Đến năm 2021, toàn tỉnh giảm tối thiểu 10% biên chế cán bộ, công chức
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị triển khai Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII (gọi tắt là Đề án 02), do Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức vào ngày 7-6.
Quang cảnh hội nghị. |
Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị của tỉnh được triển khai nhằm sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp theo hướng tinh gọn, giảm hợp lý đầu mối trực thuộc.
Mục tiêu đến năm 2021, toàn tỉnh giảm tối thiểu 10% biên chế cán bộ, công chức so với năm 2015; giảm mạnh về đầu mối, bình quân giảm ít nhất 10% đơn vị sự nghiệp công lập và giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015.
Tỉnh phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015.
Giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; phấn đấu có ít nhất 20% đơn vị tự chủ tài chính…
Tỉnh ủy đã đề ra nhiệm vụ cụ thể thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy, sáp nhập, giải thể cho từng cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh, lộ trình thực hiện ngay từ năm 2018.
Theo đó, tổng số tổ chức bộ máy giảm theo Đề án: Giảm 2 đơn vị cấp sở, ngành tỉnh; 86 đơn vị cấp phòng (tương đương); 80 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, khối Đảng, Mặt trận, các đoàn thể giảm 1 đơn vị cấp sở, ngành tỉnh, 25 đơn vị cấp phòng; khối Nhà nước giảm 1 đơn vị cấp sở, ngành tỉnh, 31 đơn vị cấp phòng trực thuộc sở, 19 phòng trực thuộc Chi cục và tương đương, 11 phòng thuộc UBND cấp huyện, 80 đơn vị sự nghiệp công lập.
Về tinh giản biên chế, tổng số biên chế giảm theo Đề án là 3.119 (đạt 10,44%). Trong đó, khối Đảng, Mặt trận, các đoàn thể là 121 (đạt 10,15%); khối Nhà nước là 2.998 (đạt 10,45%). Đối với cấp xã, ấp, khu phố, đến năm 2021 giảm được gần 50% so với hiện tại. Về kinh phí, tiết kiệm chi ngân sách hằng năm 254,76 tỷ đồng...
Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Danh đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc và xác định việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Do đó, các đơn vị cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về chủ trương này, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.
Lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương phải nhìn nhận việc sau khi sáp nhập thì hiệu lực, hiệu quả như thế nào; bố trí, sắp xếp việc làm cho cán bộ, công chức như thế nào cho phù hợp; làm sao giảm thiểu tối đa các trường hợp khiếu nại trong quá trình thực hiện Đề án.
Vì thế, việc triển khai thực hiện Đề án phải công khai, minh bạch. Việc thực hiện Đề án phải đi đôi với đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, bám sát các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7, khoá XII. UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời, nghiên cứu đề xuất ban hành chế độ chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức được giao thêm nhiệm vụ…
P. MAI