Thứ Bảy, 23/12/2017, 23:06 (GMT+7)
.

Phải kiểm tra việc triển khai thực hiện, không được chủ quan với bão

Đó là chỉ đạo của đồng chí Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang về công tác ứng phó với bão Tembin vào tối 23-12-2017 tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang.
Tại đây, Ban Chỉ huy về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã cùng với các Sở, ban, ngành và các huyện phía Đông rà soát lại các vấn để đã chuẩn bị, triển khai để ứng phó với bão Tembin trong hơn 1 ngày qua. 
Ông Nguyễn Thiện Pháp thông tin về bão Tembin.
Ông Nguyễn Thiện Pháp thông tin về bão Tembin.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp cho biết, theo bản tin mới nhất, lúc 16 giờ chiều nay, bão Tembin có tọa độ 7,7 độ Vĩ Bắc, 118,3 độ Kinh Đông, cách đảo Pa-la-oan (Philippin) khoảng 111km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (90-115km/giờ), giật cấp 14. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9, có bán kính khoảng 200km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 15, có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão. 
Đến thời điểm này, Ban Chỉ huy tỉnh về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã thông tin đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng, Chi cục Thủy sản và các huyện, thị, thành có phương tiện đánh bắt thủy hải sản để thông báo kịp thời cho các tàu thuyền biết vị trí, diễn biến hướng di chuyển để không đi vào vùng nguy hiểm. 17 giờ chiều 22-12, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ huy tỉnh về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về công tác triển khai ứng phó với bão Tembin. 9 giờ sáng 23-12, Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó bão Tembin và tỉnh Tiền Giang có nối cầu đến cấp huyện.
 
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang Võ Văn Thông cho biết, theo bản tin dự báo, đêm nay và đêm mai, bão mới vào biển Đông. Khi vào bờ, bão giảm cường độ và hoàn lưu của bão chỉ còn cấp 8-9, ảnh hưởng đến Tiền Giang còn cấp 6-7 và hướng bão đang lệch xuống phía Nam.
 
Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Phú Đông, huyện đã tổ chức họp triển khai cho tất cả các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Huyện đã tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê số hộ, số dân di dời; chằng néo nhà cửa thô sơ, tôn cao bờ bao, đê bao để bảo vệ sản xuất. Trường hợp bão có sức gió mạnh nhất dưới cấp 10 thì tiến hành tổ chức sơ tán bước 1 trên 10.500 người/ 4.443 hộ, điểm đến 331 điểm tránh trú; đối với bão trên cấp 10, huyện sơ tán dân trong huyện trên 33.789 người, sơ tán sang huyện khác trên 10.000 người.
 
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Gò Công Đông cũng đã thông tin đến từng địa phương và phân công trực 24/24. Hiện, huyện đã kêu gọi 300 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản vào bờ, 388 tàu còn đang hoạt động ngoài biển và đang liên lạc với số phương tiện này thoát ra ngoài hoặc vào nơi tránh trú an toàn. Huyện cũng họp đồng với các siêu thị, khi có bão thì họ sẽ cung cấp mì tôm, nước nước, thức ăn nhanh…
 
Với huyện Gò Công Tây đã tiến hành rà  soát phương án, kiểm tra phương tiện ứng phó với bão và kiểm tra các ngôi nhà không an toàn để tiến hành chằng néo. Dự kiến ngày mai, thành viên từ huyện đến xã sẽ làm việc từng hộ và nếu hộ nào khó khăn, không có tiền mua vật tư chằng néo thì huyện chi ngân sách ra làm. Huyện cũng rà soát và có thể trưng dụng 16 chủ xe khách, trên 500 ghế để sơ tán dân. Y tế đã đảm bảo thuốc cho 3.000 người…
 
Thị xã Gò Công tiếp tục trực 24/24 và rà soát các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai của đơn vị mình; lưu ý di dời các hộ ngoài đê. Các trường hợp cây xanh có khả năng gãy đổ khi mưa dông thì đã cho tỉa cành, mé nhánh; chuẩn bị cơ sở thuốc, lương thực, thực phẩm cứu trợ người dân tại địa phương và người dân nơi khác đến tránh, trú bão. Chuẩn bị đầy đủ đèn pin, đèn cầy để thấp sáng nơi dân trú bão…
 
Trước đó 16 giờ (23-12), Bộ đội Biên phòng Tiền Giang đã cũng "cấm biển" và kêu gọi tất cả người giữ nghêu và đóng đáy sông Cầu vào bờ. Sáng ngày mai, 24-12 sẽ cho tàu Biên phòng tiếp tục kiểm tra. Nếu tàu nào ra ngoài thì tiến hành cưỡng chế để đưa họ vào bờ.
 
