Giải trình làm rõ nhiều vấn đề dân sinh bức xúc
Tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ 3, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX, UBND và các sở, ngành tỉnh tiến hành phiên giải trình, thảo luận tại hội trường. Nhiều vấn đề dân sinh bức xúc đã được UBND, các sở, ngành tỉnh giải trình và đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ, đáp ứng được nguyện vọng của đại biểu và cử tri tỉnh nhà.
Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức, Phạm Anh Tuấn giải trình vấn đề dân sinh bức xúc. |
KHẨN TRƯƠNG RÀ SOÁT 9 HỒ SƠ THU HÚT BÁC SĨ
Xoay quanh vấn đề thu hút bác sĩ về công tác tại các cơ sở công lập theo Nghị quyết 23 ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ, thu hút bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 (gọi tắt là Nghị quyết 23), nhiều đại biểu cho rằng, tháng 11-2017, ngành Y tế nhận được 9 hồ sơ bác sĩ đề nghị được hưởng chính sách thu hút. Tuy nhiên, ngày 5-12-2017, Chính phủ ban hành Nghị định 140 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, có hiệu lực từ tháng 1-2018 (gọi tắt là Nghị định 140), nên UBND tỉnh có Công văn 815 yêu cầu ngừng thực hiện Quyết định 13 của UBND tỉnh quy định một số nội dung thực hiện Nghị quyết 23, vì lẽ đó 9 hồ sơ trên không được giải quyết. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết: Vì sao 9 hồ sơ trên có trước Nghị định 140 mà không được giải quyết, trong khi Nghị quyết 23 vẫn còn hiệu lực thi hành?
Giải trình về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức nhận trách nhiệm về việc 9 hồ sơ bác sĩ đề nghị hưởng chính sách thu hút chưa được giải quyết theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Y tế, các ngành hữu quan rà soát 9 hồ sơ trên và giải quyết theo Nghị quyết 23. Về giải pháp trong thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh Nghị quyết 23 theo hướng giữ lại các đối tượng thu hút, hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 23 nhưng không có quy định trong Nghị định 140. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế liên kết với các Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Phạm Ngọc Thạch cùng nghiên cứu, tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế để xin chỉ tiêu đào tạo riêng cho Tiền Giang mỗi năm từ 50 đến 100 bác sĩ theo diện đào tạo theo địa chỉ, nhằm bổ sung nguồn nhân lực cho tỉnh nhà.
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Mẫn giải trình. |
CẨN TRỌNG PHÁT TRIỂN CÂY SẦU RIÊNG
Ngày 1-3-2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) ban hành Công văn 507 cho phép khu vực TX. Cai Lậy được chuyển đổi từ lúa lên vườn trồng cây ăn trái. Nhiều đại biểu yêu cầu giải trình Công văn 507 của Sở NN-PTNT có phù hợp với Quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh không?
Để làm rõ thắc mắc của đại biểu, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho rằng: Theo đề nghị của UBND TX. Cai Lậy về việc cho ý kiến định hướng mở rộng vùng trồng cây ăn trái phía Bắc Quốc lộ 1A của thị xã, Sở NN-PTNT đã có khảo sát thực tế địa bàn này và có Công văn 507 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là phù hợp với định hướng chuyển đổi chung và mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cũng như Quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái tỉnh Tiền Giang đến năm 2020. Nội dung Công văn 507 xác định các xã, phường phía Bắc Quốc lộ 1A của TX. Cai Lậy chỉ phát triển các loại cây ăn trái có khả năng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng vùng này (đất phù sa, đất phù sa đã phân hóa phẩu diện, đất phèn hoạt động sâu và đất phèn tiềm tàng hoạt động sâu). Đồng thời, cũng khẳng định rằng, đối với cây sầu riêng, cần cẩn trọng phát triển tại vùng này.
Trong thời gian tới, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hỉệu quả, Sở NN-PTNT đã đề ra các giải pháp: Tiếp tục thông tin, công bố quy hoạch vùng trồng, tính thích nghi của các loại cây trồng theo từng vùng sinh thái. Đầu tư hoàn thiện hệ thống đê bao, cống đập, đường giao thông đảm bảo ngăn mặn, triều cường, thoát lũ... tại các vùng chuyên canh. Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật để sản xuất thuận tiện, hỗ trợ cơ giới hóa và sản xuất với quy mô lớn. Ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, khuyến khích sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), từng bước ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Tổ chức lại sản xuất, hình thành các liên kết ngang, phát triển các liên kết dọc, kết nối sản xuất, tiêu thụ, phát triển chuỗi giá trị bền vững. Củng cố thị trường hiện có, mở rộng thị trường tiềm năng. Mời gọi đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến rau qụả trên địa bàn tỉnh...
