"Báo còn là Đảng còn, cách mạng còn"
Tờ báo của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho mang tên Ấp Bắc là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà. Khung cán bộ của Báo Ấp Bắc ban đầu được Tỉnh ủy phân công đồng chí Nguyễn Văn Trọng phụ trách và đồng chí Hồ Văn Thạnh chủ bút (như Tổng Biên tập ngày nay). Ban Biên tập gồm có các đồng chí: Hồ Văn Thạnh, Minh Thông, Trần Hưởng, Tuấn Ngọc, Trần Văn Mai, Thái Phong... Bìa, ảnh minh họa, măng sét tờ báo do họa sĩ Châu Hồ cùng tổ khắc gỗ thực hiện. Cơ quan của Báo Ấp Bắc lúc này đóng tại xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).
Mặc dù tờ báo của Đảng bộ tỉnh mang tên Ấp Bắc ra đời và hoạt động trong điều kiện khó khăn, ác liệt, cơ sở vật chất thiếu thốn, phương tiện in thô sơ, đội ngũ những người làm báo chưa chuyên nghiệp…, nhưng đã vinh dự được Đảng bộ tỉnh tin tưởng giao trách nhiệm giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng. Lãnh đạo Ban Tuyên huấn giao nhiệm vụ cho họa sĩ Châu Hồ vẽ mẫu chữ Ấp Bắc. Họa sĩ Châu Hồ đã nghiên cứu vẽ 7 mẫu chữ, thông qua nhiều lần, sau đó được lãnh đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy và đồng chí chủ bút thống nhất chọn măng sét của Báo Ấp Bắc. Tờ báo mang tên Ấp Bắc của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho chính thức được xuất bản số đầu tiên (tháng 6-1963) gồm 8 trang, nội dung có bài xã luận, bài tường thuật trận đánh Ấp Bắc, bản tin tổng hợp, phóng sự và nhiều tin, bài khác. Báo Ấp Bắc giai đoạn đầu mỗi tháng ra 2 số. Về sau, do chiến tranh ác liệt, địch kiểm soát gắt gao, vật liệu làm báo khan hiếm, bị địch đánh phá liên tục nên Tòa soạn Báo Ấp Bắc cố gắng duy trì ra những số nhân dịp các ngày lễ lớn, hoặc trong năm có sự kiện quan trọng thì ra số đặc biệt; riêng Báo Ấp Bắc Xuân được xuất bản hằng năm.
Được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam chiêu sinh khóa báo chí - văn nghệ, đào tạo lực lượng biên tập các báo ở miền Nam, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho cử các đồng chí: Hồ Văn Thạnh, Trần Bửu, Thái Phong, Tám Chi, Ba Sinh, Vũ Sương đi dự lớp tập huấn. Trong những ngày đầu của khóa học, đoàn cán bộ tỉnh Mỹ Tho được chỉ định báo cáo về “Chiến thắng Ấp Bắc” và giới thiệu tờ Báo Ấp Bắc tại khóa học. Đây là niềm vinh dự của quân và dân tỉnh nhà. Đến cuối khóa, cùng với các tỉnh bạn, Báo Ấp Bắc được Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tặng Bằng khen.
Mặc dù làm báo trong điều kiện chiến tranh ác liệt, nhưng cán bộ, phóng viên, biên tập viên đã không ngại gian khổ, hy sinh, đi sát thực tế để có những bài báo sinh động, để các số báo của Đảng bộ tỉnh phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, cả nội dung lẫn hình thức. Các cộng tác viên đã nhiều năm gắn bó với Báo Ấp Bắc như: Hữu Đức, Thanh Tâm, Thành Phát, Minh Hồng, Thanh Thủy, Giang San, Chí Nghĩa, Hoàng Ái Việt, Huỳnh Kim Thạch, Chín Hải, Hoàng Rê, Võ Văn Trạch, Vũ Sương… Trong những lúc chiến đấu ác liệt nhất, những cộng tác viên hoạt động trên lĩnh vực thông tin tuyên truyền còn là những người lính xung kích, luôn bám sát chiến trường, theo sát từng trận đánh, từng đơn vị sản xuất để dựng lại bức tranh về cuộc sống, về cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân tỉnh nhà.
Tháng 10-1966, Tòa soạn Báo Ấp Bắc chuyển về đóng ở căn cứ xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè. Trong lúc đang tác nghiệp, nhiều phóng viên đã hy sinh anh dũng ở chiến trường hoặc ở căn cứ khi đang làm nhiệm vụ biên tập, in báo. Vào thời gian này, đồng chí Trần Thọ - nhà điêu khắc tài ba - hy sinh là tổn thất lớn cho Báo Ấp Bắc. Đầu năm 1967, mặc dù khó khăn ác liệt, nhưng Báo Ấp Bắc Xuân Đinh Mùi vẫn được xuất bản 18 trang, in tại Nhà in Huỳnh Văn Sâm, phát hành 3.000 tờ. Từ tháng 5-1965 đến tháng 10-1968, Báo Ấp Bắc ra được 26 số. Nội dung các số báo phản ánh trung thực, sinh động về việc thực hiện chủ trương của Trung ương Cục, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp là của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân trong tỉnh.
