Thứ Sáu, 25/08/2017, 21:10 (GMT+7)
.

Từ thành phố anh hùng đến thành phố văn minh

 Thất bại thảm hại trong chiến lược Chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ buộc phải đưa quân vào miền Nam Việt Nam tham chiến, tiến hành chiến lược Chiến tranh cục bộ nhằm cứu nguy cho chế độ Việt Nam Cộng hòa đang trên đà suy sụp. Trước tình hình đó, Trung ương cục miền Nam đã chọn Mỹ Tho làm chiến trường trọng điểm của khu Trung Nam bộ (Khu 8) và quyết định nâng thị xã Mỹ Tho lên thành thành phố Mỹ Tho trực thuộc Khu 8. Ngày 24-8-1967, Thành ủy Mỹ Tho đầu tiên được thành lập, do đồng chí Nguyễn Thanh Hà (Mười Hà), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho làm Bí thư Thành ủy.

Vừa mới thành lập, Thành ủy Mỹ Tho đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thành lập các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể; củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang, chính trị, binh vận, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của kẻ thù trong chiến lược Chiến tranh cục bộ. Song song đó, với phương châm 2 chân 3 mũi giáp công, Thành ủy đề ra nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải phá vỡ hệ thống kìm kẹp của địch trong nội ô và hệ thống ấp chiến lược ở các xã vùng ven; đưa thế chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận thành thế áp sát làm bàn đạp sẵn sàng đánh thọc sâu vào nội ô khi có thời cơ. Chỉ sau 2 tháng thành lập, với tinh thần chủ động tấn công tiêu hao sinh lực địch, ngày 26-10-1967, lực lượng vũ trang Thành đội đã tổ chức tập kích vào Trung tâm chiêu hồi của địch đóng trên địa bàn ấp Phong Thuận A, xã Tân Mỹ Chánh, tiêu diệt trên 50 tên. 2 tháng sau đó, ngày 22-12-1967, để lập thành tích chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng vũ trang thành phố Mỹ Tho lại tập kích vào căn cứ Thiết đoàn 6 của Vùng 4 chiến thuật đóng trên địa bàn xã Tân Mỹ Chánh, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên, phá hủy 2 xe tăng M-113.

Khí thế tiến công ngày càng dâng cao, với thế bàn đạp, áp sát, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quân và dân thành phố Mỹ Tho đã cùng với quân và dân toàn miền Nam vùng lên, nổi dậy trong cuộc tổng tấn công mùa Xuân Mậu Thân năm 1968, đánh thẳng vào hang ổ, sào huyệt của kẻ thù. Trận chiến xảy ra vô cùng ác liệt, tuy ta chưa giải phóng được thành phố Mỹ Tho nhưng đã để lại một dấu ấn lịch sử không phai mờ, thể hiện được tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân và dân thành phố, góp phần làm thất bại chiến lược Chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.

Sau Tết Mậu Thân, địch tăng cường phản kích nhằm đẩy lùi  lực lượng của ta ra xa thành phố. Nhiều trận càn quét dài ngày vào căn cứ Thành ủy, Thành đội đóng trên địa bàn xã Đạo Thạnh đã diễn ra với quy mô cấp tiểu đoàn lính Mỹ, bảo an, dân vệ có máy bay, pháo binh và xe tăng M-113 yểm trợ. Vậy nhưng, bằng lối đánh du kích linh hoạt, sáng tạo, trong 2 ngày 21 và 22-6-1969, lực lượng vũ trang thành phố và lực lượng du kích xã Đạo Thạnh đã anh dũng, kiên cường bám trụ, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, bảo toàn được lực lượng, diệt và làm bị thương gần 100 tên địch.

Cuộc chiến diễn ra ngày càng ác liệt nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy; với tinh thần chủ động tấn công bằng 3 mũi giáp công, quân và dân thành phố Mỹ Tho đã bao phen làm cho địch thất điên, bát đảo, góp phần vào chiến công chung của cả nước, buộc đế quốc Mỹ phải từng bước rút quân về nước, ngồi vào bàn đàm phán Paris.

