Thứ Hai, 15/01/2018, 19:37 (GMT+7)
.

Báo Ấp Bắc những năm đầu sau giải phóng

Cán bộ, phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp tại chiến trường biên giới Tây Nam năm 1979.
Cán bộ, phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp tại chiến trường biên giới Tây Nam năm 1979.

CÁN BỘ, PHÓNG VIÊN BÁO ẤP BẮC LÊN TIỀN PHƯƠNG

Đất nước thống nhất, song lại đối mặt với bao khó khăn và chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, chiến trường Pua-xát (Campuchia) ngày đêm gian khổ và tuyến biên giới phía Bắc không yên… Bộ đội Tiền Giang lại ra trận và cán bộ, phóng viên Báo Ấp Bắc lại mang “dép râu”, không nề hà gian khổ, hiểm nguy, sát cánh cùng bộ đội tác nghiệp.

Đầu xuân năm 1979, sau khi đẩy lùi bọn Pôn Pốt trên tuyến biên giới Tây Nam, hưởng ứng Lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã ra tay cứu giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ của bọn diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xa-ry, giải phóng Phnôm Pênh, xây dựng lại đất nước Chùa Tháp tươi đẹp.

Trong khí thế tiến công và niềm vui trào dâng ấy, ngày 8-1-1979, Ban Biên tập Báo Ấp Bắc đã phân công nhà báo Trần Biểu và nhà báo Mạnh Tiến cùng với Đoàn đại biểu Quân, Dân Chính Đảng tỉnh lên tỉnh Tà Keo thăm, động viên bộ đội đang làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn.

Cũng mùa khô năm ấy, đến lượt nữ nhà báo Bạch Vân (sau này Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc, hiện đã nghỉ hưu); cùng họa sĩ Thiện Phương và  phóng viên Mạnh Tiến lại lên đường đến với bộ đội ở mặt trận núi Tượng Lăng (Tà Keo) trong lúc chiến sự diễn ra ác liệt giữa bộ đội ta và bọn tàn quân Pôn Pốt.

Trong chuyến đi hơn 1 tuần lễ, mặc dù mặt trận vang rền tiếng súng, nhưng khi đến Ban Chỉ huy Trung đoàn, cánh nhà báo đã không ngại hiểm nguy, chia nhau đến với cán bộ, chiến sĩ khẩu đội DKZ thuộc Tiểu đoàn 514 đã lập được nhiều chiến công; lên xe GMC tải lương và tiếp tế đạn dược vượt qua đoạn đường “thần chết 3 km” địch thường xuyên tập kích để xuống nằm chốt cùng với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2009... Sau chuyến đi này, nhà báo Bạch Vân đã có bài ký kể về chiến công vang vội của khẩu đội DKZ cùng với bức ký họa khẩu đội của họa sĩ Thiện Phương.

Thường thì, từ Tiền Giang lên Pua-xát phải mất 2 ngày vì phải nghỉ qua đêm ở Thủ đô Phnôm Pênh, nhưng không vì “đường xa cách trở” mà làm chùn bước cánh nhà báo. Vậy nên, danh sách cán bộ, phóng viên của báo đi chiến trường lên tiền phương đã dài thêm.

Như năm 1983, nhà báo Trần Bửu - Phó Tổng Biên tập (sau này là Tổng Biên tập và đã mất) cùng các nhà báo Mộc Đạt và Hoàng Minh có chuyến công tác dài ngày tại tỉnh Pua-xát. Năm 1984, đến lượt nhà báo Thái Duy và nhà báo Đức Trọng lên Tiểu đoàn Trương Định, Tiểu đoàn Rạch Gầm.

Đến Tết năm 1986, nhà báo Đức Lập và nhà báo Mạnh Tiến cùng Đoàn đại biểu Quân, Dân Chính Đảng tỉnh đến Pua-xát thăm và chúc tết các chuyên gia, cán bộ, chiến sĩ ta bên ấy. Đầu năm 1989, nhà báo Văn Công Hùng “vác” máy ảnh đến Tiểu đoàn Trương Định…

Ở nơi chiến trường lửa đạn, hiểm nguy thường xuyên rình rập mọi người. Dẫu biết thế, nhưng mỗi lần lên tiền phương, đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Ấp Bắc không hề nao núng.

