Thứ Ba, 24/04/2018, 15:36 (GMT+7)
.

Đinh Tiên Hoàng và nước Đại Cồ Việt

Đinh Tiên Hoàng tên húy là Đinh Bộ Lĩnh hoặc Đinh Hoàn, là vị Hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh, đặt tên nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam.

Đinh Bộ Lĩnh sinh ngày rằm tháng Hai, năm Giáp Thân, tức 22-3-924, ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng; nay thuộc thôn Văn Bồng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Cha của ông là Đinh Công Trứ, giữ chức Thứ sử Hoan Châu dưới thời Dương Đình Nghệ. Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ - người họ Đàm, về ở quê ngoại xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Từ bé Đinh Bộ Lĩnh tỏ ra có khả năng chỉ huy, cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. Trong đám bạn đó, có Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ và Trịnh Tú... - những người sau này cùng ông tạo nên sự nghiệp dựng nước.

Năm 944, Ngô Quyền mất. Nội bộ triều đình tranh giành quyền lực, đất nước rối ren. Các thổ hào nổi lên khắp nơi, cát cứ chống lại triều đình. Đặc biệt, sau khi con của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn mất  (954 - 965), đất nước rơi vào tình trạng chia cắt trầm trọng.

Trong nước nổi lên 12 vùng do 12 thủ lĩnh đứng đầu chống đối lẫn nhau, lịch sử gọi là “loạn 12 sứ quân”. Cùng lúc này, năm 960, ở Trung Quốc, nhà Tống được thành lập và bắt đầu bành trướng thế lực xuống phía Nam, đưa quân tới Quảng Châu, áp sát biên giới nước ta. Đất nước ta đứng trước nguy cơ bị họa xâm lăng của quân Tống.

Từ động Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh phất cao ngọn cờ chính nghĩa, tập hợp nhân dân, giải quyết vấn đề cấp bách mà lịch sử đặt ra là dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, chuẩn bị chống quân Tống xâm lược.

Trong thời gian từ năm 950 đến cuối năm 967, Đinh Bộ Lĩnh lần lượt đánh bại các sứ quân và tự xưng là Vạn Thắng Vương, lên ngôi Hoàng đế. Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh là thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia, của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập trong nhân dân.

Năm  968, Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (tức nước Việt to lớn), bắt đầu dựng đô mới ở Hoa Lư, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi của nước Đại Cồ Việt.

Vị trí dựng kinh đô Hoa Lư có diện tích 300 ha, là vùng đồng chiêm trũng, bao quanh bởi các dãy núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, núi non hiểm trở. Với tầm nhìn của nhà quân sự, Đinh Tiên Hoàng triệt để lợi dụng địa thế tự nhiên để xây thành, đắp lũy, nối liền các khoảng trống giữa các núi thành một hệ thống khép kín.

Mặc dù chức năng quân sự thể hiện rõ trong kiến trúc tự nhiên của kinh thành Hoa Lư, nhưng về cơ bản nó vẫn bảo đảm trọn vẹn chức năng là trung tâm chính trị, văn hóa của vương triều họ Đinh buổi đầu kiến lập. Kinh đô Hoa Lư do Đinh Tiên Hoàng tổ chức xây dựng là một công trình kiến trúc lớn nhất của đất nước sau ngàn năm Bắc thuộc.

Năm 970, Đinh Tiên Hoàng bỏ dùng niên hiệu của các Hoàng đế Trung Hoa, đặt niên hiệu mới là Thái Bình. Như vậy, với việc xưng đế, đặt quốc hiệu, dựng kinh đô, định niên hiệu, Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt và bắt tay vào xây dựng một mô hình nhà nước với thiết chế mới: Nhà nước quân chủ trung ương tập quyền thống nhất.

- Về tổ chức bộ máy nhà nước: Đinh Tiên Hoàng hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý đất nước từ hình thức “Vương quyền”, chuyển sang hình thức “Đế quyền”, với 3 cấp: Triều đình trung ương - Đạo (trung gian) - Giáp, Xã (cơ sở).

Triều đình trung ương tại Kinh đô Hoa Lư do Đinh Tiên Hoàng đứng đầu, con trai cả là Đinh Liễn được phong làm Nam Việt Vương, có quyền hành lớn chỉ sau hoàng đế và được giao đặc trách công việc bang giao. Năm Thái Bình thứ 2 (971), vua bắt đầu quy định cấp bậc văn, võ, tăng đạo. Đến năm 975, quy định áo mũ của các quan văn, quan võ.

Năm 968, Đinh Tiên Hoàng phong tước cho các hoàng tử và bầy tôi thân cận: Năm 969, nhà vua phong con trưởng là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương. Năm 978, nhà vua lập con nhỏ là Đinh Hạng Lang làm Hoàng Thái tử, phong con thứ là Đinh Toàn làm Vệ Vương.

