Góp ý 7 vấn đề vào dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)
Chiều 3-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) góp ý 7 vấn đề sau:
Thứ nhất, khoản 4, Điều 5 quy định không chuyển khoản nợ vay lại, vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước. Nội dung quy định này mâu thuẫn với điểm c, khoản 5, Điều 55 quy định cho phép Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án xóa nợ khi đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh Chính phủ bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn tài sản. Bởi vì, khi xóa nợ, có nghĩa là khoản vay lại này không có nghĩa vụ trả nợ và sẽ thành một khoản cấp phát ngân sách. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào phần cuối của khoản 4 và viết lại là “không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại mục c, khoản 5, Điều 55 luật này”.
Thứ hai, Điều 10 quy định Quốc hội có 2 nhiệm vụ, quyền hạn, đó là quyết định, điều chỉnh kế hoạch vay trả nợ công 5 năm và quyết định điều chỉnh tổng mức vay và trả nợ của ngân sách Nhà nước hằng năm. Mặt khác, tại Điều 21, về chỉ tiêu an toàn nợ công giao Quốc hội quyết định trong thời kỳ các chỉ tiêu này. Đề nghị bổ sung nhiệm vụ quyết định chỉ tiêu an toàn nợ công vào nhiệm vụ Quốc hội tại Điều 10 cho đầy đủ nhiệm vụ theo luật này quy định.
Thứ ba, tại Điều 15, thống nhất với cơ quan soạn thảo luật là giao Bộ Tài chính là đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công. Tuy nhiên, đây là một quy định mang tính đặc biệt quan trọng, có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước. Để tránh chồng chéo trách nhiệm, đề nghị luật cần thiết bổ sung quy định Chính phủ ban hành chính sách quy định về quy chế phối hợp thực hiện giữa các cơ quan với nhau, giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước để quy chế này là cơ sở pháp lý cụ thể về các nhiệm vụ, tránh chồng chéo trong thực hiện giữa các bộ, ngành.
Thứ tư, Điều 23 quy định về chương trình nợ trung hạn. Hiện tại, Luật Đầu tư công quy định rõ trung hạn của đầu tư công là 5 năm, trong khi đó luật này quy định trung hạn là 3 năm. Đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích thêm lý do vì sao lại có sự không thống nhất về thời gian. Bởi việc không thống nhất này sẽ dễ gây ra hiểu nhầm, cũng như không đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ của pháp luật. Ngoài ra, tại khoản 1 của điều này, cần cân nhắc khi sử dụng cụm từ mang tính tượng hình là theo phương thức cuốn chiếu. Đề nghị luật phải sử dụng những từ ngữ rõ nghĩa và chân phương để dễ dàng và thống nhất trong thực hiện.
Thứ năm, tại khoản 5, Điều 24 quy định Bộ Tài chính xây dựng tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đề nghị điều chỉnh theo hướng Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch vay trả nợ công hằng năm của ngân sách trung ương. Tổng hợp phần ngân sách địa phương do UBND tỉnh lập và HĐND tỉnh quyết định vào chung dự toán ngân sách Nhà nước, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Thứ sáu, tại khoản 2, Điều 25 nêu mục đích vay của Chính phủ là bù đắp thiếu hụt tạm thời của ngân sách trung ương. Đề nghị làm rõ khái niệm “thiếu hụt tạm thời”.
Thứ bảy, mục tiêu lớn của luật này nhằm thống nhất kỷ cương trong quản lý, đảm bảo an toàn, giảm thiểu những rủi ro của nợ công. Do vậy, đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung các quy định quản lý đặc thù cho loại nợ công có nguồn gốc từ vay nước ngoài nhằm hạn chế rủi ro biến động về tỷ giá và các điều kiện ràng buộc đi kèm với khoản vay do bên cho vay thường yêu cầu. Ví dụ, chỉ định thầu cung cấp thiết bị vật tư, chỉ định thầu thi công dự án…
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)