Thứ Năm, 18/01/2018, 08:52 (GMT+7)
.

Lê Quang Thành - một đời nghĩa nặng tình sâu

Đọc hết quyển tự truyện xuyên suốt một cuộc đời sôi nổi, dấn thân, sống hết mình cho con đường mình lựa chọn của đồng chí Lê Quang Thành - thủ lĩnh của Đoàn Thanh niên trong những năm chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, tôi thật sự cảm động. Quyển sách khá dày, có 7 phần. Phần thứ nhất viết về thời niên thiếu đến mùa Thu năm 1945. Phần 2 viết về thời kháng chiến chống Pháp với những trang bi tráng về con người và nghĩa khí vùng đất Mỹ Tho, miền Tây Nam bộ; những ngày tù ngục khốc liệt. Phần 3 là những hồi ức chân thật về những năm tháng đất nước bị chia cắt, những ngày vào Nam chiến đấu, được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam với những sự kiện, con người, tình đất, tình người trong gian khổ kháng chiến và mưa bom bão đạn. Phần 4 viết về thời kỳ sau ngày 30-4-1975 ông gắn bó với tỉnh Đồng Nai và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, góp phần lãnh đạo Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo hoàn thành sứ mệnh kết nối, xây dựng đất nước sau chiến tranh bằng nỗ lực liên doanh Vietsovpetro, đốt lên ngọn lửa khai thác dầu nơi vùng biển Tây Nam Tổ  quốc.

Đồng chí Lê Quang Thành trao tặng sách cho lãnh đạo tỉnh Tiền Giang vào tháng 8-2017.
Đồng chí Lê Quang Thành trao tặng sách cho lãnh đạo tỉnh Tiền Giang vào tháng 8-2017.

Phần 5 quyển sách ông viết về thời nghỉ hưu thanh thản, sau những nỗ lực, dấn thân, tù đày, hy sinh. Với tôi, phần xúc động nhất trong quyển hồi ký của ông là những bài viết về các đồng chí lãnh đạo đất nước, đồng chí, đồng đội, bạn thân. Do có tâm hồn trong sáng, tấm lòng, tình yêu thương mạnh mẽ, nghĩa tình sâu nặng, thủy chung, ông mới có được góc nhìn đẹp đẽ về những con người cùng thời, cùng chiến đấu, kề vai sát cánh trong đời sống thường nhật và những thương tiếc vô bờ bến khi thế hệ vàng ra đi. Phần 7 quyển sách, ông viết về những cảm nhận gia đình, quê hương, đất nước chứa đựng giá trị giáo dục sâu sắc. 

Quyển hồi ký của ông dày dặn và chứa đựng sức nặng sử thi, là những cứ liệu lịch sử rất quan trọng hơn một thế kỷ. Tôi thật sự thú vị với phần đầu quyển sách, khi ông có những hồi ức sống động về làng quê xã Trung An, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông hạnh phúc biết bao khi ở tuổi ngoài 90 còn đặt chân trên mảnh đất cha mẹ đã dày công mua được từ một chủ đất sau bao ngày “ở đậu”. Tôi thật xúc động khi nhìn đôi chân lụm cụm của một cụ ông ngoài 90 tuổi thả từng bước chậm rãi, trĩu nặng hồi ức bên rặng dừa nước, bên con kinh đỏ ngầu phù sa kể về thời thơ ấu, tắm sông cùng cô bạn hàng xóm. Tôi không ngăn được nước mắt khi ông kể về những ngày kháng chiến chống Pháp, máu đồng bào, đồng chí của ông đã đổ xuống trên mảnh đất quê hương…