- Về quân đội: Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh về cơ bản là một nhà nước võ trị. Quân đội thời Đinh đông và mạnh. Điểm nổi bật nhất trong tổ chức quân sự phòng giữ đất nước thời nhà Đinh là tổ chức “Thập đạo quân”. Năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong cho Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân, đứng đầu quân đội.

- Về luật pháp: Cùng với việc từng bước xây dựng và kiện toàn bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương, xây dựng củng cố lực lượng quân sự, nền pháp chế thời kỳ này cũng bắt đầu được chú ý đến.

Đinh Tiên Hoàng đặt chức Đô hộ phủ sĩ sư coi việc hình án - một chức quan tư pháp và giao cho Lưu Cơ giữ chức này. Mặc dù vậy, dưới chế độ võ trị, luật pháp thời Đinh còn nghiêm khắc và tùy tiện, dựa theo ý muốn của nhà vua. Vua Đinh cho đặt vạc dầu và cũi hổ ở sân triều để trừng phạt phạm nhân.

- Về kinh tế: Thời Đinh, kinh tế nông nghiệp được quan tâm. Nhà vua nắm toàn bộ ruộng đất trong nước, vừa để khẳng định quyền lực, vừa để nắm lấy thần dân, thu tô thuế, bắt lính.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng quan tâm đến khai hoang, lập làng, mở rộng diện tích canh tác xuống vùng đồng bằng và ven biển. Một số ngành nghề thủ công nghiệp cũng được chú ý phát triển như: Nghề thợ nề, thợ đá, mộc, chạm khắc, dát vàng bạc…, chủ yếu để phục vụ vua quan và quân đội.

Trong dân gian, các nghề truyền thống như trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải lụa, làm giấy tiếp tục phát triển. Năm 970, Đinh Tiên Hoàng cho phát hành đồng tiền đầu tiên của đất nước: Đồng Thái Bình Hưng Bảo.

Sự ra đời của đồng “Thái Bình Hưng Bảo” thúc đẩy trao đổi buôn bán hàng hóa trong nhân dân. Việc trao đổi buôn bán vật phẩm cũng được thực hiện với Trung Quốc và với các thuyền buôn nước ngoài.

- Về văn hóa: Cùng với xây dựng một chính quyền nhà nước có chủ quyền, vua Đinh Tiên Hoàng cũng chú ý đến phát triển văn hóa, những mầm mống đầu tiên của một nền văn hóa mang tính dân tộc được manh nha hình thành.

- Về đối ngoại: Ngay sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng rất quan tâm đến việc thiết lập mối quan hệ bang giao với nhà Tống. Cuối năm 979 (Kỷ Mão), Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại. Đinh Toàn - con của Đinh Tiên Hoàng mới 6 tuổi lên ngôi Hoàng đế.

Năm 980, quân Tống xua quân xâm lược nước ta. Trước tình hình đó, triều đình và Thái hậu Dương Vân Nga đưa Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế. Kể từ đó, nhà họ Đinh chấm dứt vai trò của mình trong lịch sử dân tộc.

Hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam.

Đinh Bộ Lĩnh dựng nước, lập đô, lấy niên hiệu với tư cách người đứng đầu của vương triều hùng mạnh: Thời kỳ phục quốc của Việt Nam, từ Thúc Thừa Dụ chỉ xưng làm Tiết độ sứ, tới Ngô Quyền xưng làm Vương và tới Đinh Tiên Hoàng xưng làm Hoàng đế.

Sau một số vị vua xưng đế từ trước và giữa thời Bắc thuộc rồi bị thất bại trước họa ngoại xâm, đến thời nhà Đinh, người cầm quyền Việt Nam mới thực sự vươn tới đỉnh cao ngôi vị và danh hiệu, khẳng định vị thế vững chắc của quốc gia độc lập, thống nhất qua các triều đại Đinh - Lê - Lý và buộc các điển lễ, sắc phong của cường quyền phương Bắc phải công nhận là một nước độc lập.

Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời, tồn tại và phát triển đã khẳng định sức mạnh của ý chí độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam sau ngàn năm bị giặc phương Bắc đô hộ. Đây là nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

LÊ VĂN TÝ

Tài liệu tham khảo:
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 -2018). Công văn 687 ngày 20-3-2018 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang về việc “Tuyên truyền kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt”. Lịch sử Việt Nam, tập II (từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIV), Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Sử học, do Trần Thị Vinh (chủ biên), Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội - 2017, từ trang 72 đến 99.

.
.
.