Quyết đánh thì nhất định thắng
Chiến tranh đã lùi xa 42 năm nhưng chiến công của Đại đội bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho ngày ấy thì vẫn còn mãi mãi.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho di chuyển nhiều nơi nên hoạt động của Đại đội bảo vệ Tỉnh ủy cũng gắn bó với nhiều địa phương. Đi đến đâu, lực lượng này cũng được nhân dân giúp đỡ tận tình, trong đó có xã Long Tiên, huyện Cai Lậy là nơi gắn bó nhiều nhất sau khi cơ quan Tỉnh ủy Mỹ Tho chính thức di chuyển về đây vào ngày 13-7-1970, đây còn là căn cứ Khu ủy, Quân Khu ủy đến năm 1975.
Tuy chỉ cách yếu khu Ba Dừa, chi khu Cai Lậy, căn cứ Sư đoàn 9 Mỹ và Sư đoàn 7 ngụy không xa, nhưng nơi đây có địa thế thuận lợi cho công tác bảo vệ, phục vụ các đồng chí Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương cũng như cho việc tiếp tế hậu cần. Địch cũng xác định Long Tiên là địa bàn rất quan trọng của lực lượng cách mạng nên từ năm 1970 đến năm 1973, chúng đã trút xuống mảnh đất này biết bao nhiêu là bom pháo. Chúng điên cuồng xua quân đốn cây cối, bắn phá, ruộng vườn xơ xác, tiêu điều. Chúng gom dân, lập ấp, liên tục càn quét, bắn phá cực kỳ ác liệt, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của Tỉnh ủy Mỹ Tho. Cuộc càn nào vào căn cứ, địch cũng tập trung hàng sư đoàn, với những phương tiện chiến tranh hiện đại.
Trong những ngày sống và chiến đấu giữa lòng dân xã Long Tiên, Đại đội bảo vệ Tỉnh ủy đã chiến đấu hàng trăm trận, tiêu diệt trên 500 tên địch. Nhưng ác liệt nhất là các trận chống địch càn quét vào cuối năm 1971 đầu năm 1972.
Tháng 9-1971, do có đối tượng đầu hàng giặc nên chỉ điểm cho địch đánh phá căn cứ của Tỉnh ủy. Chúng đã chọn thời điểm để càn quét là khi có các đồng chí Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu về chuẩn bị hội nghị. Bằng sự mưu trí, dũng cảm, điều tra biết trước tình hình và được nhân dân giúp đỡ, Đại đội đã lên phương án bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo và khu căn cứ. Lúc đó, khoảng 21 giờ, ngày 21-9-1971, Đại đội bảo vệ được nhân dân cung cấp thông tin: Có hiện tượng khác thường, địch cho xe chạy không đèn pha, đổ quân rất đông trên lộ Ba Dừa. Sau khi cử trinh sát đi kiểm tra và có tin tức báo về chính xác, lực lượng bảo vệ căn cứ sẵn sàng chiến đấu. Nhiều tổ nhỏ, mang theo lựu đạn gài để đánh địch. Phương án bảo vệ được chia thành 3 vòng, vòng 1: bảo vệ từ xa; vòng 2: vào gần khu căn cứ và vòng 3: tiếp cận khu căn cứ.
Đến 2 giờ sáng 22-9-1971, địch bắt đầu tiến gần vào căn cứ theo nhiều mũi khác nhau. Việc gài lựu đạn “đón đầu” đã được chuẩn bị từ trước. Địch mới xuất phát, cách lộ Ba Dừa 100 m thì bị ta bắn, ném lựu đạn, gây thương vong nên chúng chùn lại và co cụm. Lúc này, lực lượng trinh sát đã đưa các đồng chí lãnh đạo ra khỏi vòng vây của địch một cách an toàn. Cách nơi địch co cụm khoảng 50 m, các đồng chí bệnh binh đang trú dưới hầm bí mật cũng được Đại đội bảo vệ cõng đi về nơi trú ẩn dự phòng. Vừa chiến đấu, vừa lo bảo vệ các đồng chí lãnh đạo, Đại đội bảo vệ Tỉnh ủy đã gài các bãi lựu đạn theo nhiều chiến thuật khác nhau, gây tổn thương lớn cho địch nên chúng phải cầu cứu viện binh. Khi trực thăng oanh kích đến chi viện, ta cũng áp dụng cách bắn tỉa, ném lựu đạn không cho chúng có cơ hội siết chặt vòng vây. Sau 3 ngày đêm không tiến được vào khu căn cứ, địch buộc rút lui.
