Thứ Sáu, 01/06/2018, 20:52 (GMT+7)
.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế, xã hội

Ngày 26-5, Quốc hội họp ở Hội trường để thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội  và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Quốc hội. Nhìn chung năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, dưới sự điều hành của Chính phủ và sự vào cuộc rất tích cực của các bộ, ngành, tình hình kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được những kết quả khá toàn diện, chuyển biến rất tích cực, 12/13 chỉ tiêu đạt và vượt, có những chỉ tiêu vượt xa kế hoạch; đồng thời, đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến bổ sung về các nội dung sau:

Thứ nhất, qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy các trụ cột phát triển, tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bền vững.

Các mô hình tăng trưởng chưa có bước chuyển biến rõ nét mà chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư nước ngoài FDI, tăng trưởng cũng phần lớn dựa vào FDI, nguồn thu lớn cũng dựa vào FDI.

Do vậy, nếu chúng ta nhìn nhận dài hạn thì cơ cấu kinh tế chưa vững chắc và bền vững, các doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh, chưa tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị và ngành công nghiệp phụ trợ.

Đây là nút thắt, chúng ta phải tìm ra những nguyên nhân còn thiếu cái gì, hạn chế cái gì, do cơ chế, do chính sách, do khung pháp lý hay những vấn đề gì khác mà chúng ta cứ loay hoay mãi các vấn đề này và những vấn đề này chúng ta đã nói từ lâu.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ phải xem xét nút thắt này và cần phải mau chóng tháo gỡ trong thời gian tới để nền kinh tế nước ta phát triển một cách bền vững và vững chắc hơn.

Thứ hai, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4-2018 giá trị xuất khẩu rau quả đạt 353 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2018 đạt 1,324 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng rau quả đạt trên 1 tỷ USD. Đặc biệt là nông sản nước ta đã bước đầu tiếp cận với thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ. Đây là những kết quả đáng mừng cho thấy sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đã đi đúng hướng và cần có tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tình trạng thương lái của một số quốc gia, nhất là các nước láng giềng đã sử dụng các thủ thuật có những dấu hiệu tiêu cực nhằm phá hoại, gây bất ổn cho sản xuất nông nghiệp nước ta.

Mặt khác, công tác dự báo thị trường về nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản của chúng ta còn yếu. Nhìn từ đầu năm đến nay chúng ta đã thực hiện rất nhiều cuộc giải cứu nông sản cho nông dân như dưa hấu, ớt, mía...

Thiết nghĩ, đây không phải là sản phẩm chủ lực và chẳng lẽ không phải là sản phẩm chủ lực mà ngành đã để nông dân lao đao như thế?

Đề nghị cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này và nên sớm có phương án tái cơ cấu, xử lý căn bản hơn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đặc biệt chú ý đến sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị hàng hóa.

Chú ý đến nâng cao các giải pháp, thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản để xuất khẩu. Đặc biệt là phải giải quyết cho được nút thắt là tích tụ ruộng đất cho sản xuất hàng hóa lớn.

Đây là những vấn đề yếu kém mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu, nhất là sắp tới đây khi các chính sách pháp luật có hiệu lực thi hành thì việc quy hoạch sản phẩm hàng hóa sẽ không còn nữa, mọi sản xuất đều theo tín hiệu thị trường.

Nếu vậy chúng ta không có tín hiệu dự báo, thông tin thị trường kịp thời để cho nông dân thì phải giải cứu dài dài và nông dân tiếp tục lao đao. Thiết nghĩ dự báo thị trường sản xuất hàng hóa cần thiết phải sát tình hình thị trường.

Thứ ba, tiến độ giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 còn chậm và đáng nói hơn là còn chậm hơn năm 2016 mà không biết lý do vì sao?

Chúng ta cứ đổ cho Luật Đầu tư công nhưng trong đó có trách nhiệm trong công tác triển khai tổ chức thực hiện vấn đề này, yêu cầu Chính phủ cần làm rõ cái nào vướng do luật định, cái nào do thụ động trong khâu triển khai thực hiện và tìm giải pháp cho những tháng còn lại năm 2018 và năm tiếp theo.

Thứ tư, vừa qua Chính phủ đã quyết định tạm cấp 1.500 tỷ đồng cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để xử lý cấp bách các điểm sạt lở ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (sạt lở hết sức nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân).

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính cấp bách, vì vậy để giải quyết vấn đề sạt lở mang tính căn cơ lâu dài, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khảo sát điều tra cơ bản, xây dựng đề án tổng thể để xử lý không chỉ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà trên địa bàn cả nước, nếu cần thiết báo cáo Quốc hội quyết định để có giải pháp tích cực nhằm giải quyết căn cơ các vấn đề trên.

Thứ năm, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có tuyến kinh Chợ Gạo nối liền với Thành phố Hồ Chí Minh từ lâu, đây là tuyến đường thủy độc đạo để vận chuyển hàng hóa, nông sản từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày tuyến kinh này gồng gánh khoảng 1.500 phương tiện qua lại nên xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, ùn tắc giao thông thường xuyên.

Trong 2 năm 2013 và 2014, kinh Chợ Gạo được Bộ Giao thông vận tải đầu tư nạo vét nâng cấp giai đoạn 1 có chiều rộng 26 m. Tuy nhiên, do mật độ phương tiện quá cao và do thói quen di chuyển theo thủy triều, các phương tiện cùng đón nước để đi, tàu, thuyền nối đôi nhau.

Vì thế, có tàu lớn hoặc tàu đi ngược chiều bị đẩy khỏi phạm vi luồng gây mắc cạn. Hiện tượng ùn tắc tuyến kinh này hầu như chưa khắc phục bao nhiêu.

Với những khó khăn trên, nhân dân huyện Chợ Gạo nói riêng và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung rất trông chờ giai đoạn 2 được triển khai sớm. 

Trước mắt, đề nghị Bộ Giao thông vận tải có giải pháp nghiên cứu những ưu điểm, khuyết điểm của âu tàu Rạch Chanh để có hướng đầu tư, khắc phục và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đưa tàu, thuyền tiếp cận âu tàu này để sử dụng kinh Nguyễn Văn Tiếp nhằm phá tuyến độc đạo của kinh Chợ Gạo thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang.

                                                    ĐĂNG HIẾU(tổng hợp)

.
.
.