Thứ Tư, 11/07/2018, 22:02 (GMT+7)
.
PHIÊN THẢO LUẬN TỔ, KỲ HỌP THỨ 6 HĐND TỈNH KHÓA IX

Cần có biện pháp mạnh ngăn chặn "tín dụng đen"

Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh khóa IX đã diễn ra phiên thảo luận sôi nổi với nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, nổi bật là vấn đề tình hình trật tự an toàn xã hội diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là tội phạm ma túy gia tăng; khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 23 thu hút bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế công lập, cũng như nhiều vấn đề an sinh xã hội đã được đại biểu đặt ra… 

* Nổi lên 2 loại tội phạm cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê

Tại phiên thảo luận chiều ngày 11-7, nhiều đại biểu đặt vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Trong đó, đại biểu nhấn mạnh, tình hình an ninh trật tự (ANTT), tội phạm ma túy ngày càng tăng và gần đây nổi lên 2 loại tội phạm là cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê khiến dự luận quan tâm, cử tri lo lắng. Đại biểu đề nghị ngành chức năng cho biết những giải pháp kiềm chế các loại tội phạm trong thời gian tới.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng trân trọng cài huy hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng lên ngực áo Bà Mẹ vừa được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu cao quý.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Sáng phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Sáng phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an Tiền Giang cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đấu tranh, làm giảm được tội phạm nhưng chưa bền vững.

Tình hình tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do các băng nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí thanh toán nhau; trộm cắp tài sản có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, nhân dân chưa yên tâm. Đặc biệt gần đây, trên địa bàn phát triển 2 loại tội phạm là cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê khiến nhân dân lo lắng.

Ngành Công an đã đề ra các giải pháp cụ thể để đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, ngành đã đưa ra các giải pháp cụ thể về mặt nghiệp vụ chuyên môn để ngăn ngừa và xử lý đối với 2 loại tội phạm mới nổi lên gần đây là tội phạm cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.

đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu về tình hình ANTT tại phiên thảo luận tổ
Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu về tình hình ANTT tại phiên thảo luận tổ.

Bên cạnh đó, để đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cần phát huy tối đa vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thực tế cho thấy nơi nào phong trào mạnh thì tội phạm giảm mạnh cho nên cần ưu tiên chú trọng công tác này.

Song song đó, đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng cụ thể để người dân chủ động phòng ngừa các đối tượng hoạt động "tín dụng đen"; phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an với các ngành, đoàn thể chủ động trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm và quản lý người vi phạm pháp luật tại địa phương.

Cùng với đó là cần xem giải pháp phòng ngừa xã hội là giải pháp cơ bản, lâu dài phải thường xuyên, liên tục, đánh giá lại một cách chính xác phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, khuyến khích nhân dân mạnh dạn trong tố giác tội phạm; Công an xã phải nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong công tác; chủ động mở nhiều cao điểm phòng ngừa, giải quyết từ khi mâu thuẫn ở cơ sở… góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

* Khó khăn trong việc thu hút bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế công lập

  Xoay quanh vấn đề khó khăn trong thực hiện Nghị quyết số 23/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ, thu hút bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, có hiệu lực vào ngày 1-6-2017 (gọi tắt là Nghị quyết 23).

Tại phiên thảo luận tổ, Đại biểu Tạ Văn Trầm và Đại biểu Trần Kim Trát cho rằng Nghị quyết 23 khó thực hiện, đề nghị HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết 23.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang khám bệnh cho người dân

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang khám bệnh cho người dân.

Đại biểu Tạ Văn Trầm cho biết, từ khi triển khai Nghị quyết 23, Sở Y tế đã nhận được 9 hồ sơ bác sĩ đề nghị hưởng chính sách thu hút.

Tuy nhiên, khi tiến hành thủ tục cho 9 bác sĩ này hưởng chính sách thu hút thì vướng vào Nghị định 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, có hiệu lực vào tháng 1-2018 (gọi tắt là Nghị định 140).

Theo đó, Nghị định 140 quy định đối tượng sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Y loại xuất sắc mới đáp ứng yêu cầu được hưởng chính sách thu hút. Vì thế mà chưa có hồ sơ nào được xét, phê duyệt theo chính sách hỗ trợ thu hút của Nghị quyết 23. 