Bị thua đau, địch càng lồng lộn hơn! Ba ngày sau, chúng tiếp tục đánh vào căn cứ ác liệt hơn với quân số của 4 tiểu đoàn. Hôm ấy, Bộ Chỉ huy tiền phương vừa đến căn cứ lúc 11 giờ đêm thì ngay sau đó địch điều 2 tiểu đoàn của Sư đoàn 7 (từ Bến Tre sang), 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 11, Sư đoàn 7, tiểu đoàn 402 của tiểu khu Mỹ Tho và liên đội 19 của liên khu Cai Lậy đánh ập vào Long Tiên. Lúc bấy giờ, Đại đội bảo vệ đã vượt biết bao hiểm nguy đón và đưa các cán bộ lãnh đạo Quân khu về căn cứ Tỉnh ủy ở Long Tiên an toàn thì bị địch càn quét nên nhiệm vụ càng cấp bách hơn. Đơn vị phải vừa chiến đấu vừa phải bảo vệ an toàn cho lãnh đạo vừa lo chuẩn bị điểm hội nghị cho Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho tại rạch Bà Xá, Cái Nứa; đồng thời vừa thực hiện phương án bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy tiền phương. Lúc này Đại đội bảo vệ chỉ còn 13 đồng chí cùng 19 đồng chí bảo vệ quân khu. Nắm chắc tình hình và biết hướng chúng đánh vào căn cứ, Đại đội bảo vệ đón đầu, bày sẵn trận địa. Nơi nào trống thì gài lựu đạn chốt; gần mép mương gài lựu đạn dây. Đợi lúc địch lọt vào địa hình, các chiến sĩ dùng giàn thun bắn lựu đạn làm cho nhiều tên chết và bị thương… Trong 3 ngày liền địch loay hoay một chỗ không thể tiến thêm được.
Nhiều lần đánh vào căn cứ không được, tháng 1-1972, địch tập trung quy mô hơn, đông hơn, đánh phá ác liệt hơn vào khu căn cứ. Địch tập trung 2 tiểu đoàn của trung đoàn 12, bắn pháo cấp tập vào địa hình để đổ quân. Biết ý đồ địch dùng máy dò mìn để phát hiện trái gài của ta, nên ta thay đổi kỹ thuật gài lựu đạn. Với chiến thuật này, ta đã gây cho địch nhiều thương vong, trận chiến giằng co quyết liệt trong 5 ngày, 5 đêm địch vẫn không thể nào tiến được. Trận chiến kéo dài trong 20 ngày đêm. Một tiểu đoàn địch bị thiệt hại nặng nề. Không tiến vào căn cứ được, địch đành rút lui…
Chiến tranh qua đi, bên cạnh sự thiệt hại, thương vong của địch, lực lượng của ta cũng mất mát hy sinh không nhỏ. Đại đội bảo vệ Tỉnh ủy ngày ấy có 117 đồng chí, đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng còn may mắn trở về chưa tới 20. Mưu trí, kiên cường, dũng cảm, chấp nhận hy sinh là để căn cứ Tỉnh ủy, lãnh đạo Khu ủy, Tỉnh ủy được bảo vệ tuyệt đối an toàn, chỉ đạo chiến trường Mỹ Tho thành công, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975 của toàn dân tộc.
THANH DUY
(Lược ghi theo lời kể của đồng chí Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng).