Ý nghĩa lịch sử và giá trị hiện thực của Cách mạng Tháng Mười Nga
Ngày 7-11-1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nga, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập nên Nhà nước Xô viết. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra làm thay đổi cục diện thế giới. Đó là sự thể nghiệm thắng lợi chủ nghĩa Mác-Lênin trong thực tiễn, để lại những bài học lịch sử vô giá cho các quốc gia, dân tộc trong đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đánh giá sự kiện lịch sử trọng đại này, Nguyễn Ái Quốc viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười Nga chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Rạng sáng 7-11-1917 (25 tháng 10 theo lịch Nga cũ) lực lượng khởi nghĩa tấn công Cung điện Mùa Đông ở Petrograt (nay là Saint Petersburg), mở đầu Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. |
Cách mạng Tháng Mười Nga cũng mở ra kỷ nguyên mới - lần đầu tiên trong lịch sử loài người, cách mạng đã đưa công nhân, nông dân lên nắm quyền điều hành và bảo vệ đất nước, xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa theo học thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đồng thời, Cách mạng Tháng Mười Nga đã đánh đổ chủ nghĩa tư bản ở một khâu quan trọng nhất và yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc, làm cho chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống duy nhất trên thế giới.
Dưới sự lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ của Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào đấu tranh của công nhân ở các nước phương Tây có sự gắn bó mật thiết với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Cách mạng Tháng Mười Nga đã cung cấp cho phong trào cách mạng thế giới nhiều bài học kinh nghiệm quý giá và đi vào lịch sử loài người như một sự kiện trọng đại, mở đầu thời kỳ mới - thời kỳ lịch sử thế giới hiện đại.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã đưa loài người sang trang sử mới, ở đó ước mơ về một cuộc sống bình an, không còn bóc lột, áp bức, bất công đã trở thành hiện thực sinh động cho hàng triệu người ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ. Động lực và nguồn cảm hứng từ Cách mạng Tháng Mười Nga xác lập nên xu hướng vận động chủ đạo của lịch sử thế giới hiện đại, đó là xu hướng phê phán, phủ định và thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một chế độ xã hội tiến bộ hơn, là chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, sự chống phá quyết liệt, điên cuồng hiện nay của các thế lực thù địch đối với Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa xã hội chính là vì cuộc cách mạng vĩ đại của nước Nga vẫn tiếp tục tác động đến triển vọng của lịch sử loài người trong thế kỷ XXI - thế kỷ đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản ở tầm cao mới, sâu sắc và triệt để.
Trong thế kỷ XXI đặt ra nội dung và yêu cầu mới cho mục tiêu phát triển. Ðó là sự phát triển trong hòa bình và tự do; phát triển hài hòa giữa vật chất và tinh thần; phát triển trong công bằng và dân chủ; phát triển bền vững và nhân văn; sự phát triển của mỗi người, mỗi nhóm xã hội, mỗi giai cấp, tập đoàn, mỗi quốc gia, dân tộc phải là điều kiện tích cực cho sự phát triển của những người khác và toàn bộ loài người. Khuôn khổ này của sự phát triển bền vững không thể dung hòa trong giới hạn chật hẹp của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa chỉ có thể tồn tại và vận động được nhờ giá trị thặng dư thông qua bóc lột lao động, nhờ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng lớn, nhờ đầu cơ tài chính và chiến tranh xâm lược... Bởi vậy, mục tiêu phát triển hiện đại tự nó đặt ra yêu cầu tiếp tục giải phóng, giải phóng triệt để hơn nữa khỏi con đường và chế độ tư bản chủ nghĩa trong mọi biến thái khác nhau của chúng. Ðể tìm cách thoát khỏi bế tắc, từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX đến nay, chủ nghĩa tư bản ra sức thực hiện chủ nghĩa tự do mới trên phạm vi toàn cầu với sự đầu tư vào quá trình tư nhân hóa, tự do hóa, buộc các nền kinh tế quốc gia phải mở cửa rộng rãi cho tư bản độc quyền quốc tế xâm nhập. Với chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa tư bản có tham vọng dẫn dắt thế giới đi vào toàn cầu hóa. Thế giới đã lên tiếng trả lời bằng một phong trào chống toàn cầu hóa tự do tư bản chủ nghĩa, là sản phẩm mới của một thế giới phải đối mặt với chủ nghĩa tư bản như thế lực đế chế toàn cầu; là sự phản kháng toàn cầu chống chủ nghĩa tư bản chưa hề có tiền lệ trong lịch sử loài người.
Con đường Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ là của giai cấp vô sản, mà là con đường của tất cả các tầng lớp nhân dân lao động, lực lượng cách mạng, các dân tộc bị bóc lột, áp bức và toàn thể loài người tiến bộ, cho nên đó là con đường của thế kỷ XXI. Chân lý này đang được minh chứng sinh động ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các nước ở Mỹ la-tinh, nơi phong trào cánh tả đang dấy lên thành một cao trào mới và đang nhiệt tình kiến tạo chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI.
Ở Việt Nam, trong lúc các lực lượng cách mạng trong nước khủng hoảng về đường lối cứu nước thì lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga về cho phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Nhờ vậy, ngày 3-2-1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đề ra cương lĩnh, đường lối, chiến lược lãnh đạo phong trào cách mạng. Năm 1945, trên cơ sở vận dụng sáng tạo và thành công bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Sự nghiệp cách mạng Việt Nam từ mốc son lịch sử năm 1945 tiếp tục vận động theo con đường và lý tưởng, mục tiêu của Cách mạng Tháng Mười Nga. Ðó là con đường cách mạng nhằm bảo vệ độc lập, tự do và mang lại hạnh phúc cho toàn dân; là con đường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc xâm lược; là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những mốc son trên con đường cách mạng của Việt Nam là sự nối tiếp hào hùng của Cách mạng Tháng Mười Nga, góp phần tạo nên tiến trình các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1986 đến nay, Ðảng và nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Trước thử thách của thời cuộc, Việt Nam vẫn kiên trì lý tưởng, mục tiêu và con đường Cách mạng Tháng Mười Nga; tích cực tìm tòi, khám phá hướng đi đúng đắn, phù hợp. Mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng được sáng tỏ hơn. Ðất nước giữ vững ổn định chính trị - xã hội; dân chủ được phát huy rộng rãi; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường và mở rộng, tạo ra động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao; đời sống của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm dần qua từng năm, đem sức sống mới cho sự nghiệp đổi mới.
Từ chỗ bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có tất cả các nước lớn và các tổ chức quốc tế hàng đầu; đồng thời, phát triển quan hệ đa phương, đa dạng với các đối tác nước ngoài theo tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng quốc tế.
Các nhân tố để Việt Nam đổi mới thành công thì có nhiều, nhưng trong đó trước hết phải là sự kiên định lý tưởng, mục tiêu xã hội chủ nghĩa, tư tưởng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ðối với Ðảng và nhân dân Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi là một trong những cội nguồn của động lực, sức mạnh và nguồn cảm hứng; mãi mãi là ánh mặt trời chói lọi soi sáng con đường đi lên, tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi năm 1917, loài người chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm, phức tạp, nhưng Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn là một trong những sự kiện trọng đại nhất của lịch sử thế giới hiện đại. Lý tưởng và con đường Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tiếp tục tỏa sáng, soi rọi cuộc đấu tranh tự giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
TS. LÊ VĂN TÝ