Không để "chìm xuồng" những vụ án tham nhũng
Chiều 18-11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Bình. |
Chính phủ nỗ lực giảm khoảng cách giàu - nghèo
Trả lời đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) băn khoăn về tình trạng chênh lệch giàu nghèo, phân hóa xã hội hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là chủ trương của Đảng, trong những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, liên tục phấn đấu cho mục tiêu dân giàu nước mạnh, công bằng, văn minh và đạt nhiều kết quả. Đời sống của nhân dân, từ miền xuôi đến vùng núi, vùng sâu, vùng xa được cải thiện đáng kể. Tuy vậy, tỷ lệ người nghèo, nhất là vùng xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, bãi ngang vẫn còn xảy ra. Thu nhập ở nông thôn chưa bằng 1/2 thành thị, đặc biệt ở miền núi chỉ đạt 44% mức bình quân cả nước.
“Việc phân phối khối của cải xã hội hợp lý là chủ trương làm liên tục, thể hiện định hướng xã hội chủ nghĩa trong quan điểm phát triển của nước ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thực hiện chủ trương này là vấn đề cần làm vừa lâu dài, vừa cấp bách. Trước hết, để phát triển kinh tế-xã hội, cần đẩy mạnh ổn định tái cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả tốt hơn. Cùng với đó là đào tạo việc làm cho người nông dân ở vùng nông thôn, miền núi; điều tiết thu nhập qua thuế; bảo đảm an sinh, xã hội, nhất là hỗ trợ tín dụng cho người nghèo tốt hơn.
Về mặt chính trị, Thủ tướng khẳng định, muốn giảm khoảng cách thì ổn định chính trị vô cùng quan trọng, dân chủ công khai để mọi người dân có cơ hội vươn lên, tạo điều kiện cho người dân làm chủ. “Có nhận thức tốt, hành động tốt, chính trị tốt, kinh tế tốt thì mới giải quyết tốt khoảng cách giàu-nghèo”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, về mặt xã hội, tiếp tục tiếp cận giáo dục y tế cho người nghèo, người yếu thế, chính sách người có công, người dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn... tiếp tục đặt ra. Ngoài ngân sách Nhà nước cần xã hội hoá mạnh mẽ để giảm nghèo, giúp đỡ người dân vùng thiên tai, khơi dậy trách nhiệm xã hội, tinh thần vượt khó, nhân rộng các mô hình thoát nghèo hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Bình |
Phải quan tâm mạnh mẽ hơn, dành nguồn lực nhiều hơn cho các vùng, nhất là quan tâm vùng còn khó khăn, nhất là vùng chưa có điện, chưa có đường, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục; đặc biệt, giải quyết tốt chính sách đã ban hành đến tận người dân. “Giải quyết đồng bộ các vấn đề này sẽ giảm khoảng cách giàu nghèo”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng dẫn chứng, mặt hàng rau,củ, quả là thế mạnh nông nghiệp Việt Nam, nếu phát triển tốt để xuất khẩu thì cũng giúp giảm khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị - nông thôn, miền núi.
Nội hàm của Chính phủ kiến tạo
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đặt vấn đề: Ngay sau khi Chính phủ nhiệm kỳ mới thành lập, cùng với chủ trương xây dựng quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đưa thông điệp về Chính phủ kiến tạo. Đây là thông điệp có sức lay động ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau về thông điệp này, đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết, nội dung cốt lõi của Chính phủ kiến tạo là gì? Chính phủ kiến tạo có những điểm mới nào so với mô hình quản lý truyền thống?
Trả lời chất vấn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nội hàm của Chính phủ kiến tạo trước hết là chủ động thiết kế chính sách và pháp luật để đất nước phát triển. Thứ hai, Nhà nước không làm thay thị trường và nhân dân, cái gì nhân dân làm tốt thì để nhân dân, xã hội làm. Thứ ba, Chính phủ kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi. Môi trường kinh doanh của nước ta không chỉ dẫn đầu khu vực ASEAN, mà còn vươn lên nhóm các quốc gia phát triển. Thứ tư, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế để phục vụ người dân. Chính phủ kiến tạo là Chính phủ phục vụ tốt nhất cho người dân, mà trước hết là phục vụ y tế, giáo dục, thể thao. Thứ năm, Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thiết lập kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay theo thẩm quyền khi cán bộ không đáp ứng yêu cầu. “Cán bộ giao mãi không làm, chậm trễ để nhân dân chờ đợi thì kiến tạo cái gì?”, Thủ tướng nêu rõ.
Ngoài ra, Thủ tướng cho biết thêm, xây dựng Chính điện tử và trên các lĩnh vực là hướng cần thiết để xây dựng Chính phủ kiến tạo.
