Nhân rộng những điển hình thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW
Triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, huyện Cai Lậy tiếp tục nhân rộng những mô hình, điển hình đưa lời Bác dạy vào cuộc sống. Mỗi tập thể, cá nhân là một câu chuyện vượt khó, thi đua học tập, lao động sản xuất - kinh doanh, tận tâm với công việc, có những đóng góp tích cực cho xã hội. Qua mỗi việc làm càng lan tỏa niềm tin về tấm gương đạo đức của Người trong cuộc sống hôm nay.
Từ nguồn vốn xoay vòng, chị Huỳnh Thị Kim Phương - hội viên Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Cẩm Sơn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. |
Về xã Hiệp Đức, xe chúng tôi bon bon trên những tuyến đường đan phẳng phiu, rộng rãi dẫn về các ấp. Mỗi công trình giao thông đều mang dấu ấn đồng thuận của người dân và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền xã. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” được Đảng bộ xã Hiệp Đức vận dụng linh hoạt trong triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương, cán bộ, đảng viên xã Hiệp Đức đã huy động nguồn lực trong nhân dân đầu tư hệ thống giao thông, góp phần tạo diện mạo khang trang cho khu dân cư, phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương cho nhân dân trong vùng. Tuyến đường Bắc Bà Gòn hoàn thành vào cuối năm 2016 là minh chứng sinh động của “Ý Đảng, lòng dân”. Nối liền ấp Xuân Quang (xã Hội Xuân), tuyến đường có chiều dài hơn 1.200 m, trước đây khá nhỏ hẹp. Ngoài 150 triệu đồng do ngân sách Nhà nước đầu tư, người dân ấp Hiệp Ngãi đã đóng góp ngày công, hiến đất và hỗ trợ hơn 450 triệu đồng để mở rộng mặt đường.
Ông Trịnh Văn Nở, Bí thư Chi bộ ấp Hiệp Ngãi cho biết: “Chi bộ có 12 đảng viên. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã, chi ủy quán triệt trong cán bộ, đảng viên nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, ưu tiên chọn những việc làm cụ thể, thiết thực, mang lại lợi ích cho cộng đồng; sâu sát, gần gũi, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân. Vì vậy, chi bộ nhận được sự đồng thuận cao của người dân khi thực hiện các công trình giao thông, từ việc hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công...”.
Hơn 20 năm bén rễ trên vùng đất Tam Bình, cây sầu riêng đã gắn với câu chuyện “đổi đời” của không ít nông dân, trong đó có nhiều cựu chiến binh. Bên vườn sầu riêng chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch mới, ông Nguyễn Văn Chữ - cựu chiến binh ấp Bình Hòa B chia sẻ về câu chuyện vượt khó của mình và gia đình mình. Năm 1985, ông trở về quê sau thời gian tham gia nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. “Hành trang” ngày xuất ngũ của người thương binh 2/4 này là những vết thương luôn tái phát lúc trái gió trở trời. 2 công ruộng canh tác vụ được, vụ thất và do các con còn nhỏ nên kinh tế gia đình lâm cảnh khó khăn. Vượt qua những giây phút nản lòng, ông tự động viên mình bước vào “cuộc chiến mới” theo lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”. Sau thời gian cần mẫn với ruộng lúa, vợ chồng ông vay vốn nuôi heo, nuôi bò sinh sản, mở rộng diện tích canh tác... Năm 1991, ông Chữ bắt tay cải tạo đất ruộng thành vườn chuyên canh sầu riêng.
Quá trình chuyển đổi không phải dễ dàng. Vợ chồng ông tận dụng đất dưới mô trồng lúa, rồi chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày để có thu nhập mà chăm sóc vườn, nuôi các con ăn học. Trái ngọt từ thành quả lao động của ông Chữ là 5 công vườn sầu riêng xanh tốt, với cách xử lý nghịch vụ, ông thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng mỗi năm. Ông chia sẻ: “Những ngày đầu mới chăn nuôi, trồng trọt, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm, sức khỏe lại hạn chế. Nhiều lần thất bại phải bỏ một lứa cây giống, chăn nuôi chẳng lãi được bao nhiêu khiến có lúc tôi đâm nản lòng, nhưng nghĩ mình còn trách nhiệm với gia đình và phải làm gương cho con cháu, chuyện chăn nuôi, trồng trọt có khó khăn đến đâu mình cũng phải khắc phục, vượt qua...”.
“Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cai Lậy tiếp tục vận động hội viên phát huy tính “cần, kiệm” trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn huyện đã nhân rộng 1.137 tổ, nhóm tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo, góp vốn xoay vòng, góp xi măng xây nhà theo vụ lúa... với hơn 18.000 thành viên. Mỗi kỳ sinh hoạt, thành viên đóng góp số tiền cố định vào nguồn quỹ và ưu tiên cho chị em có hoàn cảnh khó khăn mượn vốn chăm sóc vườn, mua cây, con giống, sửa chữa nhà ở, làm sân phơi… Được “tiếp sức” từ đồng vốn của Hội, nhiều hội viên đã thoát nghèo, trở thành tấm gương vượt khó tiêu biểu. Điển hình như chị Huỳnh Thị Kim Phương, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Cẩm Sơn.
Từ vốn vay tín chấp của Chi hội Phụ nữ và vốn xoay vòng, chị cải tạo vườn tạp trồng mít Thái, cam dây, tắc... Dành dụm thêm ít vốn, chị Phương mua 3 công vườn và chọn sầu riêng làm cây trồng chuyên canh. Với sự nhạy bén trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kinh tế gia đình chị hiện đã ổn định và chị đã tích cực tham gia mô hình “Góp vốn xoay vòng” để hỗ trợ chị em khó khăn khác cùng vươn lên. Chị Phương bộc bạch: “Mô hình “Góp vốn xoay vòng” được duy trì nhiều năm và số tiền góp vốn hơn 30 triệu đồng/tháng giúp chị em trang trải lúc khó khăn. Trước đây, cũng từ nguồn vốn này mà tôi có điều kiện cải tạo vườn, nâng cao thu nhập cho gia đình. Thông qua những lần sinh hoạt chi hội, chị em còn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và nhắc nhở nhau thực hành “cần, kiệm”, chi tiêu hợp lý để thoát nghèo bền vững...”.
Hơn 1 năm triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được các chi, đảng bộ ở huyện Cai Lậy nghiêm túc thực hiện, bám sát chuyên đề hằng năm, nâng cao nhận thức, ý thức tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, qua đó tăng cường lòng tin của người dân đối với Đảng.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, huyện Cai Lậy chú trọng tuyên dương, nhân rộng điển hình đưa lời Bác dạy đi vào cuộc sống qua việc thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, hăng hái thi đua học tập, lao động sản xuất - kinh doanh, gắn lợi ích cá nhân với lợi ích của tập thể. Mỗi cá nhân, tập thể đều ý thức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để nhân thêm những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đóng góp tích cực vì sự phát triển của địa phương, cơ sở.
TRƯỜNG GIANG