Góp ý 3 nội dung về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi)
Ngày 22-5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến về một số nội dung như sau:
Thứ nhất, việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, xã hội (KT-XH) và KT-XH với quốc phòng quy định như dự thảo luật là phù hợp, bởi lẽ:
Một là, dự thảo Luật đã thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương, nghị quyết Đại hội XII của Đảng về kết hợp quốc phòng với KT-XH và KT-XH với quốc phòng.
Điều này cũng cụ thể Điều 68, Hiến pháp 2013, kế thừa Luật Quốc phòng hiện hành, đảm bảo thống nhất với pháp luật có liên quan như: Luật Xây dựng 2014, Luật Đầu tư công 2014, Luật Quy hoạch 2017...
Hai là, dự thảo Luật cũng đã quy định nguyên tắc, chính sách lớn về kết hợp 2 chiều giữa quốc phòng và KT-XH, thể hiện sự gắn kết với mọi hoạt động của quốc phòng với các ngành KT-XH, có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước, nhằm góp phần củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng và phát triển KT-XH, thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với quy luật xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ đất nước.
Dự thảo Luật cũng đã quy định nhiệm vụ kết hợp giữa 2 chiều quốc phòng và KT-XH mang tính nguyên tắc và chính sách lớn, tạo hành lang pháp lý để các văn bản dưới luật, các bộ, ngành, địa phương có cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện và khắc phục được những sai sót, bất cập về sự kết hợp giữa quốc phòng với KT-XH và KT-XH với quốc phòng trong thời gian qua.
Thứ hai, trong thời gian vừa qua, có một số dự án kinh tế không thực hiện đầy đủ các quy trình, nội dung kết hợp, ảnh hưởng đến thế trận quốc phòng của các khu vực trọng điểm.
Do vậy, thống nhất với dự thảo Luật về nội dung quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phải tuân thủ yêu cầu của Nhà nước về kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, bởi các lý do sau:
Một là, quy định này kế thừa Điều 11, Luật Quốc phòng hiện hành, đã có văn bản dưới luật điều chỉnh. Theo đó, điều chỉnh một số cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng theo yêu cầu của Nhà nước phải tuân thủ pháp luật và kết hợp giữa phát triển KT-XH với đảm bảo quốc phòng, như vậy không điều chỉnh tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân, không làm hạn chế đến quyền tự do kinh doanh, đầu tư, nghiên cứu khoa học công nghệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hai là, quy định này cũng đã thống nhất với chính sách Nhà nước về quốc phòng được quy định tại khoản 4, Điều 5 dự thảo Luật, huy động nguồn lực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Mặt khác, dự án Luật cũng đã xây dựng trên địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng, là sự phát triển mới, phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời, là giải pháp để giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu cao của quốc phòng và khả năng kinh tế của đất nước.
Nếu thực hiện và phát huy được tính lưỡng dụng này trong kết hợp sẽ mang lại hiệu quả cao trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, về công nghiệp quốc phòng với an ninh, dự thảo Luật cũng đã quy định công nghiệp quốc phòng, an ninh là cụ thể Điều 68, Hiến pháp 2013, cập nhật và thể chế kịp thời quan điểm, chủ trương mới của Đảng tại Nghị quyết 23 ngày 22-3-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, các văn bản đã nêu quy định công nghiệp quốc phòng, an ninh là một trong những chỉnh thể thống nhất, sẽ tập trung nguồn lực quốc gia cho việc đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, không làm tăng thêm tổ chức biên chế, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện nay của nhiều nước trên thế giới đã và đang làm.
Quy định như dự thảo Luật về phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn công nghiệp của quốc gia, tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh.
Mặt khác, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Lực lượng vũ trang nhân dân và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhằm đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo, quản lý, điều hành về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là phù hợp với thực tế hiện nay.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)