Thứ Bảy, 16/09/2017, 21:09 (GMT+7)
.

Củng cố thêm niềm tin vào thắng lợi của cuộc chống Mỹ cứu nước

Chiến thắng Ba Rài ngày 15-9-1967 là một sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở tỉnh Tiền Giang và ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chiến thắng đã thể hiện truyền thống yêu nước, sự mưu trí, ý chí kiên cường, dũng cảm, tinh thần quyết tâm đánh thắng Mỹ của quân và dân ta; thể hiện sự linh hoạt trong bám trụ và chủ động phản công, vận dụng tốt 3 mũi giáp công, sự phối hợp tác chiến trên các chiến trường, làm hạn chế những mặt mạnh của địch, làm mất tác dụng uy lực, tính hiệu quả của phương tiện chiến tranh hiện đại, làm quân Mỹ và cả quân ngụy mất niềm tin vào “sức mạnh quân sự Hoa Kỳ”.

Các đồng chí cán bộ lãnh đạo tham gia chủ trì Hội thảo (từ trái qua): Huỳnh Lứa, Huỳnh Văn Niềm, Nguyễn Văn Lưỡng, Nguyễn Văn Thạnh, Nguyễn Công Bình, Nguyễn Minh, Trần Minh Phú và Trần Hoàng Diệu.
Các đồng chí cán bộ lãnh đạo tham gia chủ trì Hội thảo (từ trái qua): Huỳnh Lứa, Huỳnh Văn Niềm, Nguyễn Văn Lưỡng, Nguyễn Văn Thạnh, Nguyễn Công Bình, Nguyễn Minh, Trần Minh Phú và Trần Hoàng Diệu.

Bên cạnh tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, thì vai trò lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho mang tính quyết định. Chiến thắng Ba Rài đã tạo ra thế mới - thế không sợ Mỹ, quyết tâm đánh thắng Mỹ, tạo đà để quân và dân Tiền Giang tiến công và nổi dậy mạnh mẽ trong Tết Mậu Thân năm 1968...

Nhân kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Ba Rài vào năm 2002, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo Khoa học về Chiến thắng Ba Rài, nhằm làm sáng tỏ hơn về diễn biến, tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm… Xin trân trọng lược ghi lại một số ý kiến của các đại biểu tại cuộc hội thảo.

* ÔNG HUỲNH VĂN NIỀM (nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng)

“Chiến thắng Ba Rài là một chiến thắng của lực lượng vũ trang và nhân dân ta, đã đánh bại một cuộc hành quân càn quét lớn của Mỹ. Trên một địa bàn nhỏ hẹp, địch đã sử dụng lực lượng lớn, mật độ quá dày đặc, thành một trận càn lớn. Tiểu đoàn 263 đã đánh bại cuộc càn có quy mô lớn, bẻ gãy chiến thuật “hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ. Sư đoàn 9 Mỹ đến căn cứ Đồng Tâm để trực tiếp bình định thí điểm ở tỉnh Mỹ Tho, nếu làm được, chúng sẽ triển khai ra cả vùng đồng bằng, nhưng chúng không làm được như vậy. Chúng triển khai chiến thuật mới cũng bị đánh bại. Trước đây, chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ gắn với chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị ta đánh bại tại Ấp Bắc. Tới chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Mỹ đưa ra chiến thuật “hạm đội nhỏ trên sông”, bị ta đánh ở Ba Rài, báo hiệu sự thất bại của việc đưa quân Mỹ xuống đồng bằng, ảnh hưởng tới cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam...”.

* TRUNG TƯỚNG NGUYỄN VĂN THẠNH (nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu 9)

“Có thể nói, trong thời kỳ chống “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ Tho là nơi đã đi đầu trong toàn khu bằng việc đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” và chống “bình định” thành công. Điều đó buộc địch phải tìm cách đánh chiếm Mỹ Tho. Vì thế, Mỹ Tho trở thành trọng điểm của chúng. Chúng muốn thử nghiệm một lực lượng mới, một chiến thuật mới tại đây. Chiến thắng Ba Rài là chiến thắng của lực lượng quân sự, của 3 mũi giáp công, của thế trận nhân dân ở Vùng 20 tháng 7, của cả vùng Mỹ Tho trước “lực lượng cơ động đường sông” của Mỹ, trước chiến thuật “hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ. Đây là chiến thắng quan trọng, làm phá sản chiến thuật mới của Mỹ, có ý nghĩa to lớn. Giá trị của chiến thắng này có thể sánh với Chiến thắng Ấp Bắc. Sau trận Ba Rài, trong toàn Khu 8 nổi lên phong trào đánh tàu rộng khắp...”.

* ÔNG NGUYỄN HỮU KỈNH (nguyên Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn 263)

“Đang ở xã Phú An, khoảng 8 - 9 giờ đêm 14-9, chúng tôi nhận được điện của Quân khu và Khu ủy thông báo tình hình địch và chuẩn bị chống một trận càn lớn vào Vùng 20 tháng 7. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 263 quyết định di chuyển từ Phú An về ấp 4, xã Cẩm Sơn. Phương án tác chiến là bẻ gãy mũi quan trọng của địch khi chúng dùng “hạm đội nhỏ trên sông” nhằm chia cắt và tiêu diệt Tiểu đoàn 263.
Với cách bố trí đội hình, chủ yếu là đội hình đánh tàu, Tiểu đoàn 263 đã chủ động phòng ngự để đánh địch, giữ vững trận địa. Khi các tổ đánh tàu phát hiện tàu địch từ xa, lệnh của tiểu đoàn cho phép đánh dần. Khi tàu địch đến địa hình thì toàn tiểu đoàn nổ súng, các mũi khác sẵn sàng đánh lực lượng bộ binh địch. Địch không thể triển khai phương án hợp đồng với bộ binh, máy bay, xe tăng được. Ta đánh một trận thắng giòn giã, bẻ gãy chiến thuật “hạm đội nhỏ trên sông” của chúng, diệt nhiều tàu, nhiều lính Mỹ, bắn rơi cả máy bay. Đây không phải là một trận phòng ngự đơn thuần, mà là phòng ngự có tính chất chủ động đánh địch. Đó là đặc điểm của trận Ba Rài, cũng là ý đồ chiến thuật của Tiểu đoàn 263 đối với trận đánh này...”.

* ÔNG PHẠM VĂN BÉ (nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 263)

“Xã Cẩm Sơn là nơi đã đùm bọc, cưu mang Tiểu đoàn 263, vì thế Tiểu đoàn 263 trở về đóng quân tại đây. Về mặt quân sự, xã Cẩm Sơn còn có những yếu tố khác, đó là: Địa hình phức tạp, địch sử dụng xe cơ giới rất khó khăn, chỉ sử dụng được bộ binh và tàu từ sông Cửu Long vào sông Ba Rài mà thôi. Một yếu tố khác là, ở ấp 3 và ấp 4 của xã Cẩm Sơn là những nơi Tiểu đoàn 263 đã chôn giấu các loại vũ khí, đạn dược. Trở về xã Cẩm Sơn để tổ chức chống càn là lợi thế của Tiểu đoàn 263. Bằng kinh nghiệm có được và bằng chính quyết tâm đánh thắng địch, được nhân dân ủng hộ, Tiểu đoàn 263 đã làm nên Chiến thắng Ba Rài. Chiến thắng này đã đi vào lịch sử là rất xứng đáng...”.

HỒNG LÊ

(Tổng hợp)

.
.
.