Thứ Tư, 13/06/2018, 09:51 (GMT+7)
.

Người dân cần bình tĩnh và tin tưởng quyết định của Đảng và Nhà nước

Ngày 10-6, sau khi xuất hiện những lời kêu gọi biểu tình phản đối Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là Dự án Luật Đặc khu), một số người dân do bị kích động hoặc thiếu hiểu biết đã tham gia tuần hành, tụ tập trái phép ở một số địa phương, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

LỢI DỤNG DỰ ÁN LUẬT ĐẶC KHU ĐỂ CHỐNG PHÁ

Trước đó (ngày 9-6), Công an tỉnh Bình Dương tạm giữ Trần Minh Huệ (37 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) và Nguyễn Đình Thành (27 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) về hành vi in tài liệu, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình trái phép, gây rối an ninh trật tự. Thời điểm bị bắt quả tang, Huệ đang rải tờ rơi tại Khu công nghiệp Sóng Thần (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Cơ quan Công an đã thu giữ hàng ngàn tài liệu với nội dung kêu gọi người dân biểu tình, phản đối việc xem xét cho thuê đất làm đặc khu kinh tế.

Tại cơ quan An ninh điều tra, Huệ thừa nhận làm theo sự chỉ đạo của các tổ chức phản động ở nước ngoài, qua mạng xã hội và đã nhận thức được việc làm thiếu hiểu biết của mình. 

Ngày 10-6, đã xảy ra hiện tượng công nhân, người lao động ở một vài địa phương tụ tập tuần hành trái phép. Trước đó, Công an TP. Hồ Chí Minh cũng đã tạm giữ một số người có hành động căng băng-rôn, kích động, lôi kéo người dân tham gia biểu tình.

Ngày 11-6, nhiều người xuống đường gây náo loạn trước Công ty Pouyuen (quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) “yêu cầu bỏ Luật Đặc khu”. Tối 10-6, hàng trăm người quá khích đã tràn vào trụ sở UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận.

Họ tấn công lực lượng bảo vệ, đập phá, ném bom xăng, đốt một số xe máy, ô tô. Công an đã dùng vòi rồng, hơi cay để đẩy lùi những người quá khích nhưng bất thành.

Đỉnh điểm vụ việc, hàng ngàn người tràn vào bên trong trụ sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy gần cầu Nam đập phá, đốt cháy nhiều xe công vụ của lực lượng Công an và xe chữa cháy, chuyên dụng.

Đến rạng sáng 11-6, Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp cùng lực lượng hỗ trợ đã giải tán đám đông này, tạm giữ 102 người quá khích tham gia đập phá các trụ sở công quyền, công trình công cộng…

Theo dõi các sự việc trên và xâu chuỗi nhiều thông tin cho thấy, thời gian gần đây, lợi dụng việc Quốc hội đang thảo luận, xem xét thông qua Dự án Luật Đặc khu, các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, kích động để chống phá; thổi phồng một số vấn đề còn đang cần thảo luận, làm rõ, bổ sung, sửa đổi thành những nguy cơ, nhằm tạo ra các sự việc “có biến”, những điểm nóng phức tạp…

ĐẢNG, NHÀ NƯỚC LUÔNTÔN TRỌNG, LẮNG NGHE, TIẾP THU KỊP THỜI

Thời gian vừa qua, nổi lên một số vấn đề khiến dư luận xã hội nghi ngại, lo lắng xung quanh Dự án Luật Đặc khu.

Các ý kiến góp ý cũng như dư luận xã hội được lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe, tiếp thu và có sự điều chỉnh rất kịp thời, nhanh chóng.

Bên hành lang Quốc hội sáng 7-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời báo chí, cho biết nhận được rất nhiều tin nhắn, thư, điện thoại của các nhân sĩ trí thức, đại biểu Quốc hội (ĐBQH)… về vấn đề cho thuê đất 99 năm trong dự thảo luật, nhất là giới trí thức rất tâm tư.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ lắng nghe các ý kiến, lắng nghe một cách có trách nhiệm đối với các trí thức, nhân dân và các ĐBQH.