Báo Ấp Bắc Xuân Kỷ Dậu năm 1969 được in bằng chữ chì, bìa 4 màu, 10 trang, tại Nhà in Huỳnh Văn Sâm, số lượng 3.000 tờ, được phát hành đến tay cán bộ, chiến sĩ và cơ sở, làm món quà tết. Trong việc phát hành Báo Ấp Bắc, được các trạm giao liên xem như thư “thượng khẩn”, không để báo ứ đọng.
Quần chúng nòng cốt phối hợp bộ đội địa phương giúp các trạm giao liên mang báo vượt lộ 4, qua sông đưa đến tay người đọc. Người phát hành báo luôn xác định thà hy sinh, quyết không để báo lọt vào tay giặc. Đầu năm 1970, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị, có Tỉnh đội, các địa phương và cơ sở dự. Tiểu ban Thông tấn - Báo chí được phân công mang báo Xuân Ấp Bắc đến trao tận tay các đại biểu. Các đại biểu rất mừng khi nhận được Báo Xuân Ấp Bắc - một trong những bằng chứng về sự tồn tại vững vàng của cách mạng. Thông qua các đồng chí đại biểu, trong vài đêm vượt lộ, qua đồn bót, Báo Ấp Bắc đã về tới Gò Công, Hòa Đồng, Chợ Gạo, Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, thành phố Mỹ Tho, vào các trường học, các thị trấn qua nòng cốt binh vận đến các vùng địch tạm chiếm. Báo Ấp Bắc đã góp phần tạo niềm tin, thôi thúc đồng bào, các lực lượng vũ trang đấu tranh giành thắng lợi. Nhận được Báo Xuân Ấp Bắc, mọi người đều mừng rỡ, nhất là đồng bào ở vùng bị địch kềm kẹp. Mỗi lần địch đổ quân càn quét, bọn tâm lý chiến của địch thường tung tin chúng đã tiêu diệt được Nhà in Huỳnh Văn Sâm và cơ quan đầu não của Báo Ấp Bắc, nên đồng bào rất băn khoăn, lo lắng. Nhận được tờ Báo Xuân Ấp Bắc, bà con như trút hết nỗi lo âu. Nhiều người nói “Báo còn là Đảng còn, cách mạng còn”. Lòng tin của bà con được nhân lên gấp bội.
Ngày 20-1-1971, Tổ biên tập tin và Báo Ấp Bắc được Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho tặng Bằng khen về thành tích “Vượt qua mọi khó khăn ác liệt, chấp hành tốt sự chỉ đạo của cấp trên. Viết 42 bài, in một tờ báo, 2 tập san, 59 tờ tin, 405 tin đưa về trên”. Cũng trong thời gian này, Tiểu ban Thông tấn - Báo chí tỉnh Mỹ Tho được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huy chương hạng Nhất về thành tích “Cán bộ, nhân viên vững vàng, bám trụ, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Đã ra 1 tờ báo, viết 46 bài, 2 tập san, đưa 405 tin, in 59 tờ tin với 24.050 số và 139.000 trang”.
Trên các số Báo Ấp Bắc và các tờ tin của tỉnh trong những năm 1973 - 1975 luôn đảm bảo tính thời sự, bài vở phong phú, tập trung tuyên truyền chống Mỹ - Thiệu vi phạm Hiệp định Paris; động viên, cổ vũ nhân dân xuống đường, nổi dậy chống địch lấn chiếm, cắm cờ ngụy ở vùng giải phóng, nêu cao ý chí quyết tâm và tinh thần tự lực tự cường “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”; tập trung mọi lực lượng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những nhà báo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã trở thành chiến sĩ, không sợ khó, không ngại khổ, không sợ hy sinh, xông pha trước bom đạn của quân thù ở chiến trường, len lỏi cùng sống với nhân dân, với bộ đội để tìm hiểu cuộc sống, tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.
Sáng 1-5-1975, Tiểu ban Thông tấn - Báo chí vào thị trấn Cai Lậy rộn ràng trong niềm vui chiến thắng, trong đó có các phóng viên, biên tập viên, cán bộ, chiến sĩ đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp. Những người làm báo đã tác nghiệp một cách thầm lặng, đã vượt qua bao gian khó, bằng ngòi bút và tư duy của mình đã đem lại cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân những bức tranh lịch sử sinh động, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại vào mùa Xuân năm 1975 của dân tộc.
HỒNG LÊ