Thứ Sáu, 15/12/2017, 14:52 (GMT+7)
.
TIẾN TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM CHIẾN THẮNG ẤP BẮC VÀ BÁO ĐẢNG TỈNH TIỀN GIANG MANG TÊN ẤP BẮC (2-1-1963 - 2-1-2018)

Viết tiếp về Đại đội trưởng Bảy Đen

Số báo trước đăng bài “Đại đội trưởng Bảy Đen qua ký ức đồng đội”, lược ghi lời kể của đồng chí Lê Hồng Hưởng (Sáu Hưởng), nguyên Chính trị viên, kiêm Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 về Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 Bảy Đen (gọi tắt là Đại đội trưởng Bảy Đen). Bài này tiếp tục viết về Đại đội trưởng Bảy Đen.

Từ trái sang phải: Anh hùng LLVTND Đặng Minh Nhuận (tức Bảy Đen),  2 con gái Đặng Thị Nguyệt Hồng (SN 1959), Đặng Thị Nguyệt Anh (SN 1962) và vợ Lưu Thị Minh Nguyệt. (Ảnh chụp năm 1962, trước khi đồng chí Bảy Đen trở về miền Nam chiến đấu).
Từ trái sang phải: Anh hùng LLVTND Đặng Minh Nhuận (tức Bảy Đen), 2 con gái Đặng Thị Nguyệt Hồng (SN 1959), Đặng Thị Nguyệt Anh (SN 1962) và vợ Lưu Thị Minh Nguyệt. (Ảnh chụp năm 1962, trước khi đồng chí Bảy Đen trở về miền Nam chiến đấu).

Trong trận Ấp Bắc (ngày 2-1-1963), địch đã huy động lực lượng lớn, với khoảng 2.000 quân, bao gồm nhiều binh chủng bộ binh, pháo binh, không quân, hải quân, thiết giáp và phương tiện chiến tranh hiện đại (các loại máy bay ném bom, khu trục, vận tải, trực thăng, xe thiết giáp M.113, pháo 105 mm, súng cối, tàu chiến...). Toàn bộ lực lượng địch được đặt dưới sự chỉ huy của đại tá Tư lệnh sư đoàn 7 Bùi Đình Đạm và trung tá cố vấn Mỹ John Paul Vann; về sau, có thêm thiếu tướng Tư lệnh vùng 4 chiến thuật Huỳnh Văn Cao và đại tướng Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ. Về phía ta, quân số ít hơn địch rất nhiều, trang bị chủ yếu là súng bộ binh, lựu đạn, thủ pháo, chưa có vũ khí chuyên dụng chống máy bay và xe thiết giáp, đạn dược hạn chế. Lực lượng của ta được đặt dưới sự chỉ huy chung của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261 Võ Văn Hoàng (Hai Hoàng) và chỉ huy trực tiếp tại trận địa là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 Đặng Minh Nhuận (còn có tên Đoàn Triết Minh, Nguyễn Bảy hay Bảy Đen). Như vậy, so sánh lực lượng và cấp chỉ huy giữa địch và ta tại Ấp Bắc có sự  chênh lệch lớn. Thượng tướng Trần Văn Trà viết: “Một tiểu đoàn ghép chủ lực, địa phương, du kích của ta, trang bị kém đã đương đầu với nhiều tiểu đoàn bộ binh chủ lực, bảo an ngụy có các quân binh chủng không quân, thủy quân, pháo binh, cơ giới, trực thăng tham chiến. Một tiểu đoàn trưởng và một đại đội trưởng của ta phải chỉ huy lực lượng ít và kém về trang bị chống lại lực lượng đông gấp hàng chục lần do các cấp chỉ huy, nhiều tá, tướng của địch từ tỉnh đến sư đoàn, quân đoàn và bộ tổng tham mưu ngụy cùng với các cố vấn sừng sỏ của quân đội Mỹ”.

Phải nói rằng, trong trận Ấp Bắc, vai trò của người chỉ huy tại trận địa là rất quan trọng. Đó là đồng chí Bảy Đen, sinh năm 1932, quê quán xã Long Châu, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là phường 3, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), trong một gia đình sinh sống bằng nghề công thương. Được người chú ruột là Đặng Văn Thiềng giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng, năm 1948, lúc mới 16 tuổi, Bảy Đen tham gia lực lượng vũ trang chống Pháp, chiến đấu trên chiến trường Vĩnh Long và lập được nhiều chiến tích xuất sắc, vì thế năm 1949 đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1954, đồng chí tập kết ra Bắc, sau đó được cấp trên đưa đi học Trường Sĩ quan lục quân. Sau khi hoàn thành khóa học loại Xuất sắc, đồng chí làm công tác Biên phòng tại vùng biên giới Việt - Trung.

Năm 1962, mặc dù có vợ và các con còn nhỏ dại, nhưng xuất phát từ lòng nung nấu đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí đã gạt bỏ tình riêng, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, tình nguyện vượt Trường Sơn, trở về miền Nam chiến đấu. Trong quyển Nhật ký, Bảy Đen nêu quyết tâm: “Phải san bằng mọi bất công, phải xây dựng cuộc sống mới, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng!”. Trên đường đi, tuy trải qua nhiều gian khổ, nhưng đồng chí vẫn luôn lạc quan, viết nhật ký và làm thơ, phản ánh phẩm chất kiên cường, bất khuất và tinh thần lãng mạn cách mạng của “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Đối với các con, đồng chí luôn dành tình thương yêu sâu đậm. Trong Nhật ký, đồng chí viết: “Bên ngoài thì nói cười cho khuây khỏa để chiến đấu, chớ nhiều đêm nhớ các con, ba rơi nước mắt! Ba hứa với các con sẽ làm tròn nhiệm vụ đảng viên, một cán bộ quân đội, không bao giờ để các con phải nhục vì có một người cha không xứng đáng. Ba mong sau này các con khôn lớn, nếu ba có hy sinh, các con nhớ làm tròn nghĩa vụ của mình đối với quê hương, đất nước. Gửi các con nhiều cái hôn!”.

