Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến góp ý 2 vấn đề về Luật Quy hoạch
Quốc hội vừa thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến, Đoàn ĐBQH tỉnhTiền Giang phát biểu thảo luận, góp ý một số nội dung như sau:
Về vấn đề chung: Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, nên việc khẩn trương chỉnh sửa các luật khác cho phù hợp với Luật Quy hoạch là rất cần thiết và cũng mang tính cấp bách. Vì vậy, ngoài 13 luật liên quan, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát và dự thảo những nội dung chỉnh sửa liên quan đến Luật Quy hoạch đối với 14 luật còn lại để kịp thời trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới.
Về những vấn đề cụ thể: Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đóng góp một số điều liên quan đến Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 11, dự thảo bổ sung vào khoản 5, Điều 5 của Luật Đầu tư công, nội dung "đầu tư xây dựng các quy hoạch", đề nghị xem xét không sử dụng từ "xây dựng", mà thay bằng từ "lập" cho phù hợp với cách sử dụng từ ngữ tại Điều 7, Điều 13 và một số điều khác của Luật Quy hoạch...
Thứ hai, tại Điều 57 của dự thảo Luật sửa đổi khoản 1, Điều 96 của Luật Đầu tư công có nội dung đề xuất chương trình, dự án phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan...
Như vậy, theo điều này, thì chương trình, dự án và quy hoạch là ba khái niệm khác nhau, hay nói cách khác là quy hoạch không phải là chương trình hay dự án. Tuy nhiên, tại Điều 38 của Luật Đầu tư công chỉ quy định việc phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với chương trình và dự án.
Vì vậy, để thực hiện thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho công tác quy hoạch, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung thêm đối tượng là quy hoạch vào trong Điều 38 của Luật Đầu tư công, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ trong các điều luật và cũng làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.
Thứ ba, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét ở Điều 59 của Luật Quy hoạch chưa có quy định chuyển tiếp trong trường hợp bố trí và thực hiện nguồn kinh phí cho quy hoạch từ vốn chi sự nghiệp sang nguồn vốn đầu tư, vì theo quy định hiện nay, quy trình thủ tục lập dự toán, thực hiện dự toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp và kinh phí đầu tư là hoàn toàn khác nhau.
Hơn nữa, việc bố trí nguồn vốn đầu tư cho quy hoạch cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt. Vì vậy, đề nghị có đánh giá tác động của sự thay đổi nguồn vốn cho công tác quy hoạch; đồng thời, Chính phủ phải sớm có chính sách hướng dẫn cụ thể trường hợp chuyển tiếp này để có sự thực hiện thống nhất, cũng là cơ sở để bố trí kinh phí, thanh toán, quyết toán kinh phí của vốn đầu tư.
Thứ tư, Điều 13 của dự thảo chỉnh sửa nội dung của Luật Xây dựng, tại mục a, khoản 1 quy định quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch đô thị, đề nghị phải làm rõ nội hàm của quy hoạch đô thị tại nội dung này của Luật Xây dựng. Quy hoạch đô thị trong ý nghĩa này là gì? Phải nói cho rõ để tránh trùng lắp với nội dung của Luật Quy hoạch đô thị hiện hành. Bởi vì, Luật Đô thị hiện nay đã có rồi và trong Luật Xây dựng lại chứa quy hoạch đô thị thì sẽ có sự trùng lắp.
ĐĂNG HIẾU
(tổng hợp)