Nhiều người đã ngã xuống khi còn rất trẻ cho ngày độc lập hôm nay. Điều gì đã làm nên một con người với nhân cách thật đáng kính trọng như ông? Tôi tự hỏi và đi tìm câu trả lời khi đọc lại từng trang hồi ký của ông. Rồi tôi cảm nhận một con người đáng được kính trọng không phải là người giàu nhất, nắm giữ những chức vụ quan trọng nhất, mà là một con người có nhân cách cao đẹp, với tấm lòng trong sáng, trung thực, không ngừng kiên trì, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức. Ông may mắn được hưởng một nền giáo dục gia đình với truyền thống trọng nhân nghĩa, với cốt cách, nghĩa khí Nam bộ: Ghét xu nịnh, xem trọng sự trung thực, nhân ái với đồng bào, đồng chí; cần cù lao động; đã dấn thân vào con đường cách mạng là hết mình. Cha mẹ ông đã nỗ lực lao động, tích cóp tiền của mới mua được 2 mẫu đất làm nơi an cư lạc nghiệp. Vì thương yêu cha mẹ đã đổi gạo đong chữ cho con mà cậu học trò trường làng đã đậu vào Trường Collège Mỹ Tho với thứ hạng cao, được học bổng, được hấp thu tinh hoa nền giáo dục của một ngôi trường danh tiếng  -  một trong những lò đào tạo lực lượng trí thức miền Tây Nam bộ sau này. Hiểu được gốc gác một con người với mối quan hệ những người xung quanh nên tôi hiểu vì sao khi trở thành lãnh đạo cao cấp, ông vẫn giữ được tính cách của một người con Nam bộ: Trong sáng, lương thiện, nghĩa tình...

Tim tôi thắt lại khi đọc những trang hồi ký kể lại chuyến đi vô định, bão táp khi ông cùng người vợ trẻ ôm đứa con mới mấy tháng tuổi xông vào khu rừng đầy muỗi, đi tìm tổ chức cách mạng để phụng sự, sau “mùa Thu định đoạt cuộc  đời”. Ông tự hào khi được lớn lên, gắn bó với tổ chức Đoàn Thanh niên trong kháng chiến chống Pháp, với vai trò thủ lĩnh. Ông kể về gian khổ và cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ông kể về những năm tháng bị bắt vào những nhà tù khét tiếng như Catinat, Khám Lớn… bằng sự điềm tĩnh, chịu đựng. Nhưng khi kể về bi kịch, nỗi đau, sự hy sinh của người thân, đồng bào, đồng chí, đồng đội, ngòi bút ông trĩu nặng ân tình, không nguôi trăn trở, day dứt, đau thương. Ông không nói nhiều về những bài học cách mạng, những lý thuyết, những lời giáo huấn mà một lãnh đạo cao cấp như ông có quá nhiều trải nghiệm, thấm vào máu, nhưng tôi thật ấn tượng trước sự chịu đựng, kiên trì, nỗ lực của một cán bộ Đoàn đi vào cuộc cải cách ruộng đất, phải sống, ngủ chung với người bị ho lao và yêu thương quần chúng ấy thật lòng, bằng tình yêu thương của một con người với một con người. Lòng nhân ái ấy xuyên suốt trong con người ông, nhất quán từ khởi đầu tính thiện của cậu học sinh trường tiểu học ở Trung An, cho đến lúc ông dấn thân vào con đường cách mạng, vượt qua bao thử thách, ngày hòa bình ông vinh dự được nhận trọng trách làm Bí thư Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo khai thác dầu đầu tiên của thềm lục địa phía Nam. Ông đã hoàn thành những trọng trách ấy bằng trách nhiệm và lương tâm...

Tôi nhận ra sự rực rỡ của ông lặn vào trong những trang đời thường thầm lặng. Lòng thủy chung, biết ơn nhiều người giúp ông hoàn thành trọng trách với đất nước, trọng trách giáo dục những đứa con thành đạt lặn vào trong những trang đời thường thầm lặng. Đứng trên mảnh đất thấm mồ hôi, nước mắt, trĩu nặng ân tình gia đình bên vợ, ông kể về người cha vợ độc đáo đã chọn chồng cho con gái sớm mồ côi mẹ của mình. Ông cụ không cốt chọn rể nơi giàu sang phú quý, mà chọn người  lương thiện, tử tế. Cách nhìn người như cụ ông thật sáng suốt, bởi con gái cụ dù chịu nhiều vất vả, hiểm nguy khi chồng đi kháng chiến biền biệt nhưng chồng cô vẫn chung thủy, vẫn trọn đời yêu thương cô, vượt qua bao bão giông, dành cho cô tình yêu sâu sắc, nồng nàn, thủy chung đến cuối đời.

