Thứ Sáu, 22/06/2018, 21:02 (GMT+7)
.

Bình tĩnh, tỉnh táo, đập tan âm mưu phá hoại

* Không có mục đích nào khác là vì nước vì dân

Ngày 17-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri TP. Hà Nội. Làm rõ thêm về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là dự án Luật Đặc khu), Tổng Bí thư cho biết: “Việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã có chủ trương từ những năm 90 của thế kỷ trước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi khảo sát ở Bắc Vân Phong, Nha Trang, Khánh Hòa; rồi nghiên cứu học tập kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới.

Đây là một phương thức tổ chức nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thí điểm các cơ chế mới để mở rộng làm kinh tế tốt hơn, nhưng là vấn đề rất khó, mới và nhạy cảm, hệ trọng nên chúng ta cần rất thận trọng.

Việc này đã có chủ trương, được ghi trong Hiến pháp, trong nghị quyết của Trung ương, nhưng làm thế nào cho hiệu quả, vừa phát huy được sức mạnh trong nước, ngoài nước để phát triển, vừa phải giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đó là chủ trương nhất quán, nhưng thiết kế cụ thể thế nào thì ở mỗi nước mỗi khác, mỗi nơi, mỗi khu vực mỗi khác, không thể làm đại khái được.

Vừa rồi chúng ta đã làm rất thận trọng, thảo luận qua mấy kỳ họp, thống nhất tương đối cao và chuẩn bị thông qua tại Kỳ họp này. Nhưng còn có ý kiến khác, Đảng, Nhà nước, Quốc hội thấy cần phải lắng nghe, dân chủ, tiếp thu, bao giờ hoàn thiện tốt thì mới thông qua”.

Tổng Bí thư phân tích rõ: Quốc hội đã quyết định dừng việc thông qua dự án Luật này để lắng nghe, có thêm thời gian hoàn thiện từ chiều 8-6, nhưng tại sao đến ngày 10  và 11-6 vẫn cứ tụ tập đông người để phản đối? Trong dự án Luật Đặc khu có một điểm còn nhiều ý kiến băn khoăn là thời hạn cho thuê đất. Đây đâu phải là bàn giao đất cho nước A, nước B, mà phải xem xét từng dự án, từng chủ đầu tư cụ thể.

Đặc khu không dành riêng cho nước nào, với nguyên tắc giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ, quản lý chặt chẽ, chịu ràng buộc bởi luật pháp Việt Nam, không phải ai muốn vào đây làm gì thì làm.

Việc kích động phản đối dự án Luật này bản chất sâu xa là xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước chân chính của người dân để âm mưu làm việc xấu; cần nghiêm trị những kẻ lợi dụng việc này để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tổng Bí thư mong muốn cử tri, nhân dân cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Đảng ta là Đảng của Bác Hồ, không có mục đích nào khác là vì nước vì dân, không ai dại dột, ngây thơ giao đất cho người nước ngoài để người ta vào đây làm rối mình, cho nên phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, đập tan âm mưu phá hoại của các phần tử chống đối.

Tổng Bí thư chỉ rõ: Dự án Luật Đặc khu đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, chỉ khi nào hoàn thiện, có lợi cho dân cho nước thì ta thông qua; đáng mừng là đại đa số cử tri, nhân dân đã đồng tình, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước...

* Dự án Luật Đặc khu thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013

Ngày 19-6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri TP. Hồ Chí Minh. Trả lời ý kiến của nhiều cử tri xung quanh dự án Luật Đặc khu, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đây là chủ trương lớn của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ, với mục tiêu xây dựng thể chế đột phá, ưu đãi vượt trội, đủ sức cạnh tranh thu hút đầu tư với khu vực và quốc tế, tạo động lực phát triển cho các đặc khu, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững gắn với bảo đảm độc lập chủ quyền, quốc phòng, an ninh.

Dự án Luật Đặc khu là dự án luật quan trọng, nhằm thế chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. 

