Trình nhiều dự thảo Nghị quyết quan trọng
Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX, UBND tỉnh đã trình 29 Tờ trình kèm theo dự thảo Nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng, cần xem xét và thông qua tại kỳ họp lần thứ 5 này. Trong đó, nhiều vấn đề đã được đại biểu và cử tri kiến nghị nhiều lần, qua nhiều kỳ họp thì nay được UBND trình nghị quyết tháo gỡ. Việc ban hành các nghị quyết này không những góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn tạo niềm tin đối với cử tri tỉnh nhà.
* Chi hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với Công an viên
Trong những năm qua, lực lượng Công an xã làm tốt chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp đề ra các Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và kế hoạch, biện pháp công tác nắm tình hình, bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; nòng cốt xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Qua 9 năm triển khai, tổ chức thực hiện Pháp lệnh Công an xã, lực lượng Công an xã từng bước được ổn định về quân số, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên. Tuy nhiên về chế độ, chính sách của lực lượng Công an viên chưa thỏa đáng, nhất là chính sách về bảo hiểm y tế (BHYT). Từ những căn cứ pháp lý và thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, để khuyến khích, động viên lực lượng Công an viên, tạo sự thống nhất, cần có chính sách hỗ trợ BHYT cho lực lượng này. Việc ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đóng BHYT đối với Công an viên trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là rất cần thiết.
Công an viên trong giờ tiếp dân. |
Tại kỳ họp thứ 5, UBND tỉnh có Tờ trình số 291 về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đóng BHYT đối với Công an viên. Nội dung nghị quyết quy định mức hỗ trợ đóng BHYT đối với Công an viên trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Hỗ trợ 100% đóng BHYT trên mức lương cơ sở theo quy định của pháp luật hiện hành. Kinh phí từ nguồn ngân sách đảm bảo theo phân cấp quản lý (những trường hợp Công an viên đã được hưởng BHYT khác thì không được hỗ trợ theo nghị quyết này). Theo dự thảo nghị quyết thời điểm chi hỗ trợ từ ngày 1-1-2018.
Việc ban hành nghị quyết này đáp ứng tâm tư nguyện vọng của công an viên, góp phần động viên lực lượng công an viên gắn bó với nghề, tâm huyết với nhiệm vụ được giao, khắc phục tình trạng công an viên xin nghỉ việc trong thời gian qua.
* Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Tiến Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
Cùng với sự tiến bộ không ngừng của ngành viễn thông cả nước, cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông của tỉnh đã phát huy vai trò chủ lực để hỗ trợ và là công cụ hữu hiệu để góp phần thúc đẩy gia tăng tốc độ phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà. Kể từ năm 2000, số lượng doanh nghiệp viễn thông, cũng như đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động quản lý, sản xuất, cung cấp dịch vụ gắn liền với sự phát triển hạ tầng viễn thông của tỉnh tăng lên nhanh chóng nhưng chưa có quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương.
Việc không có quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trong thời gian qua đã dẫn đến sự phát triển không đồng bộ, thống nhất, chồng chéo trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giữa các đơn vị viễn thông, các ngành có hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt là với ngành Giao thông, Điện lực, hạ tầng kỹ thuật ngầm, bố trí quỹ đất cho hạ tầng viễn thông cũng như không gắn kết với quy hoạch phát triển đô thị dẫn đến lãng phí rất lớn trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động nói riêng và hạ tầng đô thị nói chung của tỉnh. Ngày nay, Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được xây dựng trên nền tảng của công nghệ số, trong đó hạ tầng viễn thông băng rộng, tiên tiến là điều tiên quyết cho sự phát triển của cách mạng công nghiệp này.
Do vậy việc thông qua Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến 2030 là rất cần thiết. Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh, UBND tỉnh có tờ trình số 314 về việc đề nghị ban hành Nghị quyết thông qua Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Tiến Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
|
Nội dung của Nghị quyết là phát triển mạng lưới, hoàn thiện nâng cấp mạng lưới lên công nghệ NGN làm nền tảng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Hình thành xa lộ thông tin nối tới tất cả các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh bằng cáp quang và các phương thức truyền dẫn băng rộng khác. Phát triển hạ tầng viễn thông đảm bảo 100% số xã, phường, thị trấn đủ điều kiện tổ chức được hội nghị trực tuyến. Phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ, phù hợp với sự phát triển hạ tầng viễn thông cả nước.
Đến năm 2020 sẽ ngầm hóa 100% hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông tại khu vực các tuyến đường, phố, khu đô thị, khu công nghiệp xây dựng mới. Tỷ lệ ngầm hóa hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông tính theo tuyến đường, phố đạt 15 - 20% (chỉ tính các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường đô thị; không tính đến hệ thống đường xã, ấp). Tỷ lệ ngầm hóa hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông tính theo tuyến đường khu vực đô thị đặt 40 - 45% (chỉ tính các tuyển đường nằm trong khu vực đô thị).Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột treo cáp mới đạt trên 85%.Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột ăng ten trạm thu phát sóng thông tin di động đạt 40 - 45%. Thực hiện cải tạo, chuyển đổi 25 - 30 % hệ thống cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động cột ăng ten loại cồng kềnh (A2) sang loại cột ăng ten không cồng kềnh (Al) theo hướng thân thiện môi trường…
* Điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020
Theo Nghị quyết 24 ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016-2020 với tổng mức vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước là 13.746,331 tỷ đồng, bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương là 10.533,361 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 3.212,970 tỷ đồng.
Trường THCS Tân Mỹ Chánh TP. Mỹ Tho đang được đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ. |
Để kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của tỉnh đảm bảo phù hợp với các quyết định giao chi tiết kế hoạch vốn giai đoạn 2016-2020 của Trung ương và các nguồn vốn huy động bổ sung kế hoạch năm 2016-2017 từ nguồn tăng thu, kết dư xổ số kiến thiết, sử dụng đất và các nguồn vốn trung ương bổ sung khác, căn cứ tình hình thực tế thu, chi ngân sách 2 năm 2016-2017, kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2018-2020 tỉnh với tổng số vốn tăng thêm là 3.970,529 tỷ đồng (các nguồn tăng thêm gồm: xổ số kiến thiết, tiền thu hồi sử dụng đất, tăng thu kết dư giai đoạn 2016-2017, các nguồn huy động hợp pháp khác trong giai đoạn 2016-2020).
Tại kỳ họp HĐND lần này, UBND tỉnh có tờ trình số 337 về việc đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung điều 1 của Nghị quyết. Theo đó, nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều 1 của Nghị quyết như sau: tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 của tỉnh 18.499,801 tỷ đồng. Bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương: 13.003,890 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương: 4.995,911 tỷ đồng.
Ngoài nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 là 18.499,801 tỷ đồng, cho phép UBND tỉnh huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác 500 tỷ đồng để bổ sung vốn cho các công trình trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình quan trọng, cấp thiết trong Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế-xã hội 3 vùng của tỉnh nhưng chưa có nguồn bố trí.
HOÀI THU - PHƯƠNG MAI