Thứ Năm, 10/05/2018, 20:03 (GMT+7)
.

Hội nghị Trung ương 7 khóa XII: Thảo luận Đề án cải cách bảo hiểm

a
Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc Hội nghị lần thứ 7, chiều 10/5, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII thảo luận tại hội trường về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên thảo luận.

Nhấn mạnh sự cần thiết cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

Phát biểu tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Trung ương đánh giá cao việc chuẩn bị Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, khách quan, các giải pháp có tính khả thi cao.

Đa số ý kiến phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết cải cách để chính sách bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.

Các đại biểu thống nhất cao, khẳng định bảo hiểm xã hội là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là vấn đề hệ trọng, cần tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm tương xứng với chính sách tiền lương và các chính sách xã hội, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội lần này xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo 3 giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; phấn đấu có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội).

Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội; phấn đấu chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 85%.

Giai đoạn đến năm 2030: Phấn đấu có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 90%.

Qua từng giai đoạn, tăng dần tỷ lệ nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 1% lên 2,5% và 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cơ bản nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được xác định trong Đề án; thống nhất ban hành Nghị quyết của Trung ương về vấn đề này; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng về các nội dung Bộ Chính trị trình xin ý kiến Trung ương.

Mở rộng diện bao phủ, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng Đề án thể hiện được tính nhân văn, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Việc thực hiện Đề án hướng tới một hệ thống bảo hiểm xã hội đa dạng, đa tầng, trong đó chú ý tăng bảo hiểm xã hội bắt buộc về đối tượng và quy mô, tiến tới bao phủ toàn dân.

Theo đó, do hiện nay trong tổng số 53 triệu lao động chỉ có 13,9 triệu tham gia bảo hiểm, trong đó 200 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là con số quá nhỏ.

Đại diện cơ quan tham gia chuẩn bị Đề án, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày rõ hơn một số vấn đề mới, được nhiều đại biểu quan tâm. Cụ thể, việc phát triển và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.

Bảo hiểm xã hội thực chất là một trong những trụ cột chính của an sinh xã hội, cùng với bảo hiểm y tế; việc thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.

Làm thế nào để mở rộng vững chắc, tăng diện bao phủ, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân, theo đại biểu Đào Ngọc Dung, phải bám sát ba nguyên tắc: Công bằng, đóng-hưởng và chia sẻ, từ đó thiết kế lại hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng chuyển từ đơn tầng sang đa tầng.

Đa tầng thực chất là có 3 tầng: Hưu trí xã hội; hưu trí bảo hiểm cơ bản gồm bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện; hưu trí bổ sung dành cho lao động có thu nhập cao tham gia đóng thêm bên cạnh hưu cơ bản.

Về bản chất, thiết kế đa tầng thực ra là căn chỉnh lại, tăng cường kết nối giữa bảo hiểm xã hội với bảo trợ xã hội và kết nối giữa các loại bảo hiểm ngắn hạn với nhau trên tinh thần chia sẻ bên cạnh nguyên tắc đóng-hưởng và công bằng.

Đại biểu Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Cải cách bảo hiểm xã hội phải gắn liền với việc phát triển kinh tế-xã hội. Muốn phát triển bảo hiểm xã hội thì phải chú ý tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, đặc biệt là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, chúng ta còn khoảng 15,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Số này trong thời gian tới phải tập trung rất cao để phát triển bảo hiểm xã hội... Đây là dư địa cần quan tâm trong thời gian tới.”

Đại biểu đề nghị, cần ban hành chính sách nâng cao tính hấp dẫn, tăng thêm sự hỗ trợ để người nghèo, hoàn cảnh khó khăn có thể tham gia bảo hiểm xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời gian.

Hiện Nhà nước đang thực hiện chủ trương hỗ trợ 30% với hộ nghèo, hộ cận nghèo là 25%, người bình thường là 10% nếu tham gia bảo hiểm xã hội. Thực ra, chủ trương này vừa qua chưa thực sự hấp dẫn.

Hiện nay, một số nước như Indonesia và Trung Quốc hỗ trợ hộ nghèo tới 60%. Bảo hiểm y tế hiện nay sở dĩ độ bao phủ lớn vì sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về lĩnh vực này chiếm tỷ trọng rất lớn.

Cân nhắc việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn, khi sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội xuống còn 10 năm. Theo đại biểu, “đây là vấn đề cần hết sức thận trọng, có 10 năm đóng bảo hiểm xã hội là đã nghỉ hưu rồi mà trước đây là 20 năm.

