và nâng cao. Các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, thông tin tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự trị an cơ bản được kiểm soát, số vụ phạm tội về trật tự xã hội giảm 13,2% so cùng kỳ, tai nạn giao thông được kiềm chế.

Đạt được kết quả trên là do có sự quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, giám sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, nhất là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển doanh nghiệp.

Từ kết quả kinh tế - xã hội đạt được như trên, với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân, chúng ta có cơ sở để tin rằng hoàn toàn có thể đạt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 đã được HĐND tỉnh đề ra (trong đó tăng trưởng kinh tế 8,5% - 9%), tăng trưởng kinh tế phải đảm bảo chất lượng và số lượng để tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

M.T

Riêng kết quả đạt được trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp thì ngoài sự nỗ lực vận động từ chính doanh nghiệp, còn là sự tác động của cơ chế, chính sách dưới sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Đó là, ngay từ cuối năm 2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020. Đây là lần đầu tiên tỉnh có nghị quyết riêng của Ban Chấp hành Đảng bộ dành cho doanh nghiệp, doanh nhân, và Tiền Giang cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này sau khi Chính phủ có Nghị quyết 35/NQ-CP về phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Với Nghị quyết 06-NQ/TU, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, có trách nhiệm đối với phát triển doanh nghiệp. Tinh thần chung của nghị quyết là nhằm xác định rõ vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, lấy doanh nghiệp, người dân là đối tượng phục vụ với tinh thần Nhà nước kiến tạo, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp…

Trên cơ sở Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động 100/KH-UBND ngày 12-3-2017 triển khai thực hiện nghị quyết trên với những giải pháp cụ thể, phân công cơ quan chủ trì, thời gian thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phấn đấu chỉ tiêu thực hiện cao hơn kế hoạch đề ra, hằng quý có sơ kết, báo cáo đánh giá để có chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp và thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của tỉnh Tiền Giang lần lượt là 1,22 ngày và 0,99 ngày, nhanh nhất so với 63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân, chúng ta có cơ sở để tin rằng lĩnh vực phát triển doanh nghiệp năm nay sẽ thu được kết quả khả quan, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh đề ra năm 2017.

 

.
.
.