Thảo luận về dự án Luật Giáo dục
Ngày 11-6, Quốc hội làm việc ở Hội trường để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang góp ý về hai nhóm vấn đề như sau:
Nhóm vấn đề thứ nhất: Về các quy định liên quan tới quản lý tài chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục:
Một, về quy định liên quan tới quản lý tài chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục, tại khoản 22 Điều 1 sửa đổi Điều 66 quy định về chế độ tài chính: tại mục 1 dự thảo nêu "Cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế, định giá tài sản và công khai tài chính theo quy định pháp luật.
Hiện nay, có nhiều luật có các điều khoản giao thẩm quyền cho cơ quan, đơn vị chủ đầu tư chủ trì hoặc phối hợp phê duyệt quyết định các vấn đề khác về quản lý tài chính của đơn vị mình. Ví dụ như phê duyệt kế hoạch, kết quả đấu thầu, phê duyệt dự toán, quyết toán tài chính, quyết toán công trình đầu tư xây dựng... theo các luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng chứ không phải chỉ thực hiện các chế độ về kế toán, kiểm toán thuế, định giá tài sản và công khai tài sản như dự thảo nêu.
Do đó, đề nghị điều chỉnh mục 1 này là cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc tự chủ tài chính và quản lý tài chính theo quy định pháp luật mà không cần phải liệt kê năm nội dung như dự thảo đã nêu.
Hai, tại mục 3 khoản 23 Điều 1 quy định về việc rút vốn, chuyển nhượng vốn đối với trường ngoài công lập được thực hiện theo quy định của Chính phủ, kèm theo điều kiện là bảo đảm sự ổn định và phát triển của nhà trường: Đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét có cần quy định với điều kiện là đảm bảo sự ổn định và phát triển của nhà trường hay không.
Vì thực tế, ngoài việc rút vốn, chuyển nhượng vốn giữa các chủ thể tham gia thành lập và hoạt động của trường, cần đảm bảo mục tiêu về sự phát triển bền vững cho trường thì vẫn có trường hợp do hoạt động của trường kém hiệu quả, cần phải sắp xếp, cơ cấu lại các cơ sở giáo dục. Cho nên thực hiện việc sáp nhập hoặc giải thể trường, khi đó việc rút vốn hay chuyển nhượng vốn ra khỏi trường không còn là để đảm bảo cho sự phát triển ổn định bền vững của nhà trường.
Ba, đề nghị cơ quan soạn thảo cũng cần thể hiện rõ hơn nội dung là ngân sách nhà nước phải giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục quy định tại mục 1 khoản 33 Điều 1 dự thảo luật về sửa đổi, bổ sung Điều 101 đầu tư và các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục: Thống nhất với việc xây dựng luật theo chủ trương phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Tuy nhiên như thế cũng không có nghĩa là ngân sách nhà nước phải giữ cơ cấu vốn chủ yếu trong tổng vốn đầu tư cho giáo dục. Bởi vì, trong điều kiện hiện nay, nhà nước ta cũng đang khuyến khích các nguồn lực vốn ngoài ngân sách để đầu tư cho giáo dục; đồng thời, đang phát triển các chính sách về xã hội hóa lĩnh vực giáo dục và đang bảo hộ các lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định này bởi vì nó có thể làm hạn chế nguồn lực ngoài ngân sách; đồng thời, cũng có thể làm cho tăng gánh nặng ngân sách.
Bốn, vấn đề về tính chuẩn sư phạm: Dự thảo luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay vốn tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả các sinh hoạt phí, sau khi tốt nghiệp nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định thì sẽ không phải hoàn trả khoản tín dụng sư phạm.
Thống nhất quan điểm là tiếp tục ưu đãi và hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên ngành sư phạm; đồng thời, thống nhất với lập luận chuyển hình thức miễn học phí sang cấp tín dụng để tránh lãng phí ngân sách.
Tuy nhiên, đề nghị cũng cần xem lại về tính cân bằng của chính sách tín dụng này, bởi dự án luật quy định việc trả khoản vay này như một chế tài đối với người không làm việc trong ngành giáo dục hoặc làm không đủ thời gian.
Vì vậy, cần cân nhắc lại hình thức hỗ trợ bằng tín dụng sư phạm, nhất là khi hiện nay chúng ta cũng chưa có thể đảm bảo được tốt nhất việc làm cho sinh viên của sư phạm sau khi tốt nghiệp. Mặt khác, việc không thể làm trong ngành giáo dục hoặc làm không đủ thời gian quy định cũng là vấn đề khách quan nằm ngoài mong muốn chủ quan của họ.
Nhóm vấn đề thứ hai: đóng góp một số nội dung cụ thể trong dự thảo luật:
Một, trong dự thảo luật có rất nhiều điều, khoản là những quy định có tính định tính rất cao, điều này sẽ gây khó khăn hoặc là giao phạm vi quá rộng cho Chính phủ khi cụ thể bằng các nghị định và thông tư; như quy định về nhà giáo: Nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giữ vị trí quan trọng trong xã hội, có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, được xã hội tôn vinh...
Như vậy, tiêu chuẩn nào để đánh giá vị trí quan trọng trong xã hội và tiêu chuẩn nào xác định vai trò quyết định trong chất lượng giáo dục và tiêu chuẩn nào xác định được xã hội tôn vinh..., đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc khi sử dụng những từ ngữ mà có tính định tính cao, cần thiết nên quy định cụ thể hơn các tiêu chuẩn về nhà giáo.
Hai, đối với mục tiêu giáo dục được thể hiện trong nội dung tại khoản 1 Điều 1. Tuy nhiên, tại khoản 7 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 27 về mục tiêu giáo dục phổ thông thì lại có nhiều ý trùng lắp. Thiết nghĩ, đối với mục tiêu của giáo dục phổ thông chỉ cần thể hiện rõ mục tiêu riêng có của cấp học này mà không cần lặp lại mục tiêu chung của giáo dục nữa.
Ba, tại khoản 3 Điều 1, về hệ thống giáo dục quốc dân, đề nghị thay từ "cần" thành từ "phải", tức là xác định chuẩn đầu ra cho hệ thống giáo dục quốc dân là yêu cầu phải đạt về phẩm chất và năng lực người học sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đề nghị cơ quan soạn thảo có xem xét để chỉnh sửa.
Bốn, tại khoản 4 Điều 1, về yêu cầu nội dung và phương pháp giáo dục, dự thảo nêu hai ý: Thứ nhất, yêu cầu về nội dung, nội dung giáo dục thì phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại.... Thứ hai, phương pháp giáo dục, trong nội dung về phương pháp giáo dục thì phương pháp giáo dục phải phát huy được tính tích cực, tự giác.
Đề nghị thể hiện lại phương pháp giáo dục cho phù hợp với nội hàm của phương pháp giáo dục, không phải là yêu cầu của giáo dục.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)