Góp ý 5 nội dung vào dự án Luật An ninh mạng
Sáng 29-5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật An ninh mạng và đóng góp ý kiến một số nội dung nhằm hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội thông qua, như sau:
Thứ nhất, về giải thích từ ngữ tại khoản 1 và khoản 2, Điều 2: Đề nghị làm rõ nội hàm không gây phương hại đến an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh mạng, vì hiện tại trong Luật An ninh quốc gia chưa cụ thể hóa được thế nào là phương hại đến an ninh quốc gia, mà chỉ có các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia (Điều 14) và các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia (Điều 15).
Do vậy, để làm rõ hơn mối liên hệ này, đề nghị nghiên cứu mối liên hệ giữa chiến tranh mạng, nguy cơ đe dọa an ninh mạng, tình huống nguy hiểm về an ninh mạng tại các khoản 10, 12, 14 và khái niệm tình trạng chiến tranh hoặc công bố tình trạng chiến tranh, nguy cơ tình trạng khẩn cấp giữa dự thảo Luật này với Luật Quốc phòng 2005 và dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) để làm rõ hơn khái niệm và hình thức chiến tranh một cách thống nhất.
Thứ hai, về chính sách của Nhà nước về an ninh mạng tại Điều 3: Đề nghị nghiên cứu bổ sung điều, khoản quy định về ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng chất lượng cao, ưu tiên nghiên cứu phát triển công nghệ sản phẩm dịch vụ ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng.
Bởi các đối tượng có trình độ cao về công nghệ thông tin có thể sử dụng siêu máy tính hoặc hệ thống máy tính để tấn công mạng có chủ đích, tấn công mạng phá hoại hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, tấn công mạng từ chối dịch vụ phân tán hoặc trong trường hợp chiến tranh mạng xảy ra nhằm bảo vệ vững chắc an ninh mạng của nước ta.
Thứ ba, về nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ biện pháp an ninh mạng (quy định tại Điều 4 và Điều 5): Đề nghị thống nhất quan điểm coi an ninh mạng là một nội hàm trong an ninh quốc gia và quốc phòng. An ninh mạng phải có mối liên hệ mật thiết với quốc phòng mới có thể giải quyết các vấn đề liên quan.
Vì an ninh quốc gia có ý nghĩa lớn, bao trùm cả vấn đề quốc phòng và sự phát triển ổn định, bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đảm bảo sự bất khả xâm phạm độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta, bao gồm cả thực tế, thực địa và trên không gian mạng. Do đó, dự thảo Luật cần làm nổi bật ý nghĩa đó mới có cơ sở để quy định và triển khai thực hiện trong thực tế.
Thứ tư, về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương (quy định tại Điều 23): Khi dự thảo Luật xác lập được phạm vi không gian mạng quốc gia và xây dựng rõ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia thì việc xây dựng, hoàn thiện quy định, quy chế sử dụng máy tính nội bộ tại khoản 3, điều này vô cùng quan trọng.
Do đó, kiến nghị chuyển khoản 3 lên vị trí đầu tiên, nhằm xác định rõ quy định tại khoản 3, điều này là cơ sở triển khai bảo vệ an ninh mạng. Đồng thời, đề nghị bỏ quy hoạch mô hình mạng bảo đảm an ninh mạng tại khoản 4, điều này để thống nhất với Luật Quy hoạch.
Ngoài ra, một số quy định trong Điều 23 cần được quy định phải thực hiện và cụ thể hóa ngay khi xây dựng hệ thống thông tin quan trọng, cơ sở dữ liệu quốc gia, vì nếu xác định rõ ngay từ đầu thì phân loại được đối tượng quản lý và cách thiết kế lập mô hình quản lý, tầng lớp an ninh phải đảm bảo điều kiện về an ninh; bởi, quy định như dự thảo Luật không thể hiện rõ các bước triển khai thực hiện hoạt động an ninh mạng từ khâu thiết kế lập hệ thống, đến vận hành thử, triển khai thực tế đào tạo, hướng dẫn sử dụng và các phương án xử lý tình huống đối với 3 đối tượng là đối tượng sử dụng, đối tượng chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống và đối tượng phản ứng nhanh xử lý các vấn đề nhằm bảo đảm an ninh mạng.
Vì vậy, đề nghị dự thảo Luật bám sát vào khái niệm tại khoản 3 về không gian mạng quốc gia, khoản 5 về cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia để quy định rõ hơn việc triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng.
Thứ năm, về bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế (quy định tại Điều 25): Đề nghị nghiên cứu thiết kế lại cách bố trí các điều để các nội dung không bị chồng lấn. Một số quy định ở Điều 25 đã có trong Điều 12, các bước, trình tự, mức độ bảo mật, các bước triển khai nghiệp vụ sẽ ứng với thiết lập hệ thống ngay từ đầu, do đó các kết cấu như dự thảo Luật là chưa hợp lý.
Đề nghị nghiên cứu thiết kế sơ đồ các hệ thống cần bảo mật và chỉ rõ các phân tầng quản lý, các tầng lớp bảo mật đối với từng loại hệ thống thông tin cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, hệ thống cổng kết nối mạng để đại biểu Quốc hội có thể hình dung rõ hơn về phạm vi và mong muốn mục tiêu của luật muốn khoanh vùng để bảo vệ an toàn cho an ninh mạng.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)