Thứ Tư, 10/01/2018, 11:10 (GMT+7)
.
Nhà báo liệt sĩ Châu Văn Niên:

Người vẽ măng sét Báo Ấp Bắc đầu tiên

Nhà báo - Liệt sĩ Châu Văn Niên (bút danh Châu Hồ) sinh năm 1935, quê quán xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).

Năm 1960, ông tham gia cách mạng. Năm 1963, ông tham gia hoạt động báo chí, thuộc cơ quan Tiểu ban Thông tấn - Báo chí (Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy  Mỹ Tho), Báo Ấp Bắc.

Họa sĩ Châu Hồ đảm trách hầu hết việc trình bày, minh họa các số Báo Ấp Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Măng sét do họa sĩ Châu Hồ vẽ đã sử dụng suốt thời gian báo chính thức mang tên Ấp Bắc đến năm 1987.

Mặc dù tờ báo của Đảng bộ tỉnh mang tên Ấp Bắc ra đời và hoạt động trong điều kiện khó khăn, ác liệt, cơ sở vật chất thiếu thốn, phương tiện in thô sơ, đội ngũ làm báo chưa chuyên nghiệp…, nhưng được Đảng bộ tỉnh tin tưởng giao trọng trách giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng.

Nhận nhiệm vụ của lãnh đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy giao vẽ măng sét Báo Ấp Bắc, họa sĩ Châu Hồ nghiên cứu vẽ 7 mẫu chữ, thông qua nhiều lần, cuối cùng chọn được 1 mẫu chữ làm măng sét Báo Ấp Bắc.

Được hỏi về họa sĩ Châu Hồ, đồng chí Trần Văn Mai (Tám Mai), nguyên Phó Tiểu ban Thông tấn - Báo chí tỉnh Mỹ Tho, từng làm việc chung với họa sĩ Châu Hồ, cho biết, Châu Hồ có vóc dáng thấp, hơi đen người. Trong công việc đồng chí luôn cần cù, tuy nhiên nét vẽ còn thô sơ. Tính cách của Châu Hồ vui vẻ, hoạt bát, sống tình cảm với đồng nghiệp, đặc biệt có tài đánh đàn măng-đô-lin rất hay.

Ngày 5-11-1965, Báo Ấp Bắc xuất bản số thứ 26 để kỷ niệm 1 năm Ngày Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh (ngày 15-10-1964). Trang nhất và trang 8, ngoài bức chân dung Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi do họa sĩ Châu Hồ vẽ, báo còn đăng bài xã luận: “Noi gương Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, thi đua diệt giặc và tay sai. Trả thù nhà, đền nợ nước”.Ngày 5-11-1965, Báo Ấp Bắc xuất bản số thứ 26 để kỷ niệm 1 năm Ngày Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh (ngày 15-10-1964). Trang nhất và trang 8, ngoài bức chân dung Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi do họa sĩ Châu Hồ vẽ, báo còn đăng bài xã luận: “Noi gương Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, thi đua diệt giặc và tay sai. Trả thù nhà, đền nợ nước”.

Khi kể về người đồng chí, đồng đội đã hy sinh, đồng chí Tám Mai chia sẻ thêm về những tháng ngày làm báo gian khó: Cuối năm 1967, khu vực xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè - nơi Tiểu ban Thông tấn - Báo chí tỉnh đóng quân, giặc càn quét ác liệt. Nhà in Huỳnh Văn Sâm từ rừng Hưng Thạnh, huyện Châu Thành Bắc chuyển về kinh Chuối; còn bộ phận văn phòng Tiểu ban Thông tấn - Báo chí tỉnh (trong đó có tổ khắc gỗ, họa sĩ của Báo Ấp Bắc) đóng ở ngã tư Cây Vừng, xã Hậu Mỹ Bắc. Nhà in Huỳnh Văn Sâm tập trung chuẩn bị làm Báo Ấp Bắc Xuân Mậu Thân 1968...

Việc cung cấp nguyên liệu, vật liệu cho nhà in rất khó khăn, nhưng nhờ tổ chức tốt nên tổ tiếp liệu cũng qua mặt được sự kiểm soát gắt gao của địch.

Căn cứ đóng quân ở đâu là lãnh đạo nhà in xây dựng cơ sở tiếp nguyên liệu, vật liệu đến đó. Việc vẽ, in bìa, khắc gỗ mặc dù có kế hoạch chuẩn bị chu đáo nhưng hết sức khó khăn, vất vả.

Muốn có bức tranh đẹp ở trang bìa của tờ báo phải nghiên cứu mẫu giấy carton, thợ khắc gỗ cắt thủng giấy carton, dùng con cóc thợ bạc bơm hơi, xịt dàn đều từng màu nước qua kẽ khắc, tách màu trên từng mẫu, sau đó đến khâu cuối cùng là in thạch bản, dùng nguyên liệu nước đường nấu lên rồi lau mặt đá.

Trải qua nhiều công đoạn, bìa báo hoàn thành 3 màu, tít bài, ký họa, minh họa của từng bài cũng được làm xong tại căn cứ ngã tư Cây Vừng, sau đó chuyển vào kinh Chuối cho công nhân sắp chữ chì...

Ngày 30-6-1970, địch mở cuộc càn vào xã Long Trung, huyện Cai Lậy. Chúng chia làm 2 cánh quân, gồm 1 cánh nổi và 1 cánh chìm. Cánh nổi có máy bay ném bom, xe tăng, pháo binh yểm trợ; cánh chìm thì bí mật nằm im phục kích.

Khi địch càn vô căn cứ, họa sĩ Châu Hồ báo với anh em trong Tiểu ban Thông tấn - Báo chí và Ban Tuyên huấn tỉnh Mỹ Tho: “Nó tới rồi, chạy đi!”. Họa sĩ Châu Hồ chạy trước, lọt vào ổ phục kích của địch. Chúng nổ súng, họa sĩ đã hy sinh.

HỒNG LÊ

.
.
.