“Khi đưa ra dự án luật như vậy, rất nhiều bà con nhân dân, trí thức, Việt kiều đưa ra ý kiến. Tinh thần yêu nước như thế chúng ta rất hoan nghênh” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và khẳng định sẽ tiếp thu, lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh luật giúp đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng phát triển bền vững, bảo đảm độc lập, chủ quyền lãnh thổ của đất nước một cách lâu dài.

Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc điều chỉnh dự thảo luật về việc rút ngắn số năm cho thuê đất, không còn giữ mức 99 năm như dự thảo luật ban đầu.

“Tôi cũng xin nói rằng đây là đất thuê. Đất thuê đó thực hiện theo quy trình nào, hằng năm UBND trình HĐND giá thuê đất chứ không phải giao vĩnh viễn nhượng tô, nhượng địa như Hồng Kông, Ma Cao. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Rất tiếc nhiều người hiểu sai vấn đề này” - Thủ tướng nói.

Ngay sau đó (sáng 9-6), Văn phòng Chính phủ có thông cáo báo chí, cho biết: Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) việc trình Quốc hội xem xét lùi việc thông qua Dự án Luật Đặc khu từ Kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Việc đề nghị lùi thông qua dự án luật được thực hiện sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các ĐBQH, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước.

Cùng ngày, Văn phòng Quốc hội cũng có thông cáo, cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, các tầng lớp nhân dân và cử tri, UBTVQH đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự án luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm.

UBTVQH thống nhất với Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh thời gian thông qua dự án luật này từ Kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các vị ĐBQH, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm xây dựng thành công 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, giữ vững an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

UBTVQH cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chủ trì phối hợp với UBTVQH chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự thảo luật và hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết, đề án về thành lập các đặc khu, báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai tại các địa bàn dự kiến thành lập đặc khu, tích cực triển khai các công việc chuẩn bị về nguồn lực, điều kiện bảo đảm để khi luật và các nghị quyết được Quốc hội thông qua có thể thực hiện được ngay.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, làm rõ những vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm để tạo sự đồng thuận cao đối với các nội dung của dự thảo luật.

Đến sáng 11-6, 85,63% ĐBQH đã biểu quyết về việc điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua Dự án Luật Đặc khu sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, rút nội dung biểu quyết thông qua Dự án Luật và Nghị quyết về thi hành Luật này.

Trước khi bước vào phiên họp này, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đứng lên kêu gọi người dân bình tĩnh trước những thông tin tụ tập đông người tại một số địa phương ngày hôm qua (10-6).

Chủ tịch Quốc hội nói: Như chúng ta đã biết, trong ngày hôm qua, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng một bộ phận nhân dân tụ tập đông người gây ách tắc giao thông và có những việc làm quá khích gây ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân.

Qua đây chúng ta thấy việc Quốc hội, ĐBQH đang bàn ở hội trường này đã lan tỏa trong đời sống nhân dân. Chỉ đáng tiếc là một số người dân không hiểu đúng bản chất của sự việc, có sự ngộ nhận, hiểu lầm nên có những hành động quá khích, không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng.

Việc này đã gây ảnh hưởng tới trật tự trị an và như chúng ta đã theo dõi trên báo đài thì rất nhiều phản ứng từ người dân rất đáng lo.

Do đó, qua đây Quốc hội kêu gọi đồng bào, nhân dân cả nước hãy bình tĩnh và tin tưởng vào những quyết định của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là những dự án luật mà Quốc hội đang thảo luận. Quốc hội luôn luôn lắng nghe những ý kiến của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nói tiếp: Tất cả những ý kiến đóng góp đó, bản thân tôi cũng nhận được thư của một ĐBQH rất tâm huyết, rất có trách nhiệm. Tôi cho rằng, chúng ta có nhiều hình thức, và trong hành động phát ngôn của chúng ta, đừng tạo ra thêm bất kỳ sự ngộ nhận hiểu lầm nào nữa.