 Thành phố Mỹ Tho đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại I.	Ảnh: DUY SƠN
Thành phố Mỹ Tho đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại I. Ảnh: Duy Sơn

Hiệp định Paris về việc kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết nhưng với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, kẻ thù ngang nhiên phá hoại hiệp định, tiến hành xua quân giành dân, lấn đất. Quyết tâm trừng trị hành vi lấn chiếm của địch, Thành ủy đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, chính trị, binh vận phối hợp chặt chẽ với nhau đồng loạt tiến công địch. Nhiều trận chiến đã xảy ra, địch lấn tới đâu đều bị ta ngăn chặn tới đó. Không chỉ vậy, với khí thế tiến công mãnh liệt, hàng chục đồn bót địch đã bị ta bao vây bức rút, bức hàng, bức diệt, số còn lại đều hoang mang bỏ đồn tháo chạy. Cùng với thắng lợi chung trên các chiến trường, hòa nhịp với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi “Tổng thống Dương Văn Minh” tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, cũng là lúc quân và dân thành phố phối hợp với lực lượng của Khu 8 tiến vào giải phóng thành phố Mỹ Tho trong ngày 30- 4-1975.

Tổng hợp trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân thành phố Mỹ Tho đã phối hợp và tổ chức đánh trên 850 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương hơn 6.200 tên địch, trong đó có 407 tên Mỹ, làm tan rã và bỏ ngũ hơn 3.000 tên khác; phá hủy 2 kho xăng, 2 kho vũ khí khoảng 500.000 tấn đạn dược các loại; bắn rơi và bắn hỏng 17 máy bay các loại; đánh chìm và đánh hỏng 5 chiến hạm, 10 chiếc xáng, 3 sà lan, 37 tàu chiến, phá hủy 39 xe quân sự, thu hàng ngàn khẩu súng các loại và nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, quân và dân thành phố Mỹ Tho đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1994.

Sau giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Mỹ Tho bắt tay ngay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Năm 1976, thành phố Mỹ Tho được Trung ương công nhận là đô thị loại III. Dưới ánh sáng của đường lối đổi mới do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra, nhân dân thành phố Mỹ Tho đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các mặt an ninh chính trị, trật tự xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng hệ thống chính trị.

Các ngành nghề kinh tế được mở rộng, đa dạng, quy mô sản xuất, kinh doanh không ngừng được nâng lên. Khu công nghiệp Mỹ Tho, Cụm công nghiệp Trung An, Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh hình thành đã thu hút đầu tư trong và ngoài nước ngày càng nhiều. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, làm thay đổi lớn diện mạo của thành phố. Kinh tế thành phố có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Với sự phát triển toàn diện, ngày 7-10- 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 248/QĐ-TTg công nhận thành phố Mỹ Tho là đô thị loại II.

Với lợi thế và điều kiện phát triển, thành phố Mỹ Tho đã trở thành trung tâm tài chính, tiền tệ, thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, công ty bảo hiểm… Cùng với hệ thống ngân hàng Nhà nước với những dịch vụ tiện ích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư huy động nguồn lực để đầu tư phát triển. Các hoạt động dịch vụ khác, như thương mại, du lịch, bưu chính viễn thông, vận tải, y tế, bảo hiểm,… đều phát triển mạnh và đạt hiệu quả cao. Với những nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng, ngày 5-2-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định
242/QĐ-TTg công nhận thành phố Mỹ Tho là đô thị loại I.

Để thành phố Mỹ Tho xứng đáng là đầu tàu cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh và là trung tâm của khu vực Bắc Sông Tiền, Thành ủy quyết tâm xây dựng thành phố Mỹ Tho có kết cấu hạ tầng xã hội phát triển đồng bộ; xây dựng thành phố Mỹ Tho xanh, sạch, đẹp, từng bước tiến tới một đô thị văn minh trong khu vực, có tiềm lực kinh tế mạnh, khoa học - kỹ thuật phát triển nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, có nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; quốc phòng, an ninh vững chắc, hệ thống chính trị vững mạnh với đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao và năng lực lãnh đạo, quản lý giỏi.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đoàn kết một lòng, ra sức khắc phục khó khăn, quyết tâm xây dựng thành phố Mỹ Tho ngày càng phồn vinh, văn minh, góp phần tích cực vào thắng lợi của việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ thành phố Mỹ Tho nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, 50 năm đã trôi qua kể từ ngày được thành lập, Đảng bộ và nhân dân thành phố Mỹ Tho vô cùng tự hào đã đóng góp hết sức mình cả về công sức, trí tuệ, xương máu cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong chiến tranh chống Mỹ, thành phố Mỹ Tho vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thì nay trong công cuộc xây dựng, thành phố Mỹ Tho trở thành thành phố văn minh đô thị.

ĐẶNG THANH LIÊM
Bí thư Thành ủy,
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Mỹ Tho

.
.
.