Trong suốt 10 năm, cán bộ, phóng viên của báo cùng các cộng tác viên chiến trường đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh sống động giới thiệu đến với bạn đọc tỉnh nhà về những người con Tiền Giang ở tỉnh Pua-xát đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, ngày đêm chiến đấu và công tác, làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Nhiều số báo còn được dùng làm tài liệu học tập cho cán bộ, chiến sĩ.

Nhiều mẩu tin người tốt, việc tốt và bài báo hay được chọn đọc để anh em nghe chung. Xa quê hương ai không nhớ, không mong tin tức quê nhà. Gần 50 số Báo Ấp Bắc đã đến với bộ đội tiền phương là món quà tặng quý giá, đã động viên, cổ vũ mạnh mẽ các cán bộ, chiến sĩ có thêm quyết tâm làm tròn nghĩa vụ cao cả đối với nhân dân tỉnh bạn, xứng đáng với sự tin cậy và lòng yêu mến của nhân dân tỉnh nhà…

VẬN HỘI MỚI CỦA BÁO ẤP BẮC

Từ năm 1983, để tăng cường mối quan hệ giữa Báo Ấp Bắc với công chúng, tạo cơ hội quảng bá tờ báo; đồng thời góp phần động viên, cổ vũ phong trào nhân dân rèn luyện sức khỏe và tạo không khí hội hè vui tươi chào mừng Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963), Ban Biên tập Báo Ấp Bắc phối hợp với Sở Thể dục - Thể thao (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức Giải Việt dã Báo Ấp Bắc hằng năm. Giải đã trở thành sự kiện thể thao chính thức của tỉnh, được duy trì và mở rộng đến hôm nay.

Năm 1984, thông tin trên báo cũng bắt đầu khởi sắc và “thời cơ vàng” đã đến với Báo Ấp Bắc cũng như mọi tờ báo khác khi Đại hội VI của Đảng chính thức đề ra đường lối đổi mới, đưa đến sự ra đời chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của tác giả NVL mà ai cũng biết là bút danh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, xuất hiện trên Báo Nhân Dân ngày  25-5-1987.

Thời điểm này, các chuyên trang, chuyên mục của Báo Ấp Bắc được cải tiến về nội dung, vẽ lại tên chuyên mục. Một số vụ tham ô, lãng phí, ức hiếp dân được đưa lên mặt báo… Ngay lập tức, báo được dư luận chú ý, người đọc tăng lên qua mỗi số báo. Bắt nhịp đà phát triển đó, Báo Ấp Bắc xin được giấy phép xuất bản thêm tờ Ấp Bắc Chủ nhật, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của bạn đọc.

Được sự cộng tác của một số nhà  báo, nhà nghiên cứu tên tuổi ở TP. Hồ Chí Minh, nhất là những người quê Tiền Giang, báo có nhiều chuyên trang, chuyên mục về thời sự quốc tế, văn hóa - nghệ thuật, trao đổi tâm tình, an ninh trật tự, thể dục - thể thao, sức khỏe, giải trí… Số lượng tờ Ấp Bắc Chủ nhật tăng vọt lên hơn 30.000 bản/kỳ, vượt gấp đôi tờ thứ tư, phát hành ra nhiều tỉnh bạn, bán lẻ ở các bến xe, bến phà.

Ngoài 2 ấn phẩm chính là Ấp Bắc thứ tư và Ấp Bắc Chủ nhật, thỉnh thoảng báo còn xuất bản chuyên san nhân có sự kiện quan trọng, như “Cuộc phẫu thuật lịch sử”, nói về  thành công rực rỡ của ca mổ tách đôi cặp song sinh Việt - Đức phát hành hàng vạn bản trong và ngoài tỉnh…

Có thể nói, Báo Ấp Bắc những năm đầu giải phóng tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, việc xuất bản, phát hành ngày càng đều đặn hơn, hình thức đẹp hơn, nội dung phong phú hơn. Báo Ấp Bắc ngày càng bám sát cuộc sống, nhanh nhạy với tình hình thực tế, phản ảnh được những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những hoàn cảnh mà xã hội quan tâm.

HỒNG LÊ

.
.
.