Công an tỉnh Tiền Giang đã đưa quân xuống hỗ trợ huyện Tân Phú Đông trong việc chằng néo nhà cửa;  lực lượng công an có chuẩn bị nhà bạc, dao, cuốc, xẻng…Khi có tình huống xấu, Công an tỉnh sẽ tiếp tục đưa thêm quân… 
Đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu về công tác chuẩn bị ứng phó với bão Tembin.
Đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu về công tác chuẩn bị ứng phó với bão Tembin. 
Nếu có tình huống xấu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ đưa nhiều xe thiết giáp xuống dọn dẹp hiện trường. Bộ Chỉ huy cũng huy động tất cả các nhà bạc trên địa bàn tỉnh và nếu cần thiết thì chuyển số lượng nhà bạc này xuống các địa phương.
 
Ông Nguyễn Điền Khoán, Phó Giám đốc Điện lực Tiền Giang cho biết, hiện có khoảng 400 nhân viên. Nếu cần thiết sẽ huy động thêm các công ty xây lắp điện trên địa bàn khoảng 100 người nữa. Điện lực dự phòng 400 trụ và trong đêm nay, sáng mai sẽ chuyển qua huyện Tân Phú Đông. Ngoài ra, Điện lực Tiền Giang có 10 xe cẩu, một số máy phát điện dự phòng. Nếu có trường hợp xấu, Điện lực xin ý kiến từ Tổng Công ty điện lực miền Nam huy động các máy phát điện từ các tỉnh khác.
Ban Chỉ huy tỉnh về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn họp tối ngày 23-12.
Quang cảnh buổi họp tối ngày 23-12.
Sở Giao thông vận tải Tiền Giang rà soát các xe khách, xe tải trên địa bàn để có thể di tản dân và vận chuyển hàng hóa phục vụ cho các huyện phía Đông nếu có bão xảy ra. Ngoài ra, Sở cũng kiểm tra tất cả các bến phà ở các huyện, thị phía Đông...
 
Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang yêu cầu các trường phải tổ chức trực 24/24, bảo vệ tài sản của trường và kiến nghị UBND tỉnh cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày 25 và 26-12…
 
Sở Thông tin - Truyền thông Tiền Giang cho biết, đã làm việc với 3 nhà mạng lớn. Nếu có trường hợp ngã đổ các trạm phát sóng, Viettel và Vinaphone sẽ điều xe phát sóng lưu động đến những nơi mất sóng, kịp thời đảm bảo thông tin liên lạc.. 
Đồng chí Lê Văn Hưởng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp tối 23-12.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp tối 23-12.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết: Đến thời điểm này, công tác triển khai xem như hoàn tất; nhưng vấn đề là cần kiểm tra xem có thực hiện hay chưa, nhất là tuyến xã, ấp; cần tăng cường thông tin tuyên tuyền kết hợp với kiểm tra tiến độ thực hiện; không được chủ quan với bão. Riêng việc chằng néo nhà cửa thì các huyện và các ngành chức năng cần phải tính đến vấn đề lâu dài. Ban Chỉ huy cấp huyện tích cực kiểm tra công tác ứng phó ở tuyến xã. 4 địa phương như huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây và Thị xã Gò Công thường xuyên phải chóng chọi với bão nên Sở KH-ĐT và Sở Tài Chính cần có kế hoạch hỗ trợ kinh phí hàng năm. Công tác tuyên truyền như thế nào mà khi nghe có bão thì người dân tự giác chằng néo nhà cửa.
“Ngoài việc kiểm tra lại công tác chuẩn bị ứng phó như thế nào thì tinh thần của chúng ta là phải chuẩn bị ứng phó cấp bão trên 10. Tiếp tục theo dõi và nếu trường hợp xấu thì ngày mai (24-12) sẽ tiến hành họp khẩn và quyết định có di dân và cho học sinh nghỉ học không...”, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận.
 
DUY SƠN - SĨ NGUYÊN
.
.
.