Tiền Giang và những lời căn dặn của chú sáu Khải
Đối với Tiền Giang, trong những chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh, những lời căn dặn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (được gọi thân mật là chú sáu Khải) cho đến nay vẫn còn giá trị: Tiền Giang có thế mạnh so với cả Nam bộ là trình độ thâm canh cây lúa và vườn chuyên canh, lại thêm nhiều thế mạnh về đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, vùng cây công nghiệp Đồng Tháp Mười, Chương trình Ngọt hóa Gò Công..., nên Tiền Giang phải biết khai thác và phát triển đúng hướng các tiềm năng ấy.
Tiền Giang là tỉnh đất hẹp, người đông nên phải có giải pháp cụ thể, toàn diện để nâng cao trình độ thâm canh, tăng hiệu quả sử dụng đất, làm cho người dân có thu nhập cao hơn. Đối với cây lúa, ngoài việc tiếp tục nâng cao năng suất, sản lượng, cần phải nghiên cứu nhân nhanh các giống lúa tốt, có chất lượng và giá trị kinh tế cao, đặc biệt hướng đến xuất khẩu.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trao đổi với lãnh đạo tỉnh trong một chuyến về thăm và làm việc tại Tiền Giang. Ảnh tư liệu của báo Ấp Bắc |
Nguyên Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh cần xây dựng và quản lý tốt các công trình thủy lợi dẫn nước ngọt vào nội đồng, ngăn mặn là cơ sở có ý nghĩa quyết định trong sản xuất và phát triển nông nghiệp. Việc xây dựng các công trình thủy lợi phải gắn liền với giao thông nông thôn và tôn cao nền nhà tránh lũ; hay việc cho vay để tôn nền nhà và làm nhà trên cọc, nhất là vùng sâu, vùng xa phải dựa vào Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện và phải có mục tiêu, kế hoạch cụ thể đến năm nào thì hoàn thành.
Ngoài ra, cần phải tiếp tục đẩy mạnh và giải quyết căn cơ hơn nữa vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đó là cơ sở, là nền tảng để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hơn nữa, việc phát triển công nghiệp và dịch vụ là một quá trình lâu dài nên phải có bước đi phù hợp. Trước mắt, cần chú trọng những ngành nghề đáp ứng yêu cầu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất - kinh doanh, xây dựng, trang bị mới, nhưng kiên quyết không nôn nóng. Vấn đề quan trọng là phải cân nhắc tính khả thi, đảm bảo đồng vốn và có khả năng trả nợ, nếu không sẽ tạo thêm gánh nặng nợ nần trong khi đất nước còn nghèo, nhân dân còn gặp nhiều khó khăn…
Đặc biệt Nguyên Thủ tướng cũng đưa ra câu hỏi bức xúc không chỉ đối với Tiền Giang mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Đó là vì sao ở khu vực này lúa gạo, thịt cá, trái cây, rau đậu… đều thừa, không thị trường tiêu thụ, nhưng tỷ lệ bà mẹ, trẻ em suy dinh dưỡng còn cao, bệnh tật còn nhiều, nhiều nhà còn ọp ẹp, thậm chí thể lực, tuổi thọ cũng thấp hơn những nơi khác?
Người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ rất muốn nghe và biết kỹ hơn về vấn đề này để cùng tìm lời giải đáp cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm chuẩn bị hành trang vào thế kỷ XXI.
HỒNG LÊ (tổng hợp)