Ông rất cảm động khi gặp lại người vợ yêu thương sau hơn 10 năm dài xa cách, lúc ông ở tù rồi được trao trả ra miền Bắc, rồi quay lại miền Nam chiến đấu trong vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam. Vợ ông lúc đó một nách nuôi đàn con thơ, bị địch o ép, vừa kiên định chờ chồng, vừa tần tảo mưu sinh, vừa dạy con đi theo chí hướng của cha. Giây phút được gặp vợ con, ông xúc động nghẹn ngào, không có giọt nước mắt, nụ hôn nào chứa nổi mấy ngàn ngày xa cách người thân. Sau ngày sum họp, là nỗi trăn trở của ông: “Từ thuở ban đầu ra đi kháng chiến, giữa vợ chồng tôi có một sự đồng lòng tuyệt đối: Đã đi làm cách mạng thì phải đi đến cùng, phải tạm sống xa nhau, khi nào cách mạng thành công mới cùng nhau sum họp trở lại… Nay, trên đất nước vẫn còn lũ đế quốc ngoại xâm thì gia đình đâu có thể sum họp được. Rước vợ con lên lần này, tôi chỉ có ý định gặp lại nhau để kể cho nhau “chuyện hàn huyên” trong những năm xa cách, để cùng thông cảm và thương yêu nhau hơn, rồi nhất định phải tạm xa nhau cho đến ngày cách mạng thành công. Tôi cứ nghĩ giản đơn như thế, khi chưa thấu hiểu hết nỗi tâm tư của vợ tôi. Nhưng sau 3 ngày đêm sống bên vợ con ở căn cứ Đồng Tà Len, tôi mới nhận rõ những ý tưởng rất mới của vợ tôi: “Không nên để gia đình bị chia cắt thêm nữa” - vợ tôi chân thật bày tỏ.

Mười mấy năm xa nhau, vợ tôi nói tiếp: “Giữ lời đã hứa với anh, em một thân một mình tháng ngày lặn lội kiếm sống và nuôi dạy các con, chúng nó đều đi học đàng hoàng, bắt đầu lớn khôn, em rất vui mừng, nhưng nay lại bắt đầu nặng lo: Khi đã thật trưởng thành, các con sẽ sống ra sao? Đi đường nào? Con trai nếu bị bắt đi lính ngụy, con gái nếu phải gả cho ngụy thì em coi như tiêu đời! Do vậy em phải nói thật, nói thẳng: Phải nhân dịp này mà đưa hết các con vào chiến khu, theo cha kháng chiến chống Mỹ, như vậy là tốt nhất!”. Đích thực bị bất ngờ, tôi nhanh chóng nghĩ lại vợ tôi rất có lý, nhưng tôi vẫn tìm cách ngụy biện, đưa ra lý do là chiến tranh cục bộ do Mỹ trực tiếp tiến hành sẽ ác liệt gấp mấy lần so với trước đây, đưa cả gia đình vào chiến khu trong lúc này rõ là hạ sách. Vợ tôi chẳng chịu, khẳng khái cãi lại tôi: “Dù chiến tranh sẽ ác liệt đến mức nào đi nữa, nhưng cả nhà được gom về một phía, ở bên nhau, đùm bọc nhau, sống chết có nhau, vui buồn chia sẻ cho nhau vẫn là tốt nhất!”. Tôi đành chịu, không còn gì để tranh cãi, nên vui vẻ chấp thuận ý tưởng của vợ tôi. Chúng tôi chuyển sang bàn phương án đưa các con vào chiến khu. Như vậy, từ đầu năm 1968, cả gia đình chúng tôi 5 người (vợ chồng tôi và 3 con) đều sống và làm việc tại cơ quan Trung ương Đoàn, được cơ quan tận tình giúp đỡ, phân công công việc cụ thể. Từ đó, chúng tôi đã sống cùng tập thể, làm việc trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, cực kỳ gian khổ: Những cơn sốt rét kinh khủng; những trận bom B52, đạn, pháo bầy và những trận rải chất độc diệt cây cối, diệt môi trường sống do địch dội ào ạt xuống chiến khu. Nhớ nhất là trận chạy càn biên giới năm 1970 khi đế quốc Mỹ và chính quyền Lon Nol đánh phá ác liệt vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.

