Chuyện về Trung đội Cối nữ vành đai Bình Đức
Ở vành đai diệt Mỹ Bình Đức là nơi lần đầu tiên Quân khu 8 thành lập Tiểu đoàn Pháo binh và Trung đội Nữ pháo binh. Cuối tháng 1-1969, Trung đội Cối nữ vành đai (gọi tắt là Trung đội) được thành lập, gồm 20 cô y tá, liên lạc, dân công trở thành pháo thủ, do đồng chí Nguyễn Thị Bé Sáu chỉ huy.
Các nữ thông tin, pháo binh vành đai Bình Đức. |
Trung đội gồm 2 bộ phận: Một bộ phận kết hợp với nam giới, chủ yếu đánh theo đợt hoạt động và một bộ phận đánh độc lập. Đây là trung đội làm nhiều nhiệm vụ khác nhau mà nam giới khó làm được, như ban ngày các cô có thể di chuyển vũ khí, chuyển thư từ hợp pháp, đi đấu tranh, quan sát địch bằng mắt thường và ống nhòm; ban đêm các cô tập trung nã đạn vào các mục tiêu trong căn cứ.
Tháng 2-1969, phong trào thi đua diệt Mỹ được phát động đều khắp vành đai. Quân khu gấp rút đưa thêm vũ khí chi viện cho vành đai và huy động dân công, phương tiện vận chuyển lương thực, vũ khí cho các đơn vị pháo binh vành đai.
Cối, ĐKZ chuyển từ các xã Kim Sơn (tỉnh Mỹ Tho), Phú Túc (tỉnh Bến Tre) lên kinh Nguyễn Tấn Thành, Thới Sơn và Thạnh Phú, nhiều khẩu cối 82 mm di chuyển đến sát căn cứ địch. Có gia đình đã biến sân nhà thành trận địa và phục vụ tích cực cho cuộc chiến đấu như gia đình ông Tám Sâm, cô Ba Thanh Việt, cô Bé Nghiêm, cô Chín Út ở ấp Long Thuận A (xã Long Hưng), cô Năm Trang ở ấp Đông (xã Song Thuận)…
Đêm 23-2-1969, pháo binh ta mở trận tập kích, ĐK và cối của ta tập trung bắn vào cơ xưởng trong căn cứ Mỹ ở Đồng Tâm, H12 và ĐK của Đại đội 516 đánh vào sân bay ở phía Tây căn cứ. Cối 82 của Đại đội 530 từ xã Kim Sơn bắn vào sân bay trực thăng và trận địa pháo phía Đông của địch. ĐK 75 bắn vào kho quân cảng chúng đang bốc dỡ hàng và trận địa pháo phía Đông.
Cối 120 từ xã Kim Sơn đánh vào bộ tư lệnh sư đoàn 9 Mỹ. Đêm đầu tiên pháo ta bắn trúng kho đạn. Sáng chúng dùng máy bay chở quân càn quét. Với sự chuẩn bị kỹ, gia đình cô Chín Út ở ấp Long Thuận A (xã Long Hưng) chuẩn bị cây chuối, khi bắn xong là trồng ngay cây chuối tại bàn cối. Du kích sẵn sàng đốt đồng khi cối ta bắn, nhằm làm hạn chế tầm quan sát của máy bay trinh sát địch, giúp khẩu đội cối rút lui an toàn. Ta đã bắn trúng đường băng, 2 máy bay bốc cháy.
Vài ngày sau, đạn cối của ta đã rót trúng bồn xăng địch, xăng bốc cháy suốt 2 ngày đêm. Tại quân cảng, những tàu đang giao hàng bị trúng đạn, có chiếc bị chìm tại bến. Qua mấy ngày bắn vào căn cứ địch, pháo binh ta đã đánh trúng mục tiêu, đúng thời cơ, phá hủy 12 máy bay, 6 khẩu pháo và hơn 300 tên Mỹ, thiêu hủy 1 bồn xăng, làm hư 7 tàu đậu trong quân cảng.
Sau trận tập kích, Bộ Tư lệnh Quân khu gửi điện khen: “Pháo binh vành đai đã dùng pháo, cối, dũng cảm bất ngờ tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch”.
Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3-1969, được sự chấp thuận của Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Pháo binh vành đai, Trung đội bàn kế hoạch đánh địch giữa ban ngày.
1 giờ chiều ngày 8-3, sau khi phát hiện đoàn trực thăng của địch chuẩn bị tiếp tế cho vùng đang có cuộc chiến đấu xảy ra ở xa vành đai, các cô hành quân từ xóm So Đũa (xã Long Hưng) qua cánh đồng trống, đến bụi trâm bầu sát bờ kinh Nguyễn Tấn Thành xây dựng trận địa.
Khi thời cơ diệt địch đã đến, các cô bắn liên tục vào khu vực kho xăng và máy bay đang tiếp tế của địch. Nhiều quả đạn nổ ngay trên đầu máy bay. Kho xăng và máy bay bốc cháy. Các cô rút về căn cứ. Địch đã dùng pháo bắn bừa bãi vào khu dân cư bờ So Đũa.
