Thứ Tư, 17/01/2018, 15:52 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 55 NĂM BÁO ĐẢNG TỈNH TIỀN GIANG MANG TÊN ẤP BẮC (1963 - 2018)

Nhớ thuở ban đầu của báo Ấp Bắc

Bước qua năm 1976, cùng với cả nước, Tiền Giang là một tỉnh điển hình của đồng bằng Nam bộ về phong trào thi đua toàn diện ở mọi ngành nghề. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang quy định mỗi sáng thứ hai tổ chức họp báo tại Hội trường Chương Dương để điểm qua các mặt hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trong tuần. Thành phần tham dự chỉ duy nhất có cán bộ đầu ngành cấp tỉnh.

Đồng chí Huỳnh Văn Niềm (đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm với các nguyên cán bộ và cán bộ Báo Ấp Bắc nhân kỷ niệm  78 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2003).
Đồng chí Huỳnh Văn Niềm (đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm với các nguyên cán bộ và cán bộ Báo Ấp Bắc nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2003).

Buổi họp báo đầu tiên mang nhiều kỷ niệm khó quên. Trong lúc chờ đại biểu đủ thành phần đến dự, đồng chí Huỳnh Văn Niềm, Phó Bí thư Tỉnh ủy vỗ vai tôi: “Lụi hụi cũng sắp hết năm bảy mươi sáu (1976) rồi đó nghen Tiền Phong. Chú mầy chuẩn bị làm báo Xuân được rồi đó. Ráng làm cho bộ mặt tờ báo sáng sủa để được độc giả khen báo chí cách mạng nghen hôn!...”.

Thời kỳ này, ở Tiền Giang, mọi ngành, nghề đều thi đua sôi nổi, đặc biệt là ngành Nông nghiệp vẫn luôn là mặt trận hàng đầu. Vì vậy Báo Ấp Bắc mở ra chuyên mục “Nông dân tìm hiểu”, coi như trọng tâm của báo suốt thời gian dài, được Bộ Nông nghiệp khen thưởng, được độc giả trong và ngoài tỉnh, nhất là bà con nông dân ưa thích.

Trong buổi họp báo hôm đó, đồng chí Hồ Văn Thạnh, người mà trong suốt những năm kháng chiến chuyên trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho, trong đó có Báo Ấp Bắc, đã nói vui với mọi người: “Lịch sử Báo Ấp Bắc có hai chặng đường. Thời kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày giải phóng thì có anh em tụi này lo. Bắt đầu từ chặng đường mới ngày nay thì thuộc về chú mầy đảm đương đó nghen. Phải làm sao cho tờ báo thiệt ngon, xứng đáng với đồng nghiệp đã hy sinh, không được hưởng hòa bình như tụi mình ngày nay!...”.

Thật ra, chặng đường nào cũng lắm khó khăn. Thời kháng chiến, làm báo dưới mưa bom, bão đạn, gian khổ, hy sinh, ra được tờ báo tới tay người đọc thật quý giá vô cùng. Những năm đầu sau ngày giải phóng, gầy dựng ngay từ đầu cũng không ít khó khăn.

Ở Tiền Giang, dưới thời chế độ cũ, chúng không có cơ quan báo chí. Sau ngày 30-4-1975, khi vô tiếp quản Mỹ Tho, chúng tôi lúc bấy giờ là cơ quan Báo Giải Phóng miền Trung Nam bộ (Khu 8), gồm các tỉnh: Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, Long An, Kiến Phong, Kiến Tường, An Giang không có chỗ “trụ lại” như những cơ quan khác, chỉ còn “tấp vô” tiếp quản khu gia binh là nơi ở, ăn chơi, đàn điếm của bọn sĩ quan, binh lính khi rút chạy để lại như một bãi rác lộ thiên đủ mùi dơ bẩn, mương, vũng sình lầy, tanh hôi.

Chúng tôi phải cật lực quét dọn, rửa ráy, lau chùi vừa tạo chỗ ở, chỗ làm, vừa phải ra số đặc biệt Báo Giải Phóng lần cuối cùng trước khi giải thể cấp Khu và trao cơ ngơi này lại cho Báo Ấp Bắc, lúc đó đang ở thị trấn Cai Lậy đến tiếp nhận.

Đồng chí Hồ Văn Thạnh và nhiều đồng chí dự họp báo hôm đó còn hỏi tôi: “Ở chỗ báo đóng chốt bấy giờ, trước đó toàn là ngụy ở, không có tên đường, không có số nhà. Vậy  chú mầy với anh em tính sao để đưa vô báo cho bạn đọc biết địa chỉ để liên hệ?”.

Tôi trả lời: “Mấy cái vụ đó cũng xong hết rồi chú Tám ơi! Trước đó, khi cơ ngơi ổn trong mấy ngày, tôi cuốc bộ đi dọc theo con đường này, đúng là không có tên đường, không có số nhà, chỉ có 6 căn nhà lụp xụp, không người ở. Tôi bèn nghĩ ra con số 7 đặt cho nơi làm việc của cơ quan báo. Kế đó, tôi làm đề nghị với Tỉnh ủy đặt tên đường mang tên Rạch Gầm. Được Tỉnh ủy đồng ý cả hai”.

Thời đó, việc ra được tờ báo không phải dễ dàng. Tòa soạn quyết định phải đi in và phát hành báo vào thứ Tư hằng tuần, số lượng 5.000 tờ, so với nhu cầu người đọc trong tỉnh vẫn không thấm tháp vào đâu. Vả lại, số lượng giấy in mỗi tỉnh đều do Cục Báo chí Trung ương cấp hằng quý, vì vậy muốn nâng thêm số lượng báo cũng không được.

Việc đi in báo cũng rất khó khăn. Vì Tòa soạn không có xe, phải nhờ vả các loại xe như GMC, xe vận tải nhỏ... của ngành Bưu điện, hay xe vận tải khác của Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh... Song phần lớn đi in bằng xe đò, xe Lam... lên nhà máy in ở TP. Hồ Chí Minh suốt thời gian dài.

Lúc bấy giờ, có 2 đồng nghiệp đi in báo là Huỳnh Thị Bé Năm và Trần Năng Đạt (Mộc Đạt), nguyên là phóng viên Báo Giải Phóng Khu 8 Trung Nam bộ cùng tôi đảm trách buổi đầu.

Cái thuở ban đầu đầy khó khăn nhưng nhiều kỷ niệm. Niềm vinh hạnh của tập thể anh chị em làm báo chúng tôi lúc bấy giờ là được lãnh đạo tỉnh tín nhiệm; được Vụ Báo chí Trung ương, Cục Báo chí miền Nam khen là tờ báo điển hình của Đồng bằng sông Cửu Long; được Bộ Nông nghiệp tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”; được các báo: Quảng Nam - Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Kiến Phong, An Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang... đến thăm và trao đổi chuyên môn.

Con đường đi lên của nghề báo lúc bấy giờ đối với chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Song được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh; sự gắn bó với các báo tỉnh bạn; sự ủng hộ nhiệt tình của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; cùng mạng lưới cộng tác viên trong, ngoài tỉnh... là nguồn động viên, khích lệ lớn lao đối với chúng tôi kể từ buổi ban đầu.

TIỀN PHONG

.
.
.