Nhiều cơ quan dọc biên giới phía Việt Nam, cả cơ quan phải sơ tán, vượt biên giới, vào sâu đất  bạn tạm đóng quân. Vợ chồng tôi cùng 2 con phải theo cơ quan vượt qua đất bạn trong suốt một đêm vô cùng vất vả. Nhưng như người đời thường nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cuối cùng mọi khó khăn, nguy hiểm chúng tôi đều vượt qua, cho đến ngày 30-4-1975 cùng toàn quân chiến đấu trở về với tư thế những người chiến thắng, cả nhà đã chung lòng, chung sức cùng toàn dân chống Mỹ.

Vợ chồng đi qua chiến tranh, giờ trân quý từng phút giây được sống bên nhau trong những ngày bóng xế cuộc đời. Ở tuổi ngoài 90, vợ ông - bà Lê Thị Điểm Hồng đã già yếu, đi đứng khó khăn, nhưng mỗi sáng ông vẫn tận tay pha cho bà ly sữa, mang đến cho bà từng viên thuốc, mang áo quần của bà ra sân thượng phơi cho thơm nắng, thật đáng cho thế hệ trẻ chúng tôi nghiêng mình ngưỡng mộ.

Ông viết về những đồng chí lãnh đạo khả kính như Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Bạch Đằng… thật chân tình, thật sống động, vì ông đã từng gắn bó, có những cơ duyên để có được những kỷ niệm sâu sắc. Trên tất cả là lòng tôn kính thật lòng của ông về một thế hệ lãnh đạo vàng đã ra đi. Còn với chúng tôi, những người thuộc thế hệ lớn lên sau chiến tranh, ông là một trong những thỏi vàng ròng còn sót lại cho đến đầu thế kỷ XXI này.

Ở tuổi ngoài 90, mỗi ngày ông tỉ mẩn viết nên những dòng hồi ký đậm chất sử thi, trĩu nặng nghĩa tình, trao tặng cho thế hệ sau một gia tài tinh thần quý báu thật đáng để đọc, để suy ngẫm và mạnh mẽ bước tới. Không chỉ tỉ mẩn ngồi viết hết ngày này sang ngày khác như tự bạch “Một đời nghĩa nặng tình sâu / Tóc xanh đến lúc bạc đầu còn ghi / Mai kia đến lúc ra đi...”, mà ông còn chuẩn bị cho sự “ra đi” của mình một cách chu đáo, dành tiền lương hưu trí của mình chắt chiu nhiều năm ròng để in quyển sách. In sách rồi, ông lại đem sách về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tặng sách, mong gửi lại chút suy ngẫm cuộc đời mình cho thế hệ sau. Tôi thật sự xúc động khi cùng ông về thăm lại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu - nơi cậu học trò nghèo Đoàn Văn Tý năm nào đậu vào Trường Collège, nơi đây đã cho ông vốn văn hóa nền tảng để đi làm cách mạng. Ở tuổi 94, ông tỉ mẩn ngồi viết những dòng nhắn lại cho con cháu, về một thời nghĩa nặng tình sâu.

TRẦM HƯƠNG

.
.
.