Khi thảo luận về vấn đề này, Đảng Đoàn Quốc hội đề nghị chỉ giảm xuống 15 năm, mà 15 năm cũng là đột phá. Bây giờ xuống 10 năm thì tình hình quỹ của chúng ta như thế nào? Đóng 10 năm nhưng hưởng hưu trí 22 năm, thậm chí tuổi thọ tăng hơn nữa thì quỹ cân đối như thế nào?”. Đại biểu cho rằng, không nên giảm quá sâu như vậy, vì sẽ xảy ra mất cân đối giữa thu và chi quỹ bảo hiểm xã hội.
 
 
Về vấn đề này, đại biểu Đào Ngọc Dung cho biết, kinh nghiệm ở các nước xung quanh thiết kế tối đa là 20 năm, thông thường là từ 10-15 năm và có thể cho phép linh hoạt. Nhưng đương nhiên, thời gian đóng ngắn thì mức hưởng sẽ tương xứng, bảo đảm nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối và chia sẻ giữa các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm ngắn hạn. Rất nhiều quỹ ngắn hạn kết dư rất lớn như quỹ về an toàn lao động, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhưng chưa kết nối được với các quỹ khác, không chia sẻ được vì chính sách chúng ta chưa thiết kế.

Đại biểu cũng phân tích, làm rõ thêm các vấn đề như Điều chỉnh tích lũy để đạt mức lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế; giảm tỷ lệ và số lượng người hưởng một lần; xây dựng lộ trình điều chỉnh lương hưu độc lập với tiền lương của người đương chức. Thời gian qua, chúng ta đã điều chỉnh 15 lần về lương hưu, nếu cứ thế này sẽ tạo sức ép rất lớn cho bảo hiểm xã hội.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, có tính đến đặc thù nghề nghiệp
Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, bởi đây là vấn đề dư luận xã hội, đặc biệt là người lao động rất quan tâm.

Làm rõ thêm vấn đề này, đại biểu Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đây là xu thế chung và Việt Nam nằm trong xu thế này. Điều chỉnh tuổi hưu bình quân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặt ra nhiều mục tiêu: Đối phó với già hóa dân số; sự biến đổi của thị trường lao động; bình đẳng giới; cân đối quỹ trong dài hạn.

Đại biểu phân tích Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, nhưng đến năm 2026, Việt Nam bắt đầu vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới thời gian tới. Nếu Việt Nam không có quyết tâm chính trị, có tầm nhìn xa và hành động mau lẹ thì chúng ta sẽ chuyển gánh nặng này cho thế hệ con cháu.

Đứng ở góc độ nghỉ hưu, tuổi thọ và sự bền vững của quỹ, tuổi nghỉ hưu được xây dựng từ năm 1960, nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi. Ở thời điểm đó, tuổi thọ bình quân của Việt Nam mới chỉ trên 40 tuổi.

Song đến nay, Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ trung bình cao nhất trong khu vực: Nam là 78 tuổi, nữ là 79,5 tuổi. Nhưng tuổi nghỉ hưu thực tế của lao động Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực: Nam là 55,6 và nữ là 52,6. Nam đóng bảo hiểm bình quân là 28 năm và hưởng lương hưu là 22,5 năm, nữ đóng 23 năm nhưng hưởng tới 27 năm.

Do đó, bài toán cân đối quỹ nếu tự thân nó sẽ rất khó khăn. Đại biểu cho rằng, đây là thời cơ vàng để quyết định chủ trương này, mặc dù có thể có ý kiến khác nhau. Còn xây dựng lộ trình như thế nào thì sau này giao cho các cơ quan chuyên môn.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị đối với cán bộ, công chức, viên chức: nam là 62 tuổi; nữ là 58 tuổi trừ trường hợp nữ là cán bộ khoa học hoặc cán bộ quản lý ở mức nào đó thì mới tăng lên 60 tuổi, còn đối với các điều kiện khác chỉ là 55 tuổi.

Đại biểu dẫn chứng tuổi nghỉ hưu của một nước trên thế giới, đồng thời nêu quan điểm: Đối với Việt Nam, tuổi nghỉ hưu của nam giới có thể là 62 tuổi đối với cán bộ, công chức, 60 tuổi đối với các lĩnh vực khác, đặc biệt là những lĩnh vực lao động nặng nhọc.