NHIỀU GIẢI PHÁP XỬ LÝ CÁC ĐIỂM SẠT LỞ NGHIÊM TRỌNG
Liên quan đến tình hình sạt lở khá nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đại biểu đề nghị UBND tỉnh đánh giá tình trạng sạt lở và cho biết các giải pháp khắc phục, giải pháp phòng ngừa, hạn chế tác hại đối với các điểm có khả năng sạt lở trong thời gian tới.
Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết: Thời gian qua, tình trạng sạt lở gia tăng nhanh cả về số lượng và mức độ. Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Tiền Giang, mà là tình trạng chung của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Riêng tại tỉnh Tiền Giang, năm 2017 và 6 tháng đầu năm nay đã có khoảng 150 điểm sạt lở bờ kinh, rạch với tổng chiều dài trên 11.000 m; diện tích đất ven biển bị mất trên 1.300 ha, cộng với tốc độ sạt lở nhanh tại khu vực ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông và tại khu vực cồn Ngang, khu vực ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông với chiều dài sạt lở 6 km và chiều rộng bị sạt bình quân khoảng 350 m, tổng diện tích bị sạt lở khoảng 211 ha.
Trước tình hình trên, tỉnh đã cùng các địa phương tập trung nhiều giải pháp khắc phục. Cụ thể, về giải pháp công trình kè gia cố bằng bê tông, trong năm 2017 đã thực hiện kè 114 điểm sạt lở bờ sông, kinh, rạch với tổng chiều dài 8.965 m, tổng kinh phí đã chi để xử lý trên 50 tỷ đồng; trong đó, tỉnh hỗ trợ xử lý 28 điểm, với kinh phí 29,691 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện 36 điểm sạt lở bờ sông, kinh, rạch với tổng chiều dài 5.280 m, ước tổng kinh phí xử lý 32,3 tỷ đồng; trong đó, tỉnh đã hỗ trợ huyện thực hiện 14 điểm với kinh phí ước tỉnh 19,96 tỷ đồng; cho xử lý tạm thời bằng giải pháp kè mềm đê biển với chiều dài 1.500 m từ Khu du lịch Vạn An đến Ban Quản lý Cồn Bãi với kinh phí khoảng 14,09 tỷ đồng; xử lý sạt lở cồn Ngang, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông dài 600 m, kinh phí 7,23 tỷ đồng.
Ngoài kinh phí của địa phương, tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn Trung ương, vốn tài trợ ODA để đầu tư khắc phục đối với các điểm sạt lở lớn vượt quá khả năng cân đối kinh phí xử lý của tỉnh như: Thực hiện kè mái đê biển với số vốn 236,80 tỷ đồng; công trình gây bồi, tạo bãi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Gò Công với số tiền 56,22 tỷ đồng; xử lý sạt lở Tây Ba Rài với kinh phí 33 tỷ đồng; Tiểu dự án Kiểm soát và giảm rủi ro do vùng lũ Ba Rài - Phú An với kinh phí 365,52 tỷ đồng; Tiểu dự án Nâng cấp hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn vùng Gò Công với kinh phí 157,87 tỷ đồng; Dự án Thuộc Nhiêu - Mỹ Long với kinh phí 206 tỷ đồng và 4 công trình được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ năm 2018 với tổng kinh phí thực hiện 130 tỷ đồng...
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở NN-PTNT cùng các ngành có liên quan và địa phương thường xuyên thực hiện công tác rà soát, dự báo tình hình sạt lở các tuyến đê biển, đê sông, kinh, rạch để có các biện pháp gia cố khẩn cấp, cũng như lập kế hoạch xử lý kịp thời. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã khuyến cáo người dân không xây dựng nhà ở, công trình hạ tầng quá gần bờ sông; xử lý các công trình lấn chiếm lòng sông, kinh, rạch làm co hẹp, chuyển hướng dòng chảy. Chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải tăng cường kiểm soát giao thông thủy…
HOÀI THU - PHƯƠNG MAI (thực hiện)