Thứ Bảy, 16/09/2017, 07:53 (GMT+7)
.

Trận Ba Rài - góc nhìn của người trong cuộc

Thượng tá Ngô Văn Chính, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cai Lậy kể rằng, lúc xảy ra trận đánh, anh là trinh sát của Tiểu đoàn 263. Sáng sớm 15-9-1967, anh nhận được lệnh ra vàm sông quan sát hướng di chuyển của địch. Bấy giờ trực thăng của địch quần đảo dọc sông Ba Rài ngang qua đội hình của Tiểu đoàn 263 nhiều lần, nhưng do sương mù dày đặc, địa hình rậm rạp và được ngụy trang cẩn thận nên địch không phát hiện lực lượng ta. Tàu vô vàm sông Ba Rài, anh rút lui về tiểu đoàn, làm vị trí quan sát phía sau. Khi tàu chúng vừa vào tầm ngắm của đội hình Đại đội 2,  tiểu đội cảnh giới đề nghị cho bắn tàu. Đồng chí Nguyễn Hoàng Kha, Đại đội trưởng Đại đội 2 ra lệnh chờ địch chạy sâu vô chỗ khúc ngoặt giữa đội hình của tiểu đoàn mới bắn.

Tái hiện trận đánh Ba Rài nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Ba Rài (15-9-1967 - 15-9-2007).
Tái hiện trận đánh Ba Rài nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Ba Rài (15-9-1967 - 15-9-2007).

Khoảng 6 giờ 30 phút, một số tàu địch chạy vào đội hình bố phòng của ta, cả 3 chốt đồng loạt nổ súng, 1 chiếc tàu phá mìn trúng đạn lủi sang bờ Tây sông Ba Rài, các tàu khác tuy bị trúng đạn nhưng vẫn còn chạy được. Bị đánh bất ngờ, địch khựng lại, nhưng ngay sau đó cho tăng tốc vượt lên, với ý định vượt qua các tổ hỏa lực của ta, nhằm đổ quân lên bờ đánh ngược lại để tiêu diệt lực lượng của ta. Tuy nhiên, quân giặc đã không thực hiện được ý định trên, vì tất cả các tàu của chúng tiếp tục bị các tổ hỏa lực của ta bố trí dọc theo sông Ba Rài nổ súng, nhiều chiếc bị trúng đạn. Chúng bắn trả quyết liệt, một số tàu khác cố tăng tốc chạy về hướng Cai Lậy nhưng không thành. Khi trung đội đặc công dùng hỏa lực B40 bắn chiếc tàu rà phá mìn thứ hai chìm ngang thì dòng sông chỉ còn một lối nhỏ, khiến các tàu còn lại của địch khó có thể qua được, nhanh chóng tan vỡ đội hình, chạy tới chạy lui trong tầm hỏa lực của ta, nên tiếp tục bị trúng đạn, bị đánh chìm.

Có thể nói, ngay đợt nổ súng đầu tiên, ta dùng yếu tố bất ngờ, đã đánh phủ đầu, khiến địch trở tay không kịp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến thuật đánh giặc làm địch hoang mang, rơi vào thế bị động.

Yếu tố thiên thời, địa lợi trong trận Ba Rài cũng đã góp phần làm nên chiến thắng. Về địa lợi, các tổ đánh tàu của ta hầu hết bố trí ở những đoạn sông cong, cận các vàm rạch nhỏ như Bà Xá, Cầu Ván..., cho nên chiếm được ưu thế về tầm ngắm cũng như hạn chế sự đáp trả hỏa lực của địch. Vấn đề này, phía Mỹ cũng đã nhận định “Sông rạch miền Nam nhiều chỗ chật hẹp, chiến đỉnh đi lừng lững giữa sông dễ làm mồi cho địch... Và ở những chỗ ngoặt hiểm yếu, địch sẵn sàng dàn thế trận để phục kích ta”. Riêng ở Ba Rài, họ mô tả “Con rạch cắt ngang một góc chéo 25o rồi uốn khúc tạo thành một doi đất bề ngang chừng 600 m. Vì thế, từ cửa rạch không nhìn thấy bên trong, hai bên bờ cây cối rậm rạp...” (theo tài liệu “VC phục kích giang đoàn hải quân Việt - Mỹ tại rạch Ba Rài” - Trần Quán Niệm lược dịch).

Đánh phục kích xe địch trên lộ cũng vậy, ta cũng thường chọn những chỗ cong như khu vực Cây Me Chua ở vịnh Bà Thu, xã Tân Bình. Còn về mặt thủy chiến, chọn những đoạn sông nước chảy xiết, địch khó xoay trở.

Yếu tố thiên thời cũng rất quan trọng cho màn đánh phủ đầu này. Khoảng 6 giờ, nước sông Ba Rài còn khá cạn, trong khi lòng sông hẹp, khiến tàu địch khó lòng xoay trở nhanh nhẹn được, dù hỏa lực rất mạnh nhưng tầm sát thương rất hạn chế do sông cạn, từ tàu bắn lên nếu hạ nòng thấp thì đạn sẽ ghim vô bờ, còn nâng nòng thì đạn sẽ bắn bổng lên trời. Mặt khác, ta từ trên cao, chiếm thế thượng phong, dễ ngắm mục tiêu hơn, nên bắn rất chính xác, gây thương vong rất cao cho đối phương. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà ngay trong lần chạm súng đầu tiên, hải quân Mỹ cho rằng đã “vào vùng tử địa”...

NGUYỄN NGỌC PHA

(lược ghi)

.
.
.