Thứ Năm, 12/07/2018, 21:57 (GMT+7)
.
KỲ HỌP THỨ 6 HĐND TỈNH KHÓA IX:

"Nóng" về Chỉ số cải cách hành chính

Chiều 12-7, Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa IX diễn ra phiên giải trình tại hội trường nhiều vấn đề bức xúc được đại biểu đặt ra. Trong đó, 2 vấn đề về cải thiện Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) và việc khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở được nhiều đại biểu quan tâm.

* Tập trung cải thiện Chỉ số CCHC

Tại phiên giải trình, đại biểu đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh cho biết vì sao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 được cải thiện hơn các năm trước nhưng Chỉ số CCHC của tỉnh bị tụt hạng?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức giải trình: Chỉ số PAPI (đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương, giúp các cấp chính quyền địa phương có những căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác phục vụ người dân tốt hơn.

Chỉ số PAPI bổ sung thông tin, dữ liệu cho những công cụ “tự đánh giá” hiện có của các cấp/ngành/địa phương bằng việc áp dụng phương pháp tổng hợp ý kiến đánh giá dựa trên trải nghiệm của người dân, lấy người dân là trung tâm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trần Thanh Đức phát biểu tại hội trường
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức phát biểu tại hội trường.

Qua điều tra xã hội học, năm 2017, Tiền Giang xếp hạng 45, năm 2016 xếp hạng 23, năm 2015 xếp hạng 51… Do đối tượng điều tra được chọn ngẫu nhiên, nên tính ổn định của kết quả điều tra chưa cao, chưa phù hợp với thực tế của địa phương. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giảm của chỉ số này qua từng năm (đối với các tỉnh, thành khác cũng có tình trạng tương tự).

giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chợ Gạo
Giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chợ Gạo.

Trên thực tế, các Chỉ số CCHC đạt kết quả tốt lại tương đồng với các chỉ số được đánh giá cao trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Vì vậy, việc Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 được cải thiện hơn các năm trước và việc Chỉ số CCHC của tỉnh bị tụt hạng không mâu thuẫn nhau.

Tuy nhiên, so với nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì xếp hạng của Tiền Giang về Chỉ số CCHC vẫn còn thấp. 

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp để cải thiện Chỉ số CCHC của tỉnh như: Tổ chức hội thảo, tập huấn về PAPI và CCHC cho toàn hệ thống chính trị trong năm 2018.

UBND tỉnh sẽ ban hành Kế hoạch nâng cao Chỉ số CCHC tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, tỉnh xác định rõ những điểm mạnh cũng như những hạn chế, yếu kém trong công tác CCHC của tỉnh; đồng thời, đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục, đảm bảo triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra; gắn việc thực hiện chỉ số với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, các cấp.

Tỉnh tiếp tục thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến và thông qua hệ thống bưu điện; tập trung đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính thông qua việc ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin và các phần mềm về dịch vụ công.

Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành có kế hoạch cải thiện và nâng cao các chỉ số còn thấp, các chỉ số tăng nhẹ để cải thiện vị trí xếp hạng so với các tỉnh, thành.

* Giải pháp sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở

Thực tế hiện nay, số thiết chế văn hóa ở cơ sở được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng việc khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa này còn hạn chế, nhất là Nhà văn hóa và các Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVH-TT) cấp xã hiện nay chủ yếu là hội họp. Nhiều đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp để sử dụng hiệu quả các Nhà văn hóa và TTVH-TT cấp xã trong thời gian tới.

Thay mặt UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Đảm giải trình: Thực tế, thời gian qua hoạt động của các Nhà văn hóa và TTVH-TT cấp xã còn hạn chế.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, TTVH-TT, Nhà văn hóa cơ sở không phải đơn vị sự nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nên không thể cho thuê tài sản nhà nước để tạo nguồn thu phục vụ cho hoạt động và công tác quản lý.

Chính vì vậy, không thể chi trả cho lực lượng cộng tác viên, nên Nhà văn hóa và TTVH-TT cấp xã luôn trong tình trạng thiếu người quản lý và gây dựng phong trào.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Đảm giải trình tại hội trường
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Đảm giải trình tại hội trường.

Để Nhà văn hóa và TTVH-TT cấp xã hoạt động hiệu quả, tỉnh đã đề ra một số giải pháp: Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với các ngành, các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nhân sự, kinh phí và trang thiết bị cho các Nhà văn hóa và TTVH-TT ở cơ sở.

Đồng thời, Trung tâm Văn hóa tỉnh, huyện, thành phố, thị xã tăng cường hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ cho các TTVH-TT cấp xã. Ngành tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn, nắm bắt kịp thời các văn bản định hướng chỉ đạo của cấp trên.

Hàng năm, ngành phối hợp các ngành, các địa phương tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn và hội thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân; đồng thời, thường xuyên mở các lớp năng khiếu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh.

Nhà văn hóa ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho)
Nhà văn hóa ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho).

Cùng với đó là thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích như: Âm nhạc, nhiếp ảnh, thơ, thư pháp, ảo thuật, mỹ thuật, đàn hát dân ca, hát ru, đờn ca tài tử, thời trang, dẫn chương trình, kịch nói, khiêu vũ, hoa kiểng, múa lân, dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu, thể dục thẩm mỹ, hiphop, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, võ thuật, bóng bàn, quần vợt, bóng đá mini…

Bên cạnh đó là xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động phù hợp với phần kinh phí được giao và yêu cầu của địa phương; khai thác các hoạt động của Nhà văn hóa và TTVH-TT theo hướng xã hội hóa đầu tư vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

HOÀI THU - PHƯƠNG MAI

.
.
.