Cảm xúc về Ngày Quốc khánh 2-9
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2-9 đem lại giá trị thiêng liêng của hòa bình, tự do, độc lập. Vì thế đối với mỗi người dân Việt Nam dù già hay trẻ trong những ngày này dạt dào biết bao cảm xúc khi tìm đọc những tác phẩm văn học, tác phẩm lịch sử, tư liệu lịch sử... khắc sâu nỗi nhục của người dân mất nước và quyết tâm vùng lên đấu tranh giành lại độc lập, tự do dù phải hy sinh tất cả.
Có mất nước mới thấm thía nỗi đau mất nước. Nhận xét trên rất đúng đối với tâm trạng của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu qua bài thơ “Chạy giặc” của cụ. Đây là bài thơ yêu nước có giá trị nghệ thuật và lịch sử sâu sắc thể hiện lòng căm thù giặc Pháp sâu sắc, là một chứng tích về tội ác giặc Pháp và tình thương xót nhân dân trước họa xâm lăng của giặc Pháp trong những ngày tháng đầu chúng xâm lược đất nước ta (1859).
Để khủng bố tinh thần yêu nước quật cường của nhân dân ta, ngày 1-2-1862, Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo. Trong hơn 100 năm (đến năm 1975), khoảng 20 ngàn người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã bị giam cầm, hy sinh tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo này, nơi cả thế giới bàng hoàng khi sự thật được phơi bày.
Trong “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản năm 1925, Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu) đã mạnh mẽ tố cáo và kết tội thực dân Pháp khi mô tả những nỗi khổ nhục của người dân bản xứ, đều bị coi là đám nô lệ thấp hèn, đều bị đối xử như súc vật và tính mạng đều “không đáng giá một trinh”.
Phong trào kháng Pháp xâm lược của nhân dân ta nổ ra từ khi bước chân xâm lược của chúng đặt lên trên đất nước ta, từ Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám... đến phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Việt Nam Quang phục hội, Khởi nghĩa Yên Bái... tất cả đều rất anh dũng nhưng đều bị thất bại trước sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù.
Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử cực kỳ trọng đại, mở ra bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta bởi từ đây cách mạng Việt Nam giải quyết được tình trạng khủng hoảng về đường lối cách mạng, về giai cấp lãnh đạo cách mạng diễn ra đầu thế kỷ XX và mở ra con đường và phương hướng phát triển mới cho đất nước Việt Nam.
Ngay sau đó, Đảng ta lãnh đạo 3 cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939 và 1939-1945, tuy có lúc bị địch khủng bố trắng như trong Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Khởi nghĩa Nam kỳ 1940..., nhưng sau đó phong trào cách mạng vẫn tiếp tục tiến lên và đi đến thành công rực rỡ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Và ngày mong đợi của dân tộc cũng đã đến như là tất yếu lịch sử, ngày 2-9-1945, đã đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi nhất trong hành trình hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự thắng lợi của ý chí độc lập, tự do của nhân dân ta.
Trong ngày thiêng liêng trọng đại đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập - văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - được công bố nhằm khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam trước toàn thế giới. Từ ngày này, cách mạng Việt Nam tiếp tục đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác cho đến hôm nay và cả mai sau dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.
Qua các câu chuyện trên, mỗi người chúng ta thấm thía giá trị thiêng liêng của hòa bình, tự do, độc lập mà Cách mạng Tháng Tám 1945 đem, càng thấm thía hơn ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm to lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thấy được sự lãnh đạo sáng suốt, linh hoạt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thấy được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong 73 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới đất nước.
Từ đó, nhận thức rõ những nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới. Đồng thời tăng cường cảnh giác cách mạng, đấu tranh vạch trần các thủ đoạn xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch đã và đang ra sức phủ nhận ý nghĩa, giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Tám. Đáng chú ý là từ đầu tháng Tám đến nay trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin về cái gọi là phát động cuộc “Tổng biểu tình toàn quốc vào dịp 2-9” để lật đổ chế độ cộng sản ở Việt Nam.
Vì thế, mỗi người dân yêu nước chân chính, nhất là các bạn trẻ hãy tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, chế độ và sức mạnh vĩ đại của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; bình tĩnh, cảnh giác vạch âm mưu, thủ đoạn thâm độc, quỷ quyệt của các thế lực thù địch. Trước mắt là, không chấp nhận, kiên quyết nói không và đập tan cái gọi là lời kêu gọi “Tổng biểu tình toàn quốc dịp 2-9” của các thế lực thù địch.
NHƯ NGỌC