Một số vấn đề liên quan của dự án Luật được cử tri quan tâm
Lựa chọn xây dựng 3 đặc khu
Gần đây, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn tiếp tục thành lập thêm các đặc khu hoặc hoàn thiện các thể chế, chính sách áp dụng cho các đặc khu hiện có, như Trung Quốc (thành lập ĐKKT Tiền Hải (năm 2013), Hùng An (năm 2017) và bổ sung chính sách ĐKKT Hải Nam (tháng 5-2018); Thái Lan, Myanmar và Nhật Bản (năm 2015); thành phố quốc tế tự do Jeju Hàn Quốc (năm 2011). Riêng Ấn Độ hiện có 221 ĐKKT (đến tháng 9-2017). Vẫn có nhiều nước trên thế giới đang tiếp tục xây dựng các ĐKKT để phát triển thí điểm thể chế.
Xu thế phát triển của các đặc khu trên thế giới là nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đơn giản thủ tục hành chính, giải quyết nhanh, gọn yêu cầu của nhà đầu tư, người dân theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, trực tuyến trên mạng và tập trung thu hút các ngành công nghệ cao của các nước phát triển, nhất là phương Tây, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... và có giá trị gia tăng cao như công nghệ cao 4.0, công nghiệp sáng tạo, dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics, y tế, giáo dục chất lượng cao...
Dự án Luật cũng xác định 3 đặc khu phát triển theo mô hình này (trong đặc khu có khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, khu thương mại tự do và các khu chức năng khác) và trọng tâm ưu tiên phát triển các ngành, nghề có giá trị gia tăng cao theo xu hướng phát triển của thế giới nêu trên.
Lựa chọn xây dựng 3 đặc khu là thực hiện chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy định của Hiến pháp về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các Kết luận của Bộ Chính trị. 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được lựa chọn nằm trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp huyện và có diện tích không lớn (chiếm khoảng 0,55% diện tích đất liền của cả nước) nhưng có vị trí kết nối giao thông khu vực và quốc tế thuận lợi; có khả năng phát triển thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, hành khách quốc tế; có khả năng thu hút các dự án áp dụng khoa học công nghệ 4.0 đầu tư quy mô lớn, có khả năng tác động lan tỏa đến khu vực xung quanh.
Về vấn đề quốc phòng, an ninh và đảm bảo chủ quyền quốc gia
Dự án Luật cho phép lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài và cho phép nhà đầu tư được lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài tại tòa án nước ngoài.
Tuy nhiên, để bảo đảm chủ quyền, quyền và lợi ích của phía Việt Nam, dự án Luật quy định chặt chẽ việc áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế và việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài không được gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật và không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam và đặc biệt là chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
Các quy định tại Luật đã được nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý đảm bảo chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc phòng của đặc khu và của quốc gia. Đồng thời, một số nội dung của Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý chặt chẽ hơn như:
Về nội dung quy hoạch đặc khu: Phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh và có phương án phân bổ không gian cho hoạt động quốc phòng, an ninh (Điều 9).
Về quy định sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài: Để đảm bảo thận trọng, ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành của Luật Nhà ở 2014, dự án luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài không được sở hữu nhà ở tại khu vực an ninh, quốc phòng theo quy định đặc khu; thu hẹp đối tượng cá nhân người nước ngoài được quyền sở hữu (chỉ bao gồm nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia giỏi của thế giới) và sẽ quy định giới hạn tỷ lệ số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài có cùng một quốc tịch được sở hữu tại một chung cư, một khu vực hoặc tuyến phố để đảm bảo không hình thành những khu phố tập trung người nước ngoài có cùng quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống (Điều 34).
Về quản lý lao động nước ngoài: Chỉ quy định đặc thù về thời gian làm việc đối với đối tượng là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành. Chủ tịch UBND đặc khu quy định về tiêu chí cụ thể đối với lao động kỹ thuật là người nước ngoài, nhưng không thấp hơn tiêu chí theo quy định của pháp luật hiện hành và tỷ lệ hoặc số lượng tối đa lao động kỹ thuật là người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp thuộc đặc khu theo ngành nghề (Điều 46).
Về xây dựng các đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh: Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, từ đầu năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao và chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng các đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội trong các đặc khu.
Sau khi Luật được ban hành, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt các đề án này để đáp ứng yêu cầu triển khai thi hành Luật, nhằm đảm bảo vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước…
HOÀI THU (tổng hợp)