Thi đua - khen thưởng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc để động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống thi đua yêu nước, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của dân tộc nhằm chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Truyền thống thi đua yêu nước của nhân dân ta đã và đang là động lực tinh thần quý báu tạo nên sức mạnh tổng hợp, đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ Nhất tại Kim Bình, Chiêm Hóa, Tuyên Quang (tháng 5-1952). Ảnh: sưu tầm |
“CÔNG VIỆC HÀNG NGÀY LÀ NỀN TẢNG THI ĐUA, MỌI VIỆC ĐỀU THI ĐUA”
Nói đến công việc hàng ngày, tức là nói đến hoạt động lao động sản xuất của con người. Nhờ có hoạt động này mà con người và xã hội loài người tồn tại và phát triển. Bác Hồ nói: “Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”.
Trong lời kêu gọi phát động thi đua yêu nước ngày 1-8-1949, sau khi khen ngợi, biểu dương kết quả thi đua của đồng bào và chiến sĩ cả nước, Bác chỉ rõ: “Còn nhiều nơi nhân dân, trước hết là cán bộ chưa hiểu rõ ràng ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước, do đó mà có những khuyết điểm”.
Luận điểm này khẳng định cơ sở tồn tại của thi đua là một tất yếu, vì nó có nền tảng là “công việc hàng ngày”, tức quá trình lao động sản xuất của con người.
Thi đua ở mọi công việc, mọi lĩnh vực, cả trong đời sống của mỗi người, từ việc ăn mặc, ở, học tập, tu dưỡng, đến quan hệ với cha mẹ, gia đình, đồng chí, bạn bè, với nhân dân nước mình và các nước…
Tóm lại, công việc hàng ngày đều cần phải thi đua, nếu được tổ chức, phát động thành phong trào, có tổng kết, rút kinh nghiệm thì tác dụng và hiệu quả đem lại sẽ rất lớn.
“THI ĐUA LÀ YÊU NƯỚC, YÊU NƯỚC THÌ PHẢI THI ĐUA, NHỮNG NGƯỜI THI ĐUA LÀ NHỮNG NGƯỜI YÊU NƯỚC NHẤT”
Trong lời phát biểu tại buổi lễ khai mạc Đại hội các chiến sĩ và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1-5-1952 ở Việt Bắc, Bác Hồ nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Quan niệm thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua làm cho phong trào thi đua của nhân dân ta có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc.
Chính vì vậy, Bác đặt tên phong trào thi đua của nhân dân ta là “Phong trào thi đua yêu nước” và Bác Hồ phát động thi đua yêu nước, biến thi đua yêu nước thành sức mạnh của hàng triệu người, của toàn dân kháng chiến thắng lợi.
Trong thơ chúc Tết Xuân Kỷ Sửu năm 1949 gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Bác viết:
“Kháng chiến lại thêm một năm mới
Thi đua ái quốc thêm tiến tới
Động viên lực lượng và tinh thần
Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi
Người người thi đua
Ngành ngành thi đua
Ngày ngày thi đua
Ta nhất định thắng
Địch nhất định thua”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua là công việc của mọi người, mọi ngành, mọi cấp, không phân biệt già trẻ, gái trai, ngành nghề…, hễ là người Việt Nam đều có thể và cần phải thi đua yêu nước.
Để chuẩn bị cho Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 290 ngày 15-12-2016 về tổ chức phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2018). Mục đích nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng mới; coi thi đua yêu nước là động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đợt thi đua đặc biệt này chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn I từ tháng 1-2017 đến ngày 31-12-2017: Mỗi ngành, doanh nghiệp đăng ký ít nhất 1 công trình, sản phẩm, tác phẩm mới; địa phương đăng ký ít nhất 2 công trình, sản phẩm, tác phẩm mới. Giai đoạn II từ ngày 1-1-2018 đến ngày 31-5-2018: Tổ chức phát động phong trào thi đua 6 tháng đầu năm 2018. Đối với công trình, sản phẩm, tác phẩm thực hiện trong 2 năm 2017 - 2018 thì tổ chức thi đua nước rút, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng cao. Ngày 8-6-2018 UBND tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua đặc biệt này. |
Quan điểm “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện ở bài thơ chúc Xuân Kỷ Sửu năm 1949, mà thể hiện rất nhiều bài nói và viết của Người.
Ngay trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên nhi đồng, đồng bào công thương, đồng bào công nông đến đồng bào trí thức và chuyên môn, nhân viên chính phủ, bộ đội và dân quân... hãy ra sức thi đua, tham gia kháng chiến và kiến quốc.
Nhờ “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”, “Toàn dân thi đua”, “Toàn diện thi đua” mà nhân dân ta giành thắng lợi toàn diện, đã đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất Tổ quốc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
“THI ĐUA SẢN XUẤT VÀ TIẾT KIỆM, CHỐNG THAM Ô, LÃNG PHÍ, CHỐNG BỆNH QUAN LIÊU… THI ĐUA PHẢI CÓ SỰ LÃNH ĐẠO ĐÚNG”
Bác Hồ luôn luôn gắn thi đua sản xuất với thi đua thực hành tiết kiệm. Bác Hồ đề cao việc thực hành tiết kiệm, coi đó là một chính sách của Đảng và Nhà nước, là đạo đức của người dân Việt Nam. Bác nghiêm khắc lên án tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và Chính phủ.
Bác coi tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình.
Bác nói: Tham ô là trộm cắp. Lãng phí tuy không lấy của dân, song kết quả cũng tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ, có khi tai hại hơn nạn tham ô.
Vì những lẽ đó, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên các mặt trận.
Cũng như các mặt trận khác, muốn thắng lợi ở mặt trận này, phải có chuẩn bị kế hoạch, tổ chức, phải có lãnh đạo và trung kiên.
Bác chỉ rõ, cần phải có tổ chức lãnh đạo, tổ chức bộ máy công tác thi đua, như vậy thì mới lãnh đạo được phong trào thi đua, mới bảo đảm được hiệu quả lớn và thiết thực.
HUỲNH ĐÌNH HẢI