Thứ Bảy, 23/12/2017, 12:56 (GMT+7)
.

Khẩn trương, chủ động ứng phó với bão Tembin

9 giờ sáng 23-12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão Tembin (cơn bão số 16). Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì hội nghị. Tại đầu cầu Tiền Giang, đồng chí Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
 
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 7 giờ sáng 23-12,vị trí tâm bão 7,7 độ Vĩ Bắc-120,2 độ Kinh Đông, cách Nam Pa-la-oan (Phillippin) khoảng 270km; sức gió cấp 10, giật cấp 13. Bão di chuyển nhanh (tốc độ trung bình 20-25km/giờ) hướng di chuyển chủ đạo theo hướng Tây, hơi lệch về phía Tây Tây Bắc.
 
Đêm nay (23-12), bão sẽ đi vào biển Đông và đêm 25-12, bão đổ bộ vào khu vực Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất gần của bão ở Tây Trường Sa (cấp 11-12, giật cấp 15). Khi đổ bộ vào Nam bộ, khả năng cao sức gió từ cấp 10 (giật cấp 13 trở lên). Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương đề cập đến cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 cho 1 số tỉnh ven biển. Sóng biển ở Trường Sa cao trên 10m, sóng biển ngoài khơi Nam bộ cao 6-8m, nước dâng do bão từ 0,5-1m.
 
Theo nhận định, bão Tembin còn diễn biến rất phức tạp. Bởi, nó diễn ra vào thời điểm cuối năm, nơi ít xảy ra bão, công tác ứng phó của những địa phương này cũng còn ít, tâm lý ứng phó bão cũng còn chủ quan ở một số địa phương.
 
Ngoài ra, khu vực Nam bộ là nơi có nhiều về tàu thuyền hoạt động trên biển; dân cư sống ven biển đông; điểm sạt lở ven biển còn nhiều; những tuyến đê xung yếu bị xâm thực… Nếu bão, kết hợp triều cường thì rất nguy hiểm. 
Lãnh đạo các Sở, ban, ngành dự họp trực tuyến với Ban Chỉ huy Trung ương về phòng, chống thiên tai sáng 23-12.
Lãnh đạo các Sở, ban, ngành dự họp trực tuyến với Ban Chỉ huy Trung ương về phòng, chống thiên tai sáng 23-12.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh này. Vì vậy, chiều 22-12, tỉnh đã lên kế hoạch và đã có phương án ứng phó với cơn bão mạnh này. “Chúng tôi đã cấm tàu thuyền ra khơi, 4.000 chiếc đã vào bờ, số lượng còn hoạt động tỉnh yêu cầu các địa phương sắp xếp các tàu thuyền ở những khu neo đậu. Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu dự kiến sơ tán 78.000 dân.
 
Dự kiến sáng mai (24-12), chúng tôi sẽ cho di dân ở những vùng trọng yếu. Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu các địa phương phải triển khai tất cả các phương án để ứng phó với bão, thông tin cho tất cả mọi người biết và có kế hoạch ứng phó. Nếu những hộ dân có nhà không kiên cố thì tiến hành chằng chống sáng hôm nay (23-12), chằng chống lồng bè thật kiên cố, người cũng không được ở lại bè.
 
TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương được dự báo bão sẽ đổ bộ vào. Vì vậy, từ hôm qua (22-12), thành phố  đã có 2 văn bản chỉ đạo cho tất cả sở, ban, ngành và các huyện trong việc ứng phó… Sau cuộc họp này, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh sẽ ngồi lại với các địa phương để tiếp tục rà soát công tác chuẩn bị ứng phó.
 
