Thứ Bảy, 17/03/2018, 14:28 (GMT+7)
.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải:

Với những dấu ấn đổi mới của đất nước

Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 1 giờ 30 phút ngày 17 tháng 3 năm 2018 tại quê nhà Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người có tầm nhìn chiến lược, góp phần quan trọng vào sự phát triển của hệ thống kinh tế Việt Nam. Trong tâm thức của nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn được đánh giá cao, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam trong những năm tháng khó khăn của thời kỳ đầu hội nhập và mở cửa.
Đưa nền kinh tế vượt khủng hoảng, tăng trưởng ổn định
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người được đào tạo bài bản tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov của Liên bang Xô viết. Sau tốt nghiệp, ông về làm tại Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giữ chức Trưởng phòng.

a
Thủ tướng Phan Văn Khải thị sát Dự án Chỉnh trị Sông Hồng, khu vực Hà Nội, ngày 9/12/2001. (Ảnh: Thế Thuần/TTXVN)

Sau đó, ông làm tại Ban Kinh tế của Trung ương Cục và vào Nam chiến đấu (“đi B”). Sau năm 1975, ông làm việc tại Ủy ban Kế hoạch của Thành phố Hồ Chí Minh rồi sau này lên làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian kế tiếp, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Chính phủ. Ở cương vị này, ông là người cải tổ Tổ nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và xây dựng nên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng trong 9 năm (1997-2006).
Chính phủ do Thủ tướng Phan Văn Khải đứng đầu đã nỗ lực đưa ra các giải pháp giải quyết khủng hoảng để nó không lan rộng.
Khi ông nhậm chức Thủ tướng (1997), kinh tế Đông Nam Á đang lâm vào khủng hoảng tài chính, Hàn Quốc và một số nước châu Á chịu tổn thất nặng nề. Trước tình hình đó, Chính phủ do Thủ tướng Phan Văn Khải đứng đầu đã nỗ lực đưa ra các giải pháp giải quyết khủng hoảng để nó không lan rộng.

a
(Nguồn: AFP)

Những biện pháp tạm thời và có chiều sâu tiếp đó đã giúp giữ được nền kinh tế của Việt Nam lúc ấy dù tăng trưởng thấp 4,8% nhưng vẫn là tăng trưởng tốt, không chịu ảnh hưởng xấu như các nước: Hàn Quốc, Thái Lan…
Không chỉ vậy, trong suốt thời gian giữ cương vị Thủ tướng của ông (1997-2006), bình quân tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là cao nhất và ổn định nhất (trung bình 7%/năm).
Nền kinh tế vừa giữ được tốc độ tăng trưởng cao, đảm bảo được ổn định vĩ mô, vừa tạo được nhiều nhân tố mới cho tăng trưởng; tỷ lệ nợ công luôn đạt dưới 50% GDP.

Những quyết sách cởi trói cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển
Một đóng góp quan trọng nữa của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vào phát triển kinh tế nước nhà chính là việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999, là cơ sở, nền tảng cho sửa đổi các chính sách kinh tế sau này.
Kinh qua công tác tại Ủy ban Kế hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có nhiều cơ hội tiếp xúc và có sự thấu hiểu đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cũng như các vấn đề kinh doanh.
Sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp-doanh nhân và môi trường kinh doanh chính là một trong những mối ưu tiên hàng đầu của ông. Ông luôn xác định xây dựng hệ thống pháp luật đưa nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường, là nền tảng quan trọng nhất để đất nước phát triển.
Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999 và sau đó sửa đổi năm 2005, cũng như thị trường chứng khoán ra đời năm 2000 là những minh chứng sống động cho quan điểm nhất quán và tầm nhìn của ông.

Đặc biệt, việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 và ký quyết định hủy 268 giấy phép con (bằng khoảng 50% tổng số giấy phép) đối với doanh nghiệp của Thủ tướng Phan Văn Khải đã góp phần quan trọng, to lớn, giúp kinh tế tư nhân được giải phóng, khuyến khích sự sáng tạo và sự năng động của người dân.

Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999 và sau đó sửa đổi năm 2005, cũng như thị trường chứng khoán ra đời năm 2000 là những minh chứng sống động cho quan điểm nhất quán và tầm nhìn của ông.
Ngoài ra, ông cũng đặt nền móng cho cuộc cải cách giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước, bộ, ngành vào nền kinh tế, từng bước hình thành nền kinh tế thị trường, mở rộng quyền tự do cho các doanh nghiệp. Nhờ đó, kinh tế đã có bước phát triển mạnh.

Khởi đầu chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam
Bên cạnh những đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn có công lớn trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Là một nhà kinh tế với kiến thức chuyên môn sâu, một lãnh đạo được đào tạo bài bản, ông rất tự tin khi tham gia các hoạt động đối ngoại. Ông cùng tập thể các nhà lãnh đạo Việt Nam xây dựng một chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam sau giai đoạn Việt Nam bình thường hóa quan hệ với các nước lớn, gia nhập ASEAN.

a
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Sàn giao dịch chứng khoán New York, tháng 6/2005. (Nguồn: AFP)

Dưới thời của ông, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hoàn tất đàm phán và ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA), đánh dấu bước tiến lịch sử trong quá trình bình thường hóa quan hệ hoàn toàn giữa hai nước.
Cũng dưới sự lãnh đạo của ông, các bộ, ngành của Việt Nam đã hoàn tất đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO cuối năm 2006, chính thức hóa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở phạm vi toàn cầu và tạo vị thế mới cho nền kinh tế Việt Nam phát triển trong những năm sau đó.

Là một nhà kinh tế với kiến thức chuyên môn sâu, một lãnh đạo được đào tạo bài bản, ông rất tự tin khi tham gia các hoạt động đối ngoại.
Con người nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, cả về tư cách, tri thức và tấm lòng đối với đất nước đều rất đáng quý.

Vĩnh biệt Thủ tướng Phan văn Khải, vĩnh biệt nhà lãnh đạo kiến tạo những bước đi đầu trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam./.

a
a

(Theo TTXVN)
 

 

.
.
.