Chủ tịch nước nêu rõ, dự án Luật Đặc khu được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV (tháng 10-2017), sau đó đã được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội tại kỳ họp vừa qua.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị nghiêm túc, công phu, thận trọng; tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế - kể cả thành công và thất bại trong việc xây dựng đặc khu - để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.

“Cơ quan soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu tại 13 quốc gia, khảo sát về tiềm năng, lợi thế của chính sách đặc thù; lấy ý kiến 26 cơ quan, tổ chức và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ...

Tuy nhiên, đây là dự án luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp” - Chủ tịch nước chia sẻ với cử tri. 

Chủ tịch nước bày tỏ đồng tình với ý kiến của cử tri về khía cạnh cần nghiên cứu kỹ càng, thận trọng, chuẩn bị đủ điều kiện mới đưa ra Quốc hội xem xét và thông qua...

* Tạm dừng thông qua dự án Luật Đặc khu thể hiện trách nhiệm trước nhân dân

Ngày 18-6, tiếp xúc cử tri TP. Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc tạm dừng thông qua dự án Luật Đặc khu thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, lắng nghe thêm ý kiến của nhân dân để hoàn thiện Luật. Thủ tướng cho biết, việc lập đặc khu không phải mới trên thế giới. Nhiều nước đã làm thành công.

“Chúng ta muốn tạo nên thể chế thu hút mạnh mẽ hơn trong đầu tư phát triển mà 3 đặc khu này đặt ra không phải là chỉ cho 3 địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, mà chính là tạo cực tăng trưởng, tạo điều kiện phát triển đất nước” - Thủ tướng nêu rõ.

Đề cập đến thời hạn thuê đất dự kiến tối đa 99 năm ở các đặc khu mà thời gian qua dư luận quan tâm, Thủ tướng nói rõ thêm, theo dự thảo Luật thì chỉ áp dụng đối với trường hợp đặc biệt, do Thủ tướng xem xét, còn phổ biến là 70 năm hay thấp hơn như Luật Đất đai. “99 năm trong trường hợp nào, là trong trường hợp đặc biệt.

Đặc biệt như thế nào, đó phải là công trình vô cùng tiêu biểu, đầu tư rất lớn, đòi hỏi chi phí rất cao, thu hồi vốn rất chậm mà đất nước mình cần công trình đó” - Thủ tướng phân tích.

Quy trình duyệt công trình đặc biệt như vậy phải hết sức chặt chẽ như: Trước khi Thủ tướng quyết định, phải trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội và nhiều cơ quan khác. Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục vận động, tuyên truyền, thuyết phục nhân dân tốt hơn.

Thủ tướng mong muốn người dân bình tĩnh, tỉnh táo, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, không mất cảnh giác, nhất là lớp trẻ...

* Hoan nghênh, biểu dương tinh thần yêu nước, sự quan tâm chính đáng của nhân dân

  Ngày 19-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri TP. Cần Thơ. Trao đổi với cử tri và nhân dân cũng như làm rõ thêm về dự án Luật Đặc khu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã quyết định lùi chương trình dự án Luật để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện; đồng thời, thống nhất điều chỉnh quy định của dự thảo Luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm. 

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những băn khoăn, lo lắng của nhân dân, cử tri là đúng và Quốc hội cần thêm thời gian tiếp thu để hoàn chỉnh dự án Luật; đồng thời nêu rõ, Quốc hội hoan nghênh, biểu dương tinh thần yêu nước, sự quan tâm chính đáng của nhân dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, người dân có thể đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước, Quốc hội bằng nhiều hình thức, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc, không đúng sự thật, dẫn đến bị lợi dụng, kích động, gây rối, phá hoại, thậm chí là vi phạm pháp luật như đã xảy ra vừa qua tại một số địa phương. 

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Những quy định trong dự án Luật Đặc khu được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở phải bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng của đặc khu và của quốc gia”.  Trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã quyết định lùi lại thời gian thông qua luật để tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân...

M.T (tổng hợp)

.
.
.