Cuối năm 1962, đồng chí nhận nhiệm vụ tại chiến trường Khu Trung Nam bộ (Khu 8) với quân hàm trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 chủ lực Quân khu 8. Ngày 1-1-1963, Đại đội trưởng Bảy Đen chỉ huy bộ đội hành quân về Ấp Bắc (nay thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) để chuẩn bị tấn công ấp chiến lược Giồng Dứa (nay thuộc xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Dò biết hoạt động của quân ta, ngày 2-1-1963, địch mở cuộc càn quét mang tên “Đức Thắng 1/63”, huy động lực lượng hùng hậu, với trang bị hiện đại, đông hơn quân ta gấp hàng chục lần, gồm 3 tiểu đoàn của sư đoàn 7, 1 chiến đoàn Bảo an tỉnh Định Tường, 1 tiểu đoàn Dù thuộc lực lượng tổng trù bị chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, một số đại đội biệt kích, dân vệ, 3 tàu chiến, 1 chi đoàn xe thiết giáp M.113, 15 máy bay trực thăng đổ quân, 5 máy bay trực thăng chiến đấu, 8 máy bay ném bom, 7 máy bay vận tải, 4 máy bay L.19 thám thính và chỉ huy, 10 khẩu pháo hạng nặng… mở cuộc tấn công với quy mô lớn vào Ấp Bắc. Lúc bấy giờ, Mỹ đang thực hiện chiến thuật tân kỳ “trực thăng vận” và “thiết xa vận” ở miền Nam, nhằm “bao vây hợp điểm”, “bủa lưới phóng lao” để tiêu diệt bộ đội và du kích. Trong thực tiễn chiến đấu, với chiến thuật này, quân đội Sài Gòn đã gây cho ta không ít khó khăn. Trong ngày này, địch điên cuồng mở 5 cuộc tấn công hết sức ác liệt vào trận địa của Đại đội 1 trấn giữ. Thế nhưng, dưới sự chỉ huy tài giỏi và dũng cảm của Đại đội trưởng Bảy Đen, bộ đội đã đánh bại tất cả các đợt xung phong của địch, đến 18 giờ cùng ngày địch buộc phải rút lui.

Với việc chỉ huy bộ đội trụ lại, bám địch và đánh bọn chúng suốt cả ngày, Đại đội trưởng Bảy Đen và các cán bộ, chiến sĩ giải phóng quân đã sáng tạo ra một chiến thuật mới là “Cắm cọc phá lưới, bám trụ bẻ lao” nhằm đối phó có hiệu quả chiến thuật “Bủa lưới phóng lao” của địch. Nguyễn Minh Tua - chiến sĩ tham gia chiến đấu trong trận Ấp Bắc, sau này được tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” nói về người Đại đội trưởng của mình: “Suốt ngày chiến đấu trận Ấp Bắc, anh Bảy Đen vẫn mặc bộ đồ ka-ki mùa thu (màu xanh) không ướt, không dính sình. Chỉ huy tác chiến ngoài mặt trận, anh luôn thể hiện tài năng, xử lý tình huống bình tĩnh, gan dạ, đặc biệt là bắn tỉa rất giỏi…”. Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam năm 1963, Quân ủy Miền đánh giá về Đại đội trưởng Bảy Đen như sau: “Trong trận Ấp Bắc, dưới sự chỉ huy của Đặng Minh Nhuận, Đại đội 1 cùng với quân và dân Ấp Bắc đã đánh bại chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận trên chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long, tạo nên khí thế mới trong phong trào thi đua diệt máy bay trực thăng và xe bọc thép của địch trong toàn quân khu. Với cương vị chỉ huy, Đặng Minh Nhuận đã thể hiện tư tưởng tiến công kiên quyết, linh hoạt, táo bạo và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Chiến thắng Ấp Bắc đã làm phá sản chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” - con át chủ bài trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam, tạo điều kiện cho phong trào du kích chiến tranh của nhân dân miền Nam phát triển mạnh mẽ. Nói như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ đã thấy không thể thắng được ta trong chiến tranh đặc biệt”.  

Sau chiến công vang dội này, Đại đội trưởng Bảy Đen còn chỉ huy đơn vị đánh thắng nhiều trận khác trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho, khiến quân địch vô cùng khiếp đảm. Ngày 30-8-1963, đồng chí chỉ huy bộ đội tiến công và tiêu diệt đồn Thạnh Nhựt (nay thuộc huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Nhưng thật không may, đồng chí bị thương nặng và đã anh dũng hy sinh. Trước lúc hy sinh, đồng chí đã nói lời cuối cùng vô cùng cảm động với đồng đội: “Cho tôi gửi lời thăm đến Bác Hồ. Chúc các đồng chí ở lại mạnh khỏe. Các con, ba đã làm tròn nhiệm vụ”. Ngày 20-12-1994, đồng chí được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Hiện nay, phần mộ của Anh hùng LLVTND Bảy Đen tọa lạc tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tiền Giang. Tên tuổi và những chiến công sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của đồng chí sống mãi trong trang sử vàng liệt oanh của dân tộc.

NGUYỄN PHÚC NGHIỆP

.
.
.