Gần 1 tiếng đồng hồ sau, chúng cho máy bay “cá lẹp”, “đầu láng” đến phóng pháo, phóng xuống cánh đồng nơi chúng nghi là có lực lượng ta trú ẩn. 2 máy bay địch phóng pháo xuống xóm bờ So Đũa và chùa Ông Hiếu.
Đồng chí Nguyễn Thị Bé Sáu, Trung đội trưởng, trên đường chạy về căn cứ chùa Ông Hiếu, khi chạy ngang nhà chị Hai Nên ở xóm So Đũa, thấy nhà đang cháy, đồng chí chạy vào tìm các con chị Hai Nên và cứu được 5 đứa bé qua nhà kế bên an toàn. Sau đó, đồng chí Bé Sáu quay lại chuyển tiếp đồ thì máy bay địch phát hiện, chúng ném lựu đạn, đồng chí Bé Sáu hy sinh.
Trước khi hy sinh 2 giờ đồng hồ, Trung đội trưởng Nguyễn Thị Bé Sáu đã chỉ huy trung đội của mình bắn cháy hơn chục máy bay, tiêu hủy 1 kho xăng và diệt hơn 100 tên Mỹ. Chiến thắng của Trung đội Cối nữ vành đai Bình Đức và tấm gương của người chỉ huy Nguyễn Thị Bé Sáu đã nhanh chóng lan đi khắp vành đai, càng thúc giục mọi người quyết chiến đấu tiêu diệt giặc Mỹ và bọn tay sai của chúng.
Để trả thù cho đồng chí Nguyễn Thị Bé Sáu, các đơn vị đặc công, trinh sát, pháo binh vành đai và du kích liên xã đã ngày đêm bám sát địch; nhiều du kích xung phong đi phục vụ mặt trận, trong đó có đồng chí Lê Thị Hồng Gấm tham gia nhiều nhiệm vụ khác nhau, để các đơn vị pháo binh và đặc công hiệp đồng tác chiến kịp thời và chính xác.
Sau 1 tuần lễ nghiên cứu, thăm dò và đưa người vào trinh sát kho đạn, các trinh sát đặc công đã nắm được thời gian vận chuyển hàng ngàn trái hỏa tiễn từ 7 tàu chở hàng của lực lượng hải quân Mỹ đến kho đạn mới xây ở căn cứ Đồng Tâm.
Đêm 25-3-1969, phối hợp với Tiểu đoàn Đặc công 273, trinh sát pháo binh và cụm trinh sát Quân khu tại vành đai, cùng 2 đại đội của mặt trận pháo vành đai đã đồng loạt bắn pháo vào kho đạn của căn cứ Đồng Tâm. Trận pháo kích này, pháo binh ta bắn rất chính xác, thiêu hủy toàn bộ kho hỏa tiễn hàng ngàn trái và hàng trăm tên Mỹ chết, bị thương, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta tại vành đai.
Trong những ngày tháng Tư hào hùng này, gặp lại đồng chí Nguyễn Sỹ Hiệp, nguyên Tiểu đoàn trưởng Pháo binh vành đai, Chỉ huy phó Mặt trận vành đai, tuy ở tuổi ngoài 80 nhưng vẫn nhớ như in về những đồng đội nữ ở Trung đội Cối nữ vành đai năm xưa, đã kể vanh vách về những đồng đội, những cô gái đang tuổi thanh xuân tham gia cách mạng, làm những việc không khác gì các đồng đội nam: “Tôi nhớ, cô Chín Hồng rất to con, đeo bàn đế cối 82 nặng hơn 100 kg mà vẫn di chuyển rất nhanh, có thể nhảy qua con mương nhỏ.
Cô Nguyệt thì rất gan, vác chân bàn đế pháo chạy băng đồng. Cô Sáu Sĩ mới 15 - 16 tuổi đã đi làm cách mạng. Cô Hà là pháo thủ số 1, dáng người cao to, lanh lợi, hoạt bát, phụ trách kính ngắm, hiện cô Hà vẫn còn sống, ngụ tại xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy.
Tôi nhớ nhất là cô Bé Năm, pháo thủ, có chồng là Đại đội trưởng Đại đội 518 Hà Đại Lục, là người dân tộc tỉnh Phú Thọ. Trong một lần giặc Mỹ phục kích tới tận nhà chị Ba Thanh Việt, nhà cách căn cứ Đồng Tâm khoảng 500 m, đồng chí Hà Đại Lục chỉ huy đánh phản kích, vượt khỏi vòng vây và tập kích lại, lực lượng ta thoát khỏi nguy hiểm.
Một thời gian sau cô Bé Năm mang thai, nghỉ ngơi tại nhà, sáng mùng 5 tháng 5 gia đình đi chợ mua đồ đổ bánh xèo cho anh em bộ đội ra ăn thì bị bọn biệt kích từ Vĩnh Kim bắn vào, cô Bé Năm hy sinh…
Kết thúc chiến tranh, đất nước hòa bình, thống nhất, có những pháo thủ còn sống, có người đã vĩnh viễn ra đi, nhưng những câu chuyện về Trung đội Cối nữ vành đai Bình Đức vẫn còn in đậm trong trái tim, khối óc của những đồng đội và bà con vùng ven năm xưa. Họ mãi trở thành những cô gái bất tử.
HỒNG LÊ