Dấu ấn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 27 của BCH Trung ương Đảng
Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 27 ngày 6-8-2008 của BCH Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước” (gọi tắt là Nghị quyết), Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 36 về tổ chức triển khai, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết; BCH Đảng bộ tỉnh xây dựng Chương trình hành động 29 thực hiện Nghị quyết; đồng thời, tổ chức các lớp nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, các huyện, thành, thị ủy và các đảng ủy trực thuộc. Các cấp ủy xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết gắn với tình hình, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương, đơn vị và tổ chức các lớp nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết cho cán bộ, đảng viên.
Ngoài ra, cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức kết hợp cho đoàn viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú qua các phương tiện thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tham quan các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đời sống do đội ngũ trí thức thực hiện.
Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy có hiệu quả vai trò của đội ngũ trí thức, xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ trí thức trên cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên môn đến năm 2020, coi đây là điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh.
Tiếp tục quan tâm bố trí cán bộ trẻ có năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ quan trọng, từng bước nâng cao vị trí, vai trò, tỷ lệ cán bộ trẻ trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp.
Nghiên cứu các quy định về chế độ, chính sách, cơ chế của Đảng và Nhà nước để sử dụng và tập hợp đội ngũ trí thức, thực hiện chế độ hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức được cử đi đào tạo phù hợp với từng giai đoạn và khuyến khích tinh thần phấn đấu, ham học, tìm tòi sáng tạo của đội ngũ trí thức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời, có chế độ thu hút nguồn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học và từng bước thực hiện việc đưa trí thức trẻ về làm việc ở vùng nông thôn.
Mặt khác, ban hành Quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa - văn nghệ. Cấp ủy các cấp, các ngành tiến hành rà soát, chọn nguồn, xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên, giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ trí thức.
Đến nay, tỉnh đã đưa đi đào tạo, bồi dưỡng ở tỉnh và trung ương 11.660 lượt cán bộ; tổ chức 3 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 466 cán bộ lãnh đạo, quản lý; mở 2 lớp cán bộ nguồn cấp ủy tỉnh, huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những năm tiếp theo cho 366 cán bộ và 1 lớp dự nguồn Phó Chủ tịch UBND cấp xã cho 95 cán bộ; thu hút 14 cán bộ về tỉnh công tác (trong đó có 2 trường hợp bố trí phó ngành tỉnh); cử 1.754 lượt cán bộ (diện Tỉnh ủy quản lý 370) đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài.
Phần đông trí thức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã được bố trí công việc phù hợp với chuyên môn, phát huy được kiến thức nên đã tạo được phong trào học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo có hiệu quả.
Trong 10 năm qua, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức tham gia tư vấn, phản biện, đóng góp vào các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ trí thức.
Đội ngũ trí thức trong tỉnh nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của mình, tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ vào quản lý nhà nước, lĩnh vực sản xuất và đời sống.
Cụ thể, đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp phát huy tốt năng lực, phẩm chất, không ngừng nâng cao chất lượng tham mưu phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần đổi mới phương thức, nâng cao hoạt động của hệ thống chính trị.
Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống; bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, truyền thống cách mạng ở địa phương.
Các chương trình, đề tài, dự án sau khi nghiệm thu được đưa vào ứng dụng trong thực tế ngày càng nhiều, thiết thực, đáp ứng được phần nào yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.
Đội ngũ trí thức luôn có ý thức chính trị đúng đắn, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, giữ vững phẩm chất đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ và cuộc sống...
Qua thực hiện Nghị quyết và các văn bản của Đảng, Nhà nước, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức được nâng lên.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đội ngũ trí thức tham gia công tác quản lý, lãnh đạo ở các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần quan trọng vào sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị.
Đã vận dụng các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức được cống hiến, sáng tạo, phát triển.
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đổi mới toàn diện thông qua công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phân cấp quản lý, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Đội ngũ trí thức đa phần phát huy được tính chủ động, sáng tạo, đề xuất những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
TẤN QUÂN