Thứ Ba, 10/07/2018, 21:09 (GMT+7)
.
Kỳ họp thứ 6 – HĐND tỉnh khóa IX:

UBND tỉnh Tiền Giang trình và giải trình nhiều vấn đề gắn với thực tiễn

Chiều 10-7, Kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa IX tiếp tục làm việc với các nội dung về tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và cả năm 2018; xem xét nội dung của các tờ trình do UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Theo đánh giá của nhiều đại biểu HĐND tỉnh, tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh trình 21 Tờ trình kèm theo dự thảo Nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng. Việc ban hành các nghị quyết này không những góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, mà còn tạo niềm tin đối với cử tri tỉnh nhà. 

* Chi hỗ trợ kinh phí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Nhằm tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UB MTTQ) cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tại kỳ họp HĐND lần này, UBND tỉnh có Tờ trình 152 về việc ban hành Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ kinh phí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đối với UB MTTQ cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Nghị quyết này quy định đối tượng áp dụng là UB MTTQ Việt Nam cấp xã, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; UBND các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã). Quy định cụ thể mức chi như sau: Đối với UB MTTQ Việt Nam cấp xã: Kinh phí đảm bảo thực hiện Cuộc vận động của UB MTTQ Việt Nam cấp xã là 20 triệu đồng/năm/xã.

Đối với các xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định số 131 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 (và cập nhật theo quy định hiện hành nếu có) là 25 triệu đồng/năm/xã.

Nhiều tuyến đường nông thôn Xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) khang trang từ khi ra mắt xã nông thôn mới
Nhiều tuyến đường nông thôn xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) khang trang, sạch đẹp từ phong trào xây dựng nông thôn mới.

Đối với Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực hiện Cuộc vận động và các phong trào được phát động ở địa phương: Khu dân cư có quy mô dân số dưới 700 hộ dân: 5 triệu đồng/năm/khu dân cư; khu dân cư có quy mô dân số cứ tăng thêm 200 hộ dân thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/năm/khu dân cư.

Đối với các khu dân cư của các xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định số 131 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 (và cập nhật theo quy định hiện hành nếu có), ngoài mức hỗ trợ theo quy định trên thì được bố trí thêm 1 triệu đồng/năm/khu dân cư.

Về nguồn kinh phí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đối với UB MTTQ Việt Nam cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư được bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm của UBND cấp xã theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Theo dự thảo Nghị quyết, Nghị quyết khi được thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.

* Hỗ trợ thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông

Từ năm 2010 đến nay, do ảnh hưởng của hạn, mặn, đã có hơn 6.938 ha lúa, hơn 2.720 ha nghêu, 128 ha cây ăn trái và 718 ha rau màu bị thiệt hại. Chỉ tính riêng năm 2016, đã có 5.009 ha lúa, 128 ha cây ăn trái và 718 ha rau màu bị thiệt hại. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 105 tỷ đồng.

Theo dự báo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2030 mực nước biển dâng cao hơn và mặn xâm nhập sâu hơn, sẽ tác động mạnh mẽ đến hệ thống đê biển ở vùng ngọt hóa Gò Công và tiếp tục gây bất lợi đến hệ thống canh tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của cư dân trong vùng.

Chuyển đổi trồng rau màu ở xã phía đồng huyện Chợ Gạo
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ góp phần tăng thu nhập cho nông dân ở các huyện phía Đông.

Trước tình hình và dự báo trên, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”.

Để thực hiện được mục tiêu mà đề án đã đặt ra, một trong các giải pháp là cần phải có chính sách hỗ trợ thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025. Từ đó, UBND tỉnh có Tờ trình 160 về việc thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025.

nông dân có thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng
Khi thông qua Nghị quyết, nông dân có thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng sẽ được hỗ trợ tiền từ nguồn ngân sách tỉnh.

Dự thảo Nghị quyết quy định áp dụng cho nông dân có thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng; các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan đến chính sách hỗ trợ thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, TX. Gò Công và phía Đông kinh Chợ Gạo thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025.

Cụ thể mức hỗ trợ như sau: Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm cho nông dân thực hiện cắt vụ lúa thu đông, chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm, thời gian còn lại để đất trống. Hỗ trợ một lần với mức 3 triệu đồng/ha, cho nông dân thực hiện cắt vụ lúa thu đông, chuyển sang trồng màu (luân canh lúa - màu) hoặc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng (chuyên màu, trồng cây ăn trái, trồng cỏ chăn nuôi). Chính sách hỗ trợ này không áp dụng đối với việc chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô.

Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và thời gian hỗ trợ từ ngày 1-8-2018.

* Điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2018

Tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Danh đặt vấn đề với UBND tỉnh liên quan đến tình hình tăng trưởng kinh tế tỉnh Tiền Giang năm 2018. Cụ thể, tuy nhiều chỉ tiêu về kinh tế thực hiện không đạt mức 50% so kế hoạch năm đề ra, nhưng đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2017.

Riêng về tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2018 chỉ tăng 7,23%, trong khi 6 tháng đầu năm 2017 đạt 9,56%, cuối năm 2017 đạt 9%; chỉ tiêu đề ra cuối năm 2018 là 9 - 9,5%, vì sao lại có sự tính toán sai số như thế? Do cách tính của cơ quan Trung ương hay do báo cáo không sát của ngành thống kê tỉnh? Đề nghị UBND tỉnh giải trình để đại biểu được biết.

sản xuất công nghiệp cũng giảm nhịp độ tăng trưởng (6 tháng 2018 tăng 15,3%, cùng kỳ là 18,4%),

 

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 giảm nhịp độ tăng trưởng (6 tháng đầu năm 2018 tăng 15,3%, cùng kỳ là 18,4%), đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh chưa đạt như kỳ vọng.

Giải trình về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa cho biết: Hiện nay, theo số liệu được Tổng cục Thống kê ước tính 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh Tiền Giang đạt 29.356 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng trưởng 7,23%, thấp hơn 1 % so cùng kỳ năm 2017 (số liệu Tổng cục Thống kê sau này có điều chỉnh tăng trưởng của Tiền Giang 6 tháng đầu năm 2017 là 8,2%, không phải là 9,56%).

Theo báo cáo của Cục Thống kê, nguyên nhân tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018 giảm nhịp độ là do lĩnh vực nông nghiệp chỉ tăng 3%, thấp hơn cùng kỳ 1,8% (cùng kỳ tăng 4,8%). Mặc dù 6 tháng đầu năm nay ngành trồng trọt đạt tăng trưởng khá (4,2%) nhưng sự sụt giảm trong lĩnh vực chăn nuôi đã kéo giảm nhịp độ tăng trưởng khu vực I.

Ngoài ra, sản xuất công nghiệp cũng giảm nhịp độ tăng trưởng, trong đó ngành chế biến thủy sản do khan hiếm nguyên liệu đầu vào, giá cá tra tăng cao... Trong lĩnh vực xây dựng, 6 tháng đầu năm 2018 chỉ tăng 3%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 6,6%...

Như vậy, từ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 7,23%, dự báo việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2018 từ 9 - 9,5% là rất khó thực hiện.

Mặc dù theo đánh giá của UBND tỉnh, số liệu tăng trưởng GRDP do Tổng cục Thống kê ước tính chưa phản ánh hết tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và việc chênh lệch giảm lớn này là do phương pháp nghiệp vụ thống kê tính toán, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2018, nhưng theo quy định từ năm 2018 trở đi, số liệu tăng trưởng GRDP của tỉnh sẽ do Tổng cục Thống kê công bố và sử dụng số liệu này để đánh giá, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Từ tình hình trên, UBND tỉnh có Tờ trình số 190 về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2018 trình HĐND tỉnh xem xét, cho điều chỉnh 2 chỉ tiêu: Chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, tăng trưởng chung và tăng trưởng của 3 khu vực) và chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người được điều chỉnh theo hướng giảm xuống so với Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 8-12-2017 của HĐND tỉnh.

Cụ thể như sau: Về tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn: Chỉ tiêu Nghị quyết đề ra từ 9 - 9,5%, đề nghị điều chỉnh còn từ 7 - 7,5% (trong đó, 6 tháng đầu năm tăng 7,23%, 6 tháng cuối năm phấn đấu tăng trưởng 6,8 - 7,7%).

Trên cơ sở đó, từng khu vực tăng trưởng cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Chỉ tiêu Nghị quyết đề ra từ 4 - 4,5%, đề nghị điều chỉnh còn từ 2,5 - 2,9%.  Khu vực công nghiệp - xây dựng: Chỉ tiêu Nghị quyết đề ra từ 17,2 - 17,5%, đề nghị điều chỉnh còn từ 14 - 14,7%. Khu vực dịch vụ (kể cả thuế sản phẩm): Chỉ tiêu Nghị quyết đề ra từ 7,2 - 7,8%, đề nghị điều chỉnh còn từ 5,6 - 6%.

Về GRDP bình quân đầu người: Kế hoạch GRDP bình quân đầu người được Nghị quyết đề ra đạt từ 48 - 48,2 triệu đồng, do điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng nêu trên, đề nghị điều chỉnh GRDP bình quân đầu người đạt từ 47,3 - 47,5 triệu đồng.

HOÀI THU - PHƯƠNG MAI

.
.
.