Đạt được mục đích, yêu cầu về nội dung lẫn hình thức
HỘI THI CÓ NHIỀU ĐIỂM MỚI
Căn cứ hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 11-10-2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành Kế hoạch 34 về việc tổ chức Hội thi Giảng viên lý luận chính trị (LLCT) giỏi cấp tỉnh năm 2018 (gọi tắt là Hội thi cấp tỉnh).
Theo đó, Thường trực cấp ủy các huyện, thành, thị đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị tổ chức hội thi cấp huyện; đồng thời, tuyển chọn 2 thí sinh (TS) có thành tích xuất sắc ở cấp mình tham gia Hội thi cấp tỉnh; có 9/11 đơn vị cấp huyện cử 18 TS tham gia.
Huyện Cai Lậy là 1 trong 9/11 đơn vị cấp huyện tổ chức Hội thi Giảng viên LLCT giỏi. Ảnh: Hồng Linh |
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu từ khâu xây dựng giáo án đến cách giảng bài sáng tạo và sinh động, tất cả 18 TS đã đem đến Hội thi cấp tỉnh những giờ hội giảng ấn tượng, dựa vào nội dung các chương trình bồi dưỡng công tác Đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở; chương trình lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác đoàn thể; các chuyên đề bồi dưỡng theo yêu cầu cấp ủy địa phương…
Mỗi TS đã có cách chuẩn bị đề cương, nội dung, hình thức trình bày theo đối tượng giảng của mình nhưng vẫn đảm bảo tính định hướng và yêu cầu bài giảng; thực hiện đầy đủ 3 nội dung theo quy định: Chuẩn bị đề cương, thuyết trình và trả lời ứng xử.
So với những hội thi cấp tỉnh trước đây, Hội thì lần này có nhiều điểm mới. Đó là, 18 TS của 9/11 đơn vị cấp huyện cử đi thi đã trải qua kỳ thi tuyển nghiêm túc ở cấp huyện; 2 đơn vị cấp huyện không tổ chức thi, chỉ đăng ký cử tuyển TS tham gia hội thi, căn cứ vào quy chế hội thi, Ban Tổ chức Hội thi cấp tỉnh đã không đưa vào danh sách dự thi.
Về chất lượng TS, phần đông TS là giảng viên kiêm chức của các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện, có nhiều kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, giảng dạy LLCT tại địa phương.
Trong phần thi thuyết trình (thi giảng), các TS đã truyền đạt đầy đủ, đúng nội dung; làm chủ kiến thức; nhiều nội dung giảng có phân tích, mở rộng, dẫn chứng minh họa phù hợp, có tính cập nhật tư liệu mới làm sâu sắc, phong phú bài giảng, tạo sự tập trung và thuyết phục người học, có liên hệ thực tiễn và có tính chiến đấu, phê phán các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, đảm bảo tính định hướng tư tưởng, đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra.
Mặt khác, hầu hết TS đều sử dụng khá nhuần nhuyễn các phương pháp như: Phương pháp thuyết trình, phát vấn, trực quan, nêu vấn đề, có tác phong, phong cách sư phạm, tự tin, ngôn ngữ mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu, lôi cuốn người học; quản lý tốt giờ giảng, bao quát lớp học, thu hút sự tập trung theo dõi, trao đổi, ra câu hỏi củng cố nhận thức, giúp học viên hiểu sâu bài học và đảm bảo đúng thời gian thi giảng.
Nhìn chung, Hội thi cấp tỉnh năm 2018 đã đảm bảo đạt được mục đích, yêu cầu về nội dung lẫn hình thức theo kế hoạch của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề ra. Đạt được những kết quả đó, trước hết là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự chủ động của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong việc xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch tổ chức Hội thi.
Các thành viên trong Ban Tổ chức Hội thi, Ban Giám khảo, Tổ Thư ký làm việc nhiệt tình, công tâm, khách quan, trách nhiệm, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.
Thường trực cấp ủy các huyện, thành, thị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Ban Tuyên giáo và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp mình thực hiện nghiêm túc việc tổ chức hội thi ở cấp huyện và xét chọn giảng viên tham gia Hội thi cấp tỉnh đảm bảo đúng đối tượng, thành phần theo quy định.
Các TS thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế của Ban Tổ chức Hội thi, thể hiện tinh thần giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.
Ban Tổ chức Hội thi đã trao giải Nhất cho TS. Đồng Thị Mười (huyện Cai Lậy); 2 giải Nhì cho TS. Lê Thị Cẩm Bình (TX. Gò Công) và TS. Võ Công Hạnh (TP. Mỹ Tho); 3 giải Ba cho các TS: Lê Thanh Cường (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Châu Thành), Võ Vạn Hạnh (Ban Chỉ huy Quân sự TX. Cai Lậy), Nguyễn Thị Xuân Ngọc (Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cai Lậy) và trao giải Khuyến khích cho 5 TS. |
MỘT SỐ HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC
Đó là, một số ít cấp ủy chưa thật sự quan tâm đến công tác giáo dục LLCT ở cơ sở, nhất là công tác chỉ đạo việc xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức Hội thi Giảng viên LLCT giỏi ở cấp huyện chậm so với kế hoạch, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; thậm chí có đơn vị không tổ chức hội thi, mà chỉ cử tuyển TS, ảnh hưởng đến số lượng TS tham gia Hội thi cấp tỉnh.
Một số TS còn lúng túng trong cách trình bày giáo án, chưa xác định đúng mục đích, yêu cầu và nội dung trọng tâm của bài giảng, nội dung còn dàn trải, chưa cân đối với từng tiểu mục, chưa chú trọng đến liên hệ thực tiễn.
Trong phần thi thuyết trình, vẫn còn một vài TS bộc lộ tâm lý lo lắng, thiếu tự tin, phát âm và dùng từ thiếu chuẩn xác, thiếu kỹ năng sư phạm, chưa đảm bảo yêu cầu về mặt thời gian. Trong phần thi trả lời câu hỏi, một số ít TS nghiên cứu tài liệu chưa kỹ nên lúng túng, trả lời chưa đi vào trọng tâm vấn đề hoặc chưa đầy đủ ý.
TS. NGUYỄN ÚT
Hội thi Giảng viên LLCT giỏi năm 2018 là dịp để đội ngũ giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giảng dạy, thúc đẩy việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy LLCT; cổ vũ, động viên và tạo phong trào thi đua sôi nổi trong giảng dạy LLCT, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đồng thời, qua Hội thi là dịp để đánh giá cụ thể, sát thực thực trạng đội ngũ giảng viên chuyên trách và kiêm chức cấp huyện hiện nay, để kịp thời tham mưu cấp ủy chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Trên cơ sở kết quả của hội thi, Ban Tuyên giáo các cấp tham mưu cấp ủy có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, góp phần tạo sự chuyển biến chất lượng và hiệu quả trong công tác giảng dạy LLCT hiện nay. |