Công tác hậu cần minh chứng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Ngay khi biết thực dân Pháp dựng lên một cái bẫy khổng lồ ở Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã chấp nhận giao chiến với chúng, chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang ngày càng có lợi cho ta.
Một kế hoạch chuẩn bị cho cuộc chiến vĩ đại sắp tới được chuẩn bị kỹ lưỡng, với sự góp sức của cả nước. 4 đại đoàn bộ binh và 1 đại đoàn pháo binh được lệnh hành quân ra mặt trận. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử, cả dân tộc đã ra mặt trận cùng bộ đội đánh giặc với đủ lực lượng, từ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; già, trẻ, gái, trai từ nhiều địa phương.
Một cuộc cách mạng về hậu cần đã đưa một khối lượng khổng lồ lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, vũ khí… từ vùng do Việt Minh kiểm soát được chuyển lên Điện Biên Phủ một cách nhanh chóng, liên tục không ngừng nghỉ.
Làm tốt công tác hậu cần, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Chiến thắng Điện Biên Phủ. |
Thực tế đã cho thấy, địa hình đặc biệt ở Điện Biên Phủ với những vùng rừng núi bao quanh lòng chảo Điện Biên Phủ rất dễ dàng cho quân ta có thể che giấu những loại vũ khí lớn mà địch khó có thể phát hiện, đặc biệt là những khẩu pháo to.
Điều quan trọng là làm thế nào để di chuyển những khẩu pháo ấy vào những vị trí thuận lợi và ngụy trang hoàn hảo là một bất ngờ lớn với thực dân Pháp. Để tạo nên bất ngờ ấy, nhân dân, bộ đội và dân công đã nỗ lực phi thường làm nên điều không tưởng: Mở con đường kéo pháo bằng tay với chiều dài 15 km, rộng 3 m vượt qua đỉnh Pu Pha Sông cao 1.175 m để kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn hoàn toàn bằng sức người lên núi. Khi công việc còn chưa xong thì có quyết định thay đổi phương châm từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lực lượng huy động cho chiến dịch lên tới 53.830 người, cộng với 33.000 thanh niên xung phong và dân công thường xuyên phục vụ. Hậu cần chiến dịch đã đảm bảo cho bộ đội 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 565 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác; đã cứu chữa 10.130 thương binh và 4.429 bệnh binh. Để có lượng lương thực, thực phẩm trên cung cấp cho chiến dịch, Hội đồng Cung cấp Mặt trận đã huy động 25.056 tấn gạo và 1.824 tấn thực phẩm. Về nhân sự, đã huy động 261.453 lượt người, phục vụ gần 12 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 736 xe thô sơ khác… |
Mọi công tác chuẩn bị cho phương án mới được thực thi một cách nhanh chóng, quan trọng là chuẩn bị hậu cần cho đánh dài ngày và kéo pháo ra quay về vị trí tập kết để làm hầm trú ẩn cho pháo ở những vị trí thuận lợi, an toàn hơn.
Một lần nữa con đường kéo pháo lại trở thành chướng ngại vật khổng lồ, có thể làm chùn bước chân của bất cứ chiến sĩ nào. Vậy mà, vẫn những con người ấy vẫn nhẫn nại từng chút một, đưa từng khẩu pháo xuống dốc, quay về vị trí ban đầu một cách an toàn.
Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, dân công... đã bị thương bởi máy bay oanh tạc của địch và đã có biết bao tấm gương tiêu biểu cho tinh thần vì nước quên thân như: Anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh khi lấy thân mình cứu pháo, Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai...
Công tác Quân y vốn rất cần thiết đối với bộ đội ở các chiến trường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đóng vai trò vô cùng quan trọng và có bước tiến bộ hơn hẳn các chiến dịch trước. Với khẩu hiệu: “Mỗi ô tô là một bệnh xá lưu động”, chiến sĩ quân y cùng với lái xe đã tận dụng mọi hình thức như lót lá, lót rơm, làm cáng... để vận chuyển thương binh về phía sau một cách an toàn.
Các thầy thuốc nổi tiếng như: Bác sĩ - Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Đình Tụng; Bác sĩ - Thứ trưởng Bộ Y tế Tôn Thất Tùng trực tiếp phẫu thuật cho thương binh ngay tại mặt trận. Đặc biệt, các đội quân y trung đoàn, tiểu đoàn đã bám sát trận địa xây dựng hệ thống trạm quân y trong lòng đất để cứu chữa thương binh, bệnh binh.
Sau khi đã chuẩn bị mọi mặt, ngày 13-3-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam nổ súng tấn công vào tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp. Trong 56 ngày đêm ác liệt với 3 đợt tấn công, ta bóc từng “lớp vỏ cứng” của tập đoàn cứ điểm, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 16.000 lính Pháp, cùng toàn bộ “cơ ngơi” của tập đoàn cứ điểm địch hoàn toàn thuộc về Việt Minh.
Để lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nóc hầm tên tướng bại trận De Castries vào chiều 7-5-1954, các cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Có những cao điểm ta đã phải giành giật với địch 39 ngày đêm; có những trận đánh các đơn vị của ta hy sinh phần lớn vẫn không làm nhụt ý chí tiến lên tiêu diệt quân thù của bộ đội.
Chiến thắng vĩ đại của người Việt Nam tại mảnh đất Điện Biên Phủ năm 1954 là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954 của Quân đội nhân dân Việt Nam, chấm dứt sự đô hộ của chế độ thực dân, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ công nhận độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Trong chiến dịch này, công tác hậu cần đã trải qua nhiều khó khăn, trở ngại, nhiều lúc tưởng chừng như không thể vượt qua được. Nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, toàn quân tham gia, được hậu phương hết lòng chi viện, công tác hậu cần đã hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang, góp phần vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của toàn dân tộc.
H.L (tổng hợp)