Thứ Tư, 11/07/2018, 06:23 (GMT+7)
.
UBND TỈNH:

Ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 1743 về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Những việc CB-CC-VC phải làm khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ

Thực hiện đầy đủ và đúng các quy định về nghĩa vụ của CB-CC-VC được quy định tại Luật Cán bộ, công chức 2008 và Luật Viên chức 2010.

Tiếp nhận, giải quyết các công việc theo thẩm quyền, trách nhiệm được giao bảo đảm đúng quy trình, đúng thời gian quy định; trường hợp phải kéo dài quá thời gian quy định thì phải giải thích rõ lý do và thông báo công khai cho cơ quan, đơn vị và công dân biết.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh đúng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, công dân và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình theo quy định của pháp luật.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khả năng của cấp dưới để có phương pháp quản lý, điều hành, bố trí sắp xếp, giao nhiệm vụ phù hợp, nhằm phát huy khả năng, kinh nghiệm, tính sáng tạo, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ; phát huy dân chủ; tôn trọng, bảo vệ danh dự cho cấp dưới khi bị phản ánh, tố cáo không đúng sự thật.

CB-CC-VC khi thực thi nhiệm vụ phải tôn trọng lãnh đạo, quản lý các cấp, phục tùng cấp trên, chấp hành nhiệm vụ được giao, phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm và có trách nhiệm đóng góp ý kiến trong hoạt động, điều hành của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Những việc CB-CC-VC không được làm khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ

Không được hối lộ, nhận hối lộ hoặc gợi ý hối lộ dưới mọi hình thức; không được mạo danh để giải quyết công việc; không lợi dụng danh nghĩa cơ quan, mượn danh thủ trưởng cơ quan, đơn vị giải quyết công việc của cá nhân.

Không được làm sai lệch hồ sơ, tài liệu liên quan đến yêu cầu của cơ quan, đơn vị, tổ chức và của công dân khi được giao nhiệm vụ giải quyết.

Không được làm lộ bí mật nhà nước, bí mật công tác và bí mật nội dung đơn khiếu nại, tố cáo của cơ quan, đơn vị, tổ chức và của công dân theo quy định của pháp luật.

Không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ...
Trong giao tiếp và ứng xử với cấp dưới, cán bộ lãnh đạo, quản lý không được chuyên quyền, độc đoán, coi thường cấp dưới...

Về ứng xử với người dân

Tại cơ quan làm việc: Giải quyết yêu cầu, công việc của người dân đúng quy trình và quy định của Nhà nước. Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm, ưu tiên hỗ trợ giải quyết công việc đối với người già yếu, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người đau ốm.

Không sách nhiễu, không gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu; không hẹn gặp giải quyết công việc, công vụ nhà nước bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc. Không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân. Nghiêm túc nhận lỗi, nhận khuyết điểm, thành khẩn tự phê bình, rút kinh nghiệm khi để xảy ra sai sót trong thực thi công vụ.

Tại khu dân cư: Vận động gia đình, người thân, những người xung quanh tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền phổ biến, giáo dục, thực hiện pháp luật và phòng, chống các tệ nạn xã hội. Gương mẫu, tránh phô trương, lãng phí, mục đích trục lợi trong việc tổ chức các hoạt động liên hoan, cưới hỏi, tang lễ, mừng thọ, sinh nhật, tân gia...

Tại nơi công cộng: Gương mẫu chấp hành và vận động người dân thực hiện các nội quy, quy tắc nơi công cộng; không vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Không tham gia, xúi giục, kích động hoặc bao che các hành vi vi phạm pháp luật của người khác.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân Sở Nội vụ là cơ quan thường trực, có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử này; thường xuyên và định kỳ kiểm tra việc thực hiện Quy tắc này; kiến nghị kiểm điểm, kỷ luật các tập thể, cá nhân vi phạm, vào ngày 15-12 hằng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị và địa phương.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức triển khai và quán triệt Quy tắc ứng xử này đến từng CB-CC-VC thuộc phạm vi quản lý; niêm yết Quy tắc này tại trụ sở làm việc; kiểm tra, giám sát, tổ chức đánh giá và kiểm điểm việc thực hiện; đưa vào tiêu chí để xếp loại thi đua hằng năm.

Các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quy tắc ứng xử này tới CB-CC-VC, nhân dân trong tỉnh để biết và cùng giám sát việc thực hiện ở các cấp; phát hiện, cổ vũ, động viên, khen thưởng những tập thể và cá nhân thực hiện tốt; kiểm điểm, phê bình các tập thể, cá nhân vi phạm.

TUẤN ANH

.
.
.