Ngoài ra, Đại biểu Tạ Văn Trầm cho biết thêm, hiện nay, bác sĩ được đào tạo trung bình từ 6-8 năm mới ra hành nghề được, mà số lượng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc rất ít, hầu hết những em này đều được giữ lại trường làm việc.

Mặt khác, hiện nay bệnh viện tư nhân “mọc lên” ngày càng nhiều với nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn nên thu hút phần lớn các bác sĩ. Do đó, hầu như không thu hút được đội ngũ bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế công lập. Đại biểu Tạ Văn Trầm cũng đề xuất giải pháp: Một là các cơ sở y tế tự dành 1 phần kinh phí để hỗ trợ các bác sĩ nhằm thu hút bác sĩ về công tác.

Hai là: Để tự chủ về nguồn lực bác sĩ, Tiền Giang rất cần đầu tư xây dựng Trường Đại học Y dược để tự tuyển sinh và đào tạo. Để làm được điều này, Sở Y tế cần có giải pháp cụ thể bảo vệ thành công Đề án thành lập Trường Đại học Y dược tại Tiền Giang nhằm đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

* Nhiều vấn đề an sinh xã hội được thảo luận sôi nổi

Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá và làm rõ nhiều vấn đề dân sinh, các kiến nghị của cử tri trong thời gian qua.

Cụ thể, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, tiếp thu các kiến nghị phản ánh của đại biểu và cử tri, UBND tỉnh đã có nhiều động thái chỉ đạo thiết thực việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ở nông thôn, mà gần đây nhất là UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị bàn giải pháp đảm bảo tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn.

Hội nghị đánh giá có 131 trạm cấp nước có chất lượng nước không đúng quy chuẩn; 57 trạm hoạt động yếu kém và đã có dự kiến các giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên, hiện nay một số nơi vẫn còn khó khăn trong việc được sử dụng nước sạch như: xã Mỹ Phước Tây, xã Mỹ Đức Tây, xã Tân Thanh…  Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Văn Phước Cường ý kiến: Tình hình cung cấp nước sạch ở nông thôn còn hạn chế, một số nơi đến nay vẫn chưa có nguồn nước sạch sử dụng, chất lượng các cây nước chưa đảm bảo, đề nghị UBND tỉnh, ngành chức năng sớm tháo gỡ khó khăn, đưa nguồn nước sạch về phục vụ nhân dân, đáp ứng nguyện vọng cử tri tỉnh nhà.

Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Đại biểu Nguyễn Văn Phước Cường cho rằng đây là vấn đề đông đảo cử tri quan tâm, liên quan hằng ngày đến đời sống của người dân. Trong thời gian tới, đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm các địa phương cần tăng cường chức năng quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Cùng với đó là vận động toàn dân tham gia, tạo dư luận xã hội đối với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó góp phần đảm bảo, nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Liên quan đến hoạt động của Trung tâm Văn hóa -  Thể thao ở các xã nông thôn mới, đại biểu Trần Kim Trát có ý kiến: Các Trung tâm Văn hóa -  Thể thao có đầy đủ chức năng nhưng chưa được khai thác đúng mức, vì thế UBND tỉnh, các ngành hữu quan cần rà soát lại điều kiện thực tế ở từng địa phương, Trung tâm Văn hóa -  Thể thao nào hoạt động hiệu quả, Trung tâm Văn hóa -  Thể thao nào chưa hiệu quả để có giải pháp phù hợp tránh gây lãng phí.

Nhiều Trung tâm văn hóa - Thể thao xã trên địa bnaf tỉnh hoạt động chưa hết công năng
Nhiều Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa hết công năng.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng có ý kiến đóng góp các vấn đề an sinh xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân như: Tiến độ thực hiện chủ trương sáp nhập các hợp tác xã nước sạch nông thôn; thông tin tiến độ thi công Bệnh viện Đa khoa tỉnh để người dân biết, vì hiện tại đã khởi công nhưng chưa thi công; tình trạng cất nhà lấn chiếm kinh, rạch hiện nay quản lý, giải quyết ra sao; vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa cải thiện; giải pháp xử lý các phương tiện quá tải ngang nhiên lưu thông trên các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ.

Đối với các xã nông thôn mới cần rà soát lại các tiêu chí để nâng chất; cần có giải pháp để nuôi chim yến không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân về tiếng ồn, cũng như nguy cơ dịch bệnh; khắc phục sạt lở ở các địa phương…

HOÀI THU – PHƯƠNG MAI

 

.
.
.