Thủ tướng cũng nêu rõ, sự khác nhau giữa Chính phủ kiến tạo và Chính phủ điều hành là Chính phủ kiến tạo có sự chủ động, năng động hơn về chính sách, pháp luật, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Chính phủ điều hành là Chính phủ chỉ thực hiện trên khuôn khổ chính sách, pháp luật.
Tự do thương mại là xu thế không thể đảo ngược
Về vấn đề Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ Chính trị đã xem xét kiến nghị của Chính phủ và đồng ý thảo luận ở cấp Bộ trưởng thương mại các nước tham gia về TPP với 11 đối tác. Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn, nhưng Australia, Nhật Bản, New Zealand, Mexico... cũng là nền kinh tế lớn mà Việt Nam đang khai thác.
Khẳng định xu hướng tự do thương mại là xu thế không đảo ngược của kinh tế thế giới, Thủ tướng nêu rõ “Hoa Kỳ là thị trường lớn nên sẽ có lợi hơn, nhưng không có Hoa Kỳ sẽ vẫn có lợi” và cho biết, Việt Nam quyết tâm cùng các thành viên tiếp tục nỗ lực sớm triển khai Hiệp định CPTPP trên tinh thần cân bằng lợi ích, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết trong quá trình đàm phán.
Việt Nam- Hoa Kỳ có hiệp định thương mại đầu tư và ta tiếp tục hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Thủ tướng lo “trên nóng, dưới lạnh”
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) về việc Thủ tướng có hài lòng với kết quả điều hành không, còn điều gì trăn trở, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, “đây là câu hỏi hóc búa”.
Đồng thời nêu rõ, như báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội ngay đầu nhiệm kỳ này, đó là dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của người dân, doanh nghiệp, đất nước đã vượt qua khó khăn, đạt được thành công bước đầu quan trọng, là năm đầu tiên có thể hoàn thành 13/13 chỉ tiêu do Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội giao cho Chính phủ. “Kết quả đó rất đáng phấn khởi, nhưng chúng tôi xác định đó chỉ là kết quả bước đầu”, Thủ tướng nhận định.
Theo Thủ tướng, chất lượng tăng trưởng có khá hơn, môi trường kinh doanh tốt hơn, trong điều kiện thiên tai, bão lũ xảy ra, gây nhiều thiệt hại, nhưng chúng ta vươn lên được. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thiên tai liên tục xảy ra, khoa học công nghệ còn lạc hậu, năng lực nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Do vậy, "trả lời câu hỏi có hài lòng với kết quả điều hành không, thì tôi thấy chưa hài lòng! Chúng ta phải thẳng thắn như vậy. Chính vì vậy, cần làm tốt hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa và đồng bộ hơn nữa thì kết quả sẽ tốt hơn", Thủ tướng nêu rõ.
Trả lời câu hỏi Thủ tướng lo lắng gì nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: Đảng ta đã nhận định từ lâu các nguy cơ tụt hậu, diễn biến hòa bình, tham nhũng, gần đây theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Và lo lắng nữa là hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, sách nhiễu, chưa sát dân, chưa gần dân, để kịp thời giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người dân. “Xa dân, quan liêu là điểm phải lo lắng nếu có ở bộ máy của ta”, Thủ tướng nói, “không phải tất cả, nhưng điều đó cũng đáng báo động”.
Do đó, phải tiếp tục thực hiện kiến tạo, liêm chính, hành động vì nhân dân. Cả bộ máy phải đồng lòng vì nhân dân, để dân tin, không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. “Quan trọng trong điều hành hiện nay là giải quyết các “điểm nghẽn” Đại hội Đảng ta đã chỉ ra- đó là hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, chính sách để phát huy tiềm năng của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Không để “chìm xuồng” những vụ án tham nhũng
Về băn khoăn của đại biểu liệu rằng một số vụ án tham nhũng có bị “chìm xuồng” không, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Tôi xin khẳng định, Đảng, Nhà nước không cho phép “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng. Không có “vùng cấm” trong việc xử lý tham nhũng. Chính vì vậy, hệ thống hành pháp, tư pháp phối hợp các cấp, ngành, địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đúng pháp luật, kịp thời, để nhân dân yên tâm, đồng thời, công khai kết quả xử lý trước Quốc hội.
Thủ tướng đồng tình với nhận định của đại biểu Quốc hội là tham nhũng không chỉ ở Việt Nam mà diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước Việt Nam coi nhiệm vụ chống tham nhũng rất quan trọng nên đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo. Vừa qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều việc, từ xây dựng thể chế tới điều tra, truy tố, xét xử; hiện Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần để cán bộ, công chức “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”.
Thủ tướng cũng cho biết, lần này Chính phủ tính toán để xem xét nâng lương cho cán bộ, công chức; xem đây là giải pháp cần thiết trong bối cảnh tham nhũng vặt đang diễn ra nghiêm trọng.
“Tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường kiểm soát quyền lực... là những việc quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”, Thủ tướng nhận định.
(Theo qdnd.vn)