Cán bộ lãnh đạo, nghiên cứu khoa học cần có kinh nghiệm, bản lĩnh... thì tuổi càng cao có khi càng tốt.

Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nếu theo 2 phương án đã đưa ra thì nam cần đến 6-8 năm, nữ cần 15-25 năm để hoàn thành lộ trình Đề án nêu.

Đại biểu cho rằng thời gian như vậy là quá lâu, cần nghiên cứu để điều chỉnh rút ngắn lộ trình thực hiện, có tính đến yếu tố thu hẹp khoảng cách giới.

Cùng qua điểm cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh kinh tế-xã hội, dân số nước ta đã có nhiều thay đổi, với các lý do về tăng tuổi thọ, già hóa dân số, về khả năng làm việc, về quỹ bảo hiểm xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà thấy rằng cần có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm không có sự thay đổi quá nhanh, đột ngột và dẫn đến nhiều hệ lụy.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần phải nghiên cứu để xem xét các quy định nghỉ hưu phù hợp với đối tượng, trong đó cần tính đến các đối tượng do đặc thù nghề nghiệp, lao động độc hại.

Như vậy, nên giữ nguyên việc nghỉ hưu sớm theo độ tuổi như hiện nay đối với một số đối tượng, ngành nghề như diễn viên múa, vận động viên thể thao, lao động trong hầm lò, cầu đường… và cần đánh giá tác động của chính sách này đối với nhóm đối tượng đặc thù.

Đồng thời, có thể phải tính đến việc có các chính sách chuyển đổi ngành, nghề cho các đối tượng này - đại biểu đề xuất.

Tăng mức phạt để hạn chế trốn đóng bảo hiểm xã hội
Đề cập đến việc trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà Đề án ít đề cập đến, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng tình trạng trốn, nợ đọng bảo hiểm xã hội không phải là vấn đề mới mà diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kể cả doanh nghiệp nhà nước.

Nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất trình bảng lương của người lao động với cơ quan thuế cao hơn nhiều so với xuất trình sổ lương của người lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội. Số nợ bảo hiểm xã hội ước tính đến giữa năm 2017 đã là 14.019 tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tăng mức phạt và có sự tham gia của cơ quan thuế: “Cơ quan thuế có thể sẽ thực hiện đồng thời việc thu thuế và thu các khoản bảo hiểm bắt buộc của các đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, sẽ hạn chế tình trạng chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội và tình trạng 2 sổ lương như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng lương tối thiểu để làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, nếu tiến tới liên thông giữa cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm xã hội để thu bảo hiểm xã hội theo tiền lương. Doanh nghiệp kê khai thuế và căn cứ quyết toán chi phí lao động để khấu trừ thuế thì doanh nghiệp sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội đúng với mức lương của người lao động được hưởng. Từ đó, chấm dứt được tình trạng 2 sổ lương như hiện nay.”

Thêm các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện linh hoạt
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị cần tách bạch bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người lao động phải đóng 7%, người sử dụng lao động đóng 15%, tổng cộng là 22%, nhưng bảo hiểm tự nguyện phải đóng cả 22%.

Nếu nhập bảo hiểm xã hội tự nguyện vào bảo hiểm xã hội bắt buộc, không cẩn thận sau này sẽ mất cân đối và ngân sách nhà nước lại phải chi. Do vậy, cần tách bạch và hoạch toán độc lập riêng như bảo hiểm nhân thọ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu một trong những nguyên nhân mà số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn ít là do hiện nay bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ chế độ hưu trí và tử tuất.

Đánh giá Đề án có những bước tiến bộ khi xác định bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian tới sẽ từng bước mở rộng sang các chế độ khác, đại biểu đồng tình cần có các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện linh hoạt và đề nghị cần triển khai sớm gói này, đặc biệt là cần bổ sung chế độ thai sản.

"Người phụ nữ thực hiện trách nhiệm duy trì nòi giống và được hưởng chế độ thai sản để chăm sóc con trong giai đoạn đầu là rất quan trọng, góp phần phát triển thế hệ tương lai của đất nước. Đồng thời qua quá trình mang thai và sinh con, phụ nữ cũng cần được chăm sóc sức khỏe để hồi phục. Việc thực hiện chính sách này cũng góp phần cho trẻ em sinh ra đều có cơ hội được chăm sóc ngang nhau mà không phụ thuộc vào tính chất lao động hay nghề nghiệp của cha mẹ," đại biểu phân tích./.

(Theo TTXVN)



 

.
.
.