Thứ Năm, 24/05/2018, 19:25 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN MINH SƠN, ĐOÀN ĐBQH ĐƠN VỊ TỈNH TIỀN GIANG:

Góp ý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Ngày 23-5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến thảo luận, nội dung cụ thể như sau:

Một là, điểm đ, khoản 5, Điều 3 quy định dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp quy định tại điểm c, khoản này, phù hợp với quy hoạch đặc khu, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội hoặc tạo ra giá trị gia tăng đột biến tại đặc khu, đề nghị cần làm rõ định lượng cụ thể thế nào là ảnh hưởng lớn, thế nào là giá trị gia tăng đột biến? Nếu quy định có tính chất định tính như vậy thì rất khó và dễ lạm dụng trong triển khai thực hiện.

Hai là, hiện nay, các địa phương có đặc khu đang triển khai lập 2 quy hoạch là: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng đặc khu. Tuy nhiên, khoản 2, Điều 8 quy định mỗi đặc khu chỉ có 1 quy hoạch tổng thể, không tách riêng quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội. Vì vậy, đề nghị bổ sung điều, khoản chuyển tiếp quy định cụ thể đối với các quy hoạch đã và đang lập trên địa bàn các đặc khu. Trường hợp không bổ sung trong dự thảo luật, đề nghị xem xét bổ sung vào nghị quyết khi triển khai thi hành luật.

Ba là, đề nghị bổ sung cụm từ "sa đồ" vào điểm I, khoản 2, Điều 9, bởi các lý do sau: Có thể hiểu "sa đồ" là từ ghép của 2 từ sa bàn và đồ họa 3D. Việc đề nghị bổ sung cụm từ "sa đồ" vào dự thảo luật có ý nghĩa giúp người không thuộc lĩnh vực chuyên môn, người dân có thể hình dung, tưởng tượng và hiểu được một cách đơn giản nhất phương án quy hoạch. Đây là cơ sở quan trọng để có thể theo dõi, giám sát, điều chỉnh quy hoạch một cách kỹ lưỡng và khoa học nhất.

Bốn là, đề nghị xem lại quy định tại điểm h, khoản 4, Điều 10 và khoản 2, Điều 12 quy định: Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng thẩm định, cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, hoàn chỉnh quy hoạch đặc khu trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bởi trường hợp ý kiến của HĐND cùng cấp khác hoặc trái với ý kiến của Hội đồng thẩm định thì xử lý thế nào, trong khi luật chưa quy định rõ.

Năm là, tại Điều 15, chi phí lập quy hoạch đặc khu vừa thiếu, vừa không rõ ràng. Đề nghị tham khảo quy định của Luật Quy hoạch. Theo đó, chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Chi phí đánh giá quy hoạch được sử dụng từ nguồn vốn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Sáu là, điểm b, khoản 2, Điều 20, đề nghị xem xét về dự án đầu tư kinh doanh cá cược. Vì theo quy định hiện nay, chỉ có các hình thức là kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và đặt cược bóng đá quốc tế.

Bảy là, điểm a, khoản 1, Điều 30 quy định trường hợp có 2 nhà đầu tư chiến lược trở lên quan tâm đề xuất thực hiện thì việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Đề nghị làm rõ "pháp luật có liên quan" là pháp luật nào? Nếu quy định không rõ ràng sẽ dễ dẫn đến lạm dụng, tiêu cực, bởi khái niệm "nhà đầu tư chiến lược" mới chỉ xuất hiện ở dự án luật này, các luật khác hiện chưa thấy xuất hiện khái niệm này.

Tám là, điểm a, khoản 1, Điều 33 "Nhà nước bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư theo phương án được phê duyệt và giao đất, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai". Điểm b, khoản 1, Điều 33 "trường hợp ngân sách Nhà nước không bố trí được kinh phí bồi thường hỗ trợ tái định cư theo quy định tại điểm a, khoản này thì nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án đầu tư được ứng kinh phí để thực hiện.

Khoản tiền ứng trước này được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án đầu tư mà nhà đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai". Quy định như trên nhằm giải quyết bài toán vốn hiện nay của Nhà nước, tuy nhiên quy định này dễ bị lợi dụng, phát sinh tiêu cực và khả năng thất thoát ngân sách lớn, vì trường hợp không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất thì khi xác định giá đất thường thông qua công ty định giá, mà khả năng sát giá thị trường thì không cao. Do vậy, đề nghị cần có quy định cụ thể hơn, điều tiết phần chênh lệch giữa hình thức đấu giá và không đấu giá.

Chín là, khoản 4, Điều 47 "cán bộ, công chức trong các cơ quan của chính quyền địa phương ở đặc khu có cam kết làm việc ít nhất trong 10 năm tại đặc khu được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Chủ tịch UBND đặc khu". Đề nghị quy định rõ được hỗ trợ, thuê, thuê mua, mua nhà ở hoặc bố trí nhà công vụ theo quy định của Chủ tịch UBND đặc khu.

Mười là, đề nghị bổ sung cụm từ "là người thường trú tại đặc khu" vào cuối khoản 1, Điều 48 để phân biệt với đối tượng khác ngoài đặc khu.

Mười một là, khoản 2, Điều 50 đề nghị thay cụm từ "khu thương mại tự do, khu chế xuất và các khu chức năng khác" bằng cụm từ "khu chức năng", vì theo định nghĩa tại khoản 2, Điều 3, "khu chức năng" bao gồm các khu trên.

Mười hai là, khoản 1, Điều 57 quy định "cơ chế chính sách đặc biệt khác tại đặc khu Phú Quốc", đề nghị chỉnh sửa thành chính sách chung áp dụng cho cả 3 đặc khu, vì việc tạo lập điều kiện cư trú thống nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài tại 3 đặc khu sẽ tạo sự yên tâm đối với nhà đầu tư khi triển khai dự án tại các đặc khu; đồng thời, thể hiện sự thống nhất về chính sách nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Mười ba là, phụ lục 2 danh mục ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu Bắc Vân Phong, đề nghị xem lại mục 6 sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển. Bởi, các ngành nghề này không thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí mà dự thảo luật quy định.

Mười bốn là, đề nghị dự thảo luật này cần có những điều, khoản quy định khuyến khích nhà đầu tư vào các đặc khu, xây dựng những công trình kiến trúc có điểm nhấn đặc sắc, nổi trội để thu hút khách du lịch như một số quốc gia khác đang thực hiện.

                                                                        ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.