Trải nghiệm sống của những phóng viên trẻ
Được tác nghiệp trên Nhà giàn DK1, quần đảo Trường Sa - vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc - không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, mà còn là những trải nghiệm bổ ích, những dấu ấn khó phai trong lòng của mỗi nhà báo...
* VÕ MINH THÀNH (Báo Ấp Bắc): Kỷ niệm khó phai
Là phóng viên trẻ, ít kinh nghiệm “trận mạc”, được Ban Biên tập 2 lần cử đi tác nghiệp ở Nhà giàn DK1 và quần đảo Trường Sa là niềm vinh dự lớn của bản thân. 2 lần đó, tôi là phóng viên nhỏ tuổi nhất của đoàn công tác ra Trường Sa. Tác nghiệp nơi đầu sóng, ngọn gió, tôi được tận mắt chứng kiến, trải nghiệm cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây.
Phóng viên Võ Minh Thành đang tác nghiệp tại Nhà giàn DKI. |
Qua chuyến đi đã giúp tôi hiểu rõ hơn về sự cống hiến, hy sinh lớn lao của các anh bộ đội và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đó, giúp tôi trưởng thành hơn, càng thêm yêu quê hương, đất nước của mình và có trách nhiệm hơn đối với Tổ quốc. Những ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay, bữa cơm đầy tình thân nơi đây sẽ là những kỷ niệm khó phai trong tâm trí tôi. Tôi mong sẽ có dịp được trở lại Trường Sa, thăm Nhà giàn DK1 để tiếp tục truyền tải những hình ảnh, câu chuyện về cuộc sống của những người lính và bà con nơi đảo xa, góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước cho những người chưa có dịp đặt chân đến đây.
Phóng viên Cao Văn Minh Toàn (áo xanh) tác nghiệp tại Nhà giàn DKI. |
*CAO VĂN MINH TOÀN (Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang): Cảm thấy có trách nhiệm với đất nước hơn nữa.
Tôi may mắn hơn những anh em đồng nghiệp khác là được Ban Giám đốc đài giao nhiệm vụ tuyên truyền về biển, đảo quê hương, cùng với đoàn công tác đến thăm, tặng quà các cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 đang làm nhiệm vụ giữ gìn vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với nhà báo trẻ như tôi, đó không chỉ đơn thuần là một chuyến đi “tác nghiệp”, mà đây được xem như một thử thách để bản thân trải nghiệm thử thách và hiểu nhiều hơn về những khó khăn, vất vả của các anh bộ đội và bà con nơi đảo xa. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của mình, tự nhủ với lòng: “Sẽ ghi hình và viết sao cho hấp dẫn bạn nghe và xem đài, qua đó tác động bà con tỉnh nhà luôn hướng về các anh, ra sức xây dựng quê hương, để xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các anh...”.
Khi đoàn ra thăm các cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn vào dịp cận tết cổ truyền của dân tộc, cùng các anh đón tết sớm trong không khí ấm cúng, bình dị..., song vẫn đảm bảo trực 24/24 giờ, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để bà con đất liền an tâm vui xuân - đón tết, khiến mọi người trong đoàn hết sức cảm động, trân quý.
Sau chuyến đi, tôi đầu tư thực hiện các tác phẩm của mình sao cho hay để xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các anh, giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc sống của lính Nhà giàn để nâng cao trách nhiệm với quê hương, đất nước mình.
Phóng viên Phan Cao Thắng (bên trái). |
* PHAN CAO THẮNG (Báo Ấp Bắc): Cơ hội quý báu để học hỏi, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp
Tôi may mắn được tác nghiệp ở Nhà giàn DK1 và quần đảo Trường Sa vào đầu tháng 1-2017. Dù lúc ấy tôi chỉ mới vào nghề được gần 5 tháng, nhưng khi nghe Ban Biên tập thông báo có chuyến công tác ở Nhà giàn DK1 là tôi đăng ký tham gia, vì từ lâu tôi ao ước được ra thăm những người lính ngày đêm chắc tay súng để góp phần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Tôi xem đó là cơ hội để thử thách mình, vận dụng những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đã được học ở trường thực hiện tác phẩm của mình cho hay, hấp dẫn bạn đọc, góp phần tuyên truyền, cổ vũ lòng yêu nước trong nhân dân.
Do là lần đầu tiên đi biển, nên chuyến tác nghiệp của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trong 2 ngày đầu tiên, tôi dường như “bất tỉnh” do bị say sóng và tôi đã cố đu dây từ ca nô lên Nhà giàn DK1 để được gặp gỡ các anh bộ đội, bất chấp khó khăn, hiểm nguy. Điều làm tôi ấn tượng nhất chính là tình cảm, trách nhiệm của những người lính nhà giàn đối với Tổ quốc, đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, đến với nhà giàn, luôn chắc tay súng để góp phần giữ gìn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lần đầu tác nghiệp trong điều kiện sóng gió với một đề tài lớn; vả lại, các sự kiện, sự việc diễn ra liên tục, trong khi thời gian ở lại nhà giàn thì có hạn...; thế nên, để có được tác phẩm hay, bản thân đã chịu khó tiếp cận để học hỏi kinh nghiệm của anh chị đồng nghiệp các báo bạn và vận dụng những kiến thức đã học ở trường trong việc chọn những điểm nhấn của sự kiện, sự việc, sàng lọc các thông tin từ tư liệu, kỹ năng nắm bắt cảm xúc của người được phỏng vấn... để khai thác thông tin sâu hơn… Đây thực sự là một cơ hội quý báu để bản thân học hỏi thêm các kỹ năng nghề nghiệp từ những anh chị phóng viên đi trước.
P. MAI (tổng hợp)