Thứ Bảy, 05/05/2018, 17:38 (GMT+7)
.

Chủ nghĩa Mác-Lênin là đỉnh cao của trí tuệ loài người

Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Karl Marx (được phiên âm là Các Mác, viết tắt là C.Mác), chúng ta cùng nhau ghi nhận những cống hiến tiêu biểu, nổi bật của C.Mác như: Đã xây dựng nên triết học duy vật biện chứng, từ đó vận dụng vào xem xét xã hội mà sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử và tìm ra quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN) của xã hội tư bản.

Bằng cách vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu nền kinh tế TBCN, học thuyết kinh tế của C.Mác vạch ra những quy luật kinh tế của xã hội TBCN, vạch ra quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó.

Một trong những phát hiện vĩ đại của C.Mác, là việc phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư. Quy luật giá trị thặng dư là quy luật chung của xã hội tư bản.

C.Mác chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN đối với tư liệu sản xuất, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản.

Cũng như đối với xã hội có giai cấp trước đây, trong xã hội tư bản, đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội. C.Mác chứng minh về mặt lý luận rằng, giai cấp vô sản nhất thiết phải đấu tranh chống giai cấp tư sản và nhất định giai cấp vô sản sẽ chiến thắng, chủ nghĩa xã hội (CNXH) nhất định sẽ thay thế TBCN.

Với 2 phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác đã đặt nền móng cho CNXH khoa học, học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hóa.

Nhờ có thế giới quan khoa học, chủ nghĩa Mác đã tìm ra quy luật phát triển của xã hội và lực lượng xã hội có thể tiêu diệt chế độ tư bản và sáng tạo xã hội mới, đó là giai cấp vô sản. C.Mác và Ăng-ghen chỉ ra cho giai cấp vô sản là trước hết phải tự mình vùng lên đánh đổ chế độ TBCN. Và trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp vô sản phải đoàn kết chung quanh mình tất cả những người lao động.

Cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản phải đi tới lập nên nhà nước chuyên chính vô sản, giai cấp vô sản dùng nó làm công cụ để xây dựng CNXH và chủ nghĩa cộng sản. C.Mác và Ăng-ghen chứng minh tính tất yếu của thời kỳ quá độ từ CNTB lên chủ nghĩa cộng sản và nêu ra những đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa cộng sản.

Từ đó, chủ nghĩa Mác là ngọn đèn pha soi sáng con đường cách mạng cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới tìm đường giải phóng mình khỏi ách áp bức bóc lột.

C.Mác và Ăng-ghen thường nói học thuyết của 2 ông không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động. Lê-nin, người kế thừa sự nghiệp của C.Mác và Ăng-ghen, dựa trên các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, đã phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng vô sản, và do đó gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin.

Chủ nghĩa Mác-Lênin là đỉnh cao của trí tuệ loài người bởi tính khoa học và tính cách mạng triệt để của nó. Chủ nghĩa Mác-Lênin là khoa học về những quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột, về thắng lợi của CNXH trong tất cả các nước, về việc xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác-Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công và sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới là những thành quả rực rỡ của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin sẽ mãi là mặt trời chói lọi, soi sáng con đường đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới dù CNXH có lúc tạm thời lâm vào thoái trào.

Thế nhưng, CNXH khoa học vẫn thu hút trái tim, khối óc của hàng triệu nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH.

Những nhân tố của CNXH vẫn đang nảy sinh và phát triển ngay trong lòng nhiều nước tư bản, và dù con đường đi có khác nhau, có lâu dài, có những bước thăng trầm, nhưng lịch sử nhân loại tất yếu dẫn tới chủ nghĩa cộng sản như lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra.

Đối với cách mạng Việt Nam, công ơn của C.Mác rất to lớn. Theo con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin do Bác Hồ tìm thấy và dưới sự lãnh đạo của Đảng do Bác Hồ sáng lập, nhân dân ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi, giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên CNXH, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C.Mác là dịp để chúng ta đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam; làm rõ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, những vấn đề cần bổ sung và phát triển cho phù hợp với thực tiễn đất nước và thời đại; kiên quyết đấu tranh với những khuynh hướng tư tưởng phản động và sai lầm để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin. 

Để tỏ lòng biết ơn C.Mác, chúng ta hãy nâng cao lòng trung thành vô hạn với chủ nghĩa Mác-Lênin. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

M.T

.
.
.