Phát biểu về công tác chuẩn bị ứng phó với bão mạnh Tembin, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho biết, chiều tối qua (22-12), Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng với các huyện đã tiến hành cuộc họp khẩn để nghe báo cáo của các sở, ban, ngành cũng như các địa phương trong việc ứng phó với bão. Tiền Giang cũng đang chuẩn bị các phương án về điện, nước, thức ăn, thuốc men, khu di dời tránh trú bão, nơi cứu chữa người gặp nạn…để đề phòng tình huống xấu xảy ra. 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng phát biểu tại hội nghị trực tuyến sáng 23-12 về công tác ứng phó với bão.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng phát biểu tại hội nghị trực tuyến sáng 23-12 về công tác ứng phó với bão.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo dự báo của các trung tâm lớn, tối 25-12, bão sẽ đổ bộ vào miền Nam, trong đó có tỉnh Tiền Giang. Đây là cơn bão mạnh và diễn biến rất phức tạp. Nếu công tác ứng phó, chỉ huy, chỉ đạo không tốt thì bão đi qua sẽ để lại hậu quả rất nặng nề. Quảng Nam đến Cà Mau sóng rất lớn khi bão đổ bộ vào. Vì vậy, các địa phương này phải gấp rút chuẩn bị công tác ứng phó cho thật nghiêm túc. Nam bộ là vùng mà đê biển của ta bị tổn thương rất lớn. Nếu bão vào và gặp nước biển dâng thì sẽ rất nguy hiểm. Đây là vùng hoạt động dân cư, hoạt động trên biển đông đông, kinh tế biển phát triển khá mạnh…
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương trong khu vực bão có khả năng ảnh hưởng không được chủ quan, nên dừng hết các cuộc họp không cần thiết để tập trung triển khai phòng, chống bão. Ngoài việc kêu gọi tàu thuyền trên biển vào trú bão cần phải rút kinh nghiệm từ bão số 12 trong việc bảo vệ lồng bè nuôi thủy sản, không để người ở lại trên lồng bè. Kiên quyết sơ tán dân khỏi khu vực xung yếu, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ.
 
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cử đoàn công tác vào các tỉnh phía Nam trợ giúp, hướng dẫn về kỹ thuật bảo vệ, khôi phục cây trồng, thủy sản trong và sau bão. “Các tỉnh phải rà soát lại phương án, kịch bản phòng, chống bão có thể xảy ra. Với khu vực người dân có ít kinh nghiệm về phòng ,chống bão, dễ bị tổn thương về nhà cửa, nuôi trồng thủy sản… thì phải phòng chống với mức độ rủi ro thiên tai cấp 5 - cấp thảm họa”- đồng chí Nguyễn Xuân Cường đề nghị.
 
* Sau cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã ngồi lại cùng với lãnh đạo các sở, ban, ngành và chủ trì cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh.
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã phê bình một số sở, ngành vì không có lãnh đạo đến họp. Ngoài ra, đồng chí cũng yêu cầu Sở Công thương phải chỉ đạo Điện lực Tiền Giang trong ngày hôm nay phải vận chuyển các trụ điện qua huyện Tân Phú Đông, chằng chéo 4 dây cho tất cả trụ điện. Nếu tình hình phức tạp, điện lực phải huy động hết nhân sự trên địa bàn tỉnh phục vụ cho những nơi bị thiệt hại nặng do bão; rà soát, chuẩn bị máy phát điện dự phòng cho tình huống xấu… “Máy cưa gỗ, máy cưa cột điện, bao nhiêu xe cần cẩu cột điện, cây cối đã chuẩn bị chưa? Thuốc men, nước uống, thức ăn, nơi phục vụ việc di dân đến? Các bệnh viện, trạm xá, bác sĩ, y tá…để cứu chữa người sau bão đã rà soát đến đâu?
 
Đến giờ này, chúng ta đã chuẩn bị bao nhiêu mùng, mền, đèn sạc? Khi có trụ điện viễn thông gãy đổ và không thể liên lạc trên diện rộng thì phải có phương án xử lý ngay. Chằng chéo nhà cửa, dân không có tiền thì tìm nguồn ở đâu để giúp dân chằng chéo lại nhà cửa? Ngay trong hôm nay, TP. Mỹ Tho, các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh phải cho mé cây, tỉa cành… Kiểm tra tất cả các tàu, thuyền và bè cá của người dân. Từ ngày 22-12, tất cả các sở, ban, ngành; các địa phương từ huyện đến xã phải trực bão; đặc biệt, trong quá trình trực không được uống rượu, bia và giao cho một số ngành chức năng kiểm tra thường xuyên công tác trực bão.
 
19 giờ tối nay (23-12), Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ họp tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh. Bốn đồng chí Chủ tịch UBND huyện, thị ở phía Đông như: Gò Công Đông, Tân Phú Đông, Gò Công Tây và Thị xã Gò Công sắp xếp dự cuộc họp này để kiểm điểm lại những gì đã làm được để ứng phó với bão mạnh này.
SĨ NGUYÊN
.
.
.