Thủ tướng: Nâng cao trách nhiệm cá nhân trong quản lý điều hành
Rà lại kế hoạch năm 2017 qua 7 tháng thực hiện, đề ra các giải pháp hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là nội dung chủ đạo của cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty sáng 12-8 tại Trụ sở Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Thường trực Chính phủ bàn về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng năm 2017. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mục tiêu hoàn thành kế hoạch năm 2017 đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn của các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty và là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các ngành, các cấp.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, để hoàn thành chỉ tiêu 6,7% của cả năm 2017 thì 6 tháng cuối năm phải đạt 7,42%, đây là mức tăng trưởng cao, đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn của tập đoàn, doanh nghiệp và nhân dân và là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các ngành, các cấp; đặc biệt là các ngành như nông nghiệp; công nghiệp, xây dựng; chế biến, chế tạo.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý 2 vừa qua, GDP tăng đột phá đã nâng mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm của cả nước lên 5,73% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, ngành dịch vụ đạt cao nhất từ 2012, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung (2,59 điểm phần trăm), nhất là các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bất động sản. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong kỳ nghỉ hè đạt 7,24 triệu khách, tăng 28,8% so với cùng kỳ.
Trong khi công nghiệp khai khoáng giảm sâu, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phục hồi tăng 2,65%. CPI bình quân 7 tháng tăng 3,91%, dưới mức Quốc hội giao 4%.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Để đạt kịch bản 6,7%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý 3 phải đạt tối thiểu mức tăng trưởng GDP 7,23% và quý IV phải đạt 7,57%. Đây là mức khá cao và là nhiệm vụ rất khó khăn.
Góp ý tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần tập trung vào các nhóm, ngành hàng sản phẩm có khối lượng lớn, chất lượng cao thuộc diện nhóm ngành hàng giá trị tỷ USD ngoài than, dầu khí như linh kiện điện tử, rau quả nông sản, cao su, thủy sản, dệt may, da giầy, thép.
Để ổn định các mặt hàng sản xuất, cần tiếp tục phát triển cơ cấu lại thị trường trong nước; áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại kịp thời.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm việc với các địa phương là vùng sản xuất lớn giá trị kinh tế cao của cả nước như các vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, phía Bắc để có các giải pháp thúc đẩy sản xuất của những khu vực quan trọng này.
Lưu ý về chỉ tiêu xuất khẩu năm 2017, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các bộ, ngành chú ý giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, xu hướng bảo hộ thương mại tại các thị trường Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó là tăng cường giải ngân ODA để đạt chỉ tiêu 60 ngàn tỷ trong năm nay.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tận dụng cơ hội tổ chức sự kiện APEC để thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp vào giá trị GDP của cả nước.
Lắng nghe các ý kiến đưa ra tại buổi làm việc, trong phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quyết tâm chính trị của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty với những cơ sở cụ thể nhằm hướng đến hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 6,7% GDP của năm 2017, nhất là việc các ngành có kế hoạch bù đắp sản lượng đối với những mặt hàng suy giảm để đảm bảo giá trị tăng trưởng chung.
“3 trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, và đặc biệt là 31 sản phẩm chủ lực đều có mức tăng trưởng tốt so với quý 1 và tháng 7 gần đây,” Thủ tướng nhận định.
Tuy nhiên, khẳng định nhiệm vụ còn rất nặng nề trước diễn biến khó lường của mùa mưa bão và tình hình khu vực và thế giới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan. “Chúng ta nêu một quyết tâm hoàn thành xuất sắc toàn diện 13 chỉ tiêu chủ yếu của Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao cho Chính phủ điều hành. Đây là một quyết tâm cụ thể đến tận bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và người dân.”
Tán thành với những biện pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đưa ra tại cuộc họp, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục triển khai với những giải pháp quyết liệt, thường xuyên, cụ thể hơn nhằm giảm chi phí doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho sản xuất, nhất là phí, thuế; tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy đổi mới, tháo gỡ thể chế kìm hãm sự phát triển.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Nhấn mạnh mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các bộ, ngành khối kinh tế tổng hợp phối hợp chặt chẽ trong điều hành các công cụ tài khóa, thương mại, đầu tư, đảm bảo kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có việc theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế để có những biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.
Thủ tướng cũng chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm đối với những hành vi thông tin, truyền thông không đúng mức, gây suy giảm niềm tin cho nhân dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là đôn đốc, kiểm tra và nâng cao trách nhiệm cá nhân trong điều hành quản lý.
“Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20 thì mới thúc đẩy được những công việc còn đang ở phía trước,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ sẽ tổ chức các cuộc họp để giải quyết một số vấn đề đặt ra nhằm giải quyết các khó khăn, giảm chi phí doanh nghiệp; phát huy vai trò của những vùng kinh tế trọng điểm...
Đề cập đến việc để đảm bảo tăng trưởng, Thủ tướng lưu ý cần kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo niềm tin thị trường; tăng cường đầu tư sản xuất kinh doanh; phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 21%; giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, giảm chi phí doanh nghiệp.
Cùng với đó là thúc đẩy mạnh mẽ việc tái cấu trúc lại doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn trong những tháng còn lại của năm 2017.
Thủ tướng chỉ đạo phân bổ các khoản chi khẩn trương hơn trong đó có chương trình biến đổi khí hậu, đẩy mạnh giải ngân tổng mức đầu tư theo kế hoạch; tránh giật cục trong điều hành. Đi liền với đó là nâng cao hiệu quả thu ngân sách và tiết kiệm chi, kể cả các cấp, các ngành, Nhà nước và doanh nghiệp.
Đối với mục tiêu tăng xuất khẩu phải vượt mức 205 tỷ USD của năm 2017 và hiện vẫn còn gần 90 tỷ USD phải cố gắng đạt được từ nay đến cuối năm, để hạn chế nhập siêu, ngoài việc giải quyết vấn đề thủ tục 1 cửa quốc gia, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường xuất khẩu dịch vụ tại chỗ, nhất là du lịch. Phân loại rõ các thị trường, mặt hàng trọng điểm; cải thiện mạnh mẽ về thủ tục để giảm thiểu kiểm tra chuyên ngành xuất khẩu. Có biện pháp giảm nhập khẩu, nhất là những hàng rào kỹ thuật cần thiết, đúng pháp luật, nâng cao chất lượng hàng nội địa thay thế hàng nhập khẩu và quyết liệt phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
(Theo http://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-nang-cao-trach-nhiem-ca-nhan-trong-quan-ly-dieu-hanh/460729.vnp)