Sự ngộ nhận đó lan ra ngoài xã hội thì ảnh hưởng rất lớn đến tình hình của đất nước, chứ không phải chúng ta nói để được. Rất mong trong phiên họp sáng nay chúng ta phải dừng lại để tiếp tục lắng nghe ý kiến nhân dân.

Cũng xin báo cáo với Quốc hội để chúng ta thấy được trách nhiệm của Quốc hội, trách nhiệm của từng ĐBQH và từng cử tri khi bàn bạc nhận xét một quyết định mà Quốc hội đang làm việc”.

Qua những việc làm trên, có thể thấy Đảng, Nhà nước ta đã tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách hết sức nhanh chóng, kịp thời.

Tinh thần trọng dân, lắng nghe dân một lần nữa được khẳng định, hoàn toàn không phải như các thế lực thù địch kích động rằng “Đảng đã quyết, mọi chuyện đã rồi”.

Chắc chắn rằng, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ thảo luận kỹ lưỡng hơn, các dự án luật sẽ được xem xét chặt chẽ hơn, tiếp thu kịp thời ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân.

BÌNH TĨNH, TRÁNH BỊ LÔI KÉO, KÍCH ĐỘNG DẪN ĐẾN VI PHẠM PHÁP LUẬT

Khi mà Dự án Luật Đặc khu đã được lùi lại để bàn thảo cho kỹ càng, thì những ý kiến góp ý của nhân dân, những vướng mắc sẽ tiếp tục được làm rõ, giải quyết thỏa đáng.

Với chủ trương hợp lý như vậy đã được Quốc hội, Chính phủ thống nhất, thông báo kịp thời thì có lẽ việc tiếp tục tuần hành, tụ tập đông người, gây rối… là hết sức vô lý, không thể chấp nhận.

Chúng ta từng có những bài học đáng tiếc về các đợt tụ tập đông người, tuần hành gây rối, gây ra rất nhiều thiệt hại về kinh tế cũng như trật tự an toàn xã hội.

Rất nhiều công nhân, người lao động bị mất việc làm, hàng loạt công ty bị đập phá tài sản, trộm cắp, tê liệt hoạt động, rất nhiều người bị kích động sau đó đã bị tạm giam, hầu tòa; có cả người chết và bị thương từ những cuộc tuần hành biến thành ẩu đả…

Cho nên, qua sự việc trên, người dân một lần nữa cần hết sức cảnh giác, không mắc mưu các thế lực xấu lợi dụng tình cảm yêu nước chân chính của nhân dân để kích động các hoạt động tập trung đông người, gây mất trật tự công cộng, vi phạm pháp luật.

Lòng yêu nước phải dựa trên cơ sở có hiểu biết pháp luật, nắm vững được bản chất của vấn đề phản biện xã hội. Phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh, không để bị lợi dụng, kích động, vô hình trung vi phạm pháp luật, tiếp tay cho các thế lực xấu chống phá.

Mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao trách nhiệm chính trị - xã hội, nói không với việc tụ tập, tuần hành trái phép, thực hiện đúng quyền dân chủ, giám sát và phản biện xã hội theo đúng quy định của pháp luật; cảnh giác và nói không với những lời kêu gọi tuần hành, tụ tập từ mạng xã hội và những tờ rơi, thông tin trôi nổi, dẫn đến vi phạm pháp luật.

Với những đối tượng vi phạm pháp luật đã thực hiện các hành vi tán phát thông tin, kích động người dân, lôi kéo tụ tập, biểu tình, các cơ quan pháp luật cần sớm điều tra, làm rõ, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh từ gốc, không để tái diễn những kịch bản phá hoại phức tạp như chúng đã thực hiện trước đây.                          

  M.T (tổng hợp)
 

.
.
.