Công tác tư tưởng đóng góp trong thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Lịch sử Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng gắn liền với quá trình ra đi tìm con đường cứu nước và truyền bá con đường cứu nước đó vào Việt Nam của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Công tác tuyên truyền được Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối lúc bấy giờ trực tiếp tiến hành bằng nhiều hình thức: In ấn, xuất bản, phát hành tài liệu, sách, báo, truyền đơn, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ….
Đồng thời, các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lập ra những bộ phận chuyên phụ trách công tác tuyên truyền như: Đội ngũ những người làm công tác lý luận, những người làm công tác tuyên truyền, cổ động chính trị, những biên tập viên và phóng viên, những văn nghệ sĩ…
Những hoạt động đó đã góp phần tích cực tiến tới sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc: Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930.
Đặc biệt, vào ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1-8”.
Tài liệu này khi được phát hành đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc và bắt đầu từ ngày 1-8 đến tháng 10 -1930 trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân ta chống chiến tranh đế quốc.
Ở một số nơi, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, binh lính đã không bắn vào quần chúng khi bị đưa đi đàn áp các cuộc biểu tình, mít tinh của nhân dân.
Từ đó, ngày 1-8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.
Cách đây 88 năm, ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1-8” nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế đỏ 1-8 - ngày đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Từ đó, ngày 1-8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xuất phát từ sự việc có ý nghĩa chính trị to lớn trên, năm 2000, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo) đã trình và được Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa VII chuẩn y lấy ngày 1-8 hằng năm là Ngày truyền thống ngành Tư tưởng - Văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm là Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo. |
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác tư tưởng. Người khẳng định: “Công việc thành hay bại một phần lớn là do nơi tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”, do đó “Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng”.
Và đó chính là một trong những vị trí trọng yếu của công tác tư tưởng. Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có phần đóng góp tích cực của công tác tư tưởng.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ nêu một tấm gương sáng, một mẫu mực tuyệt vời về công tác tuyên giáo phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Đảng, phục vụ nhân dân, nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng, nêu cao ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trước vận mệnh đất nước, ở mỗi thời kỳ cách mạng, mỗi chặng đường lịch sử dân tộc.
Để hoạt động tuyên giáo có hiệu quả, Bác đòi hỏi cán bộ tuyên giáo phải nói và viết sao cho “phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”, làm cho người nghe, người đọc “hiểu được, nhớ được và làm được”.
Bác còn đòi hỏi cán bộ tuyên giáo phải có phong cách đi sâu, đi sát cơ sở, đến những mũi nhọn của mặt trận sản xuất và chiến đấu, nơi có phong trào khá và cả những nơi có phong trào kém, phát hiện và giải đáp được những vấn đề do cuộc sống đặt ra.
Bác nhấn mạnh: “Chỉ có đi sâu vào thực tiễn đời sống xã hội thì mới tìm hiểu, đánh giá đúng thực chất tình hình công tác tuyên giáo của địa phương, đơn vị, mới phát hiện được những vấn đề mới, nhân tố mới, những điển hình tốt, người tốt việc tốt để cổ vũ, biểu dương, nhân rộng, đồng thời vạch ra những hiện tượng, những biểu hiện sai trái để phê phán, uốn nắn nhằm đẩy mạnh việc phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao”.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có hàng trăm ngàn cách thức tiến hành công tác tư tưởng, tuyên truyền, cổ động.
Cụ thể như, khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom” ra đời trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng tinh thần quyết tâm chiến đấu và chiến thắng ấy đã có từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Để phát huy ý chí và sức mạnh của bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bài hát “Hò kéo pháo” có sức mạnh cổ vũ, động viên vô cùng to lớn: “Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù”.
Bài hát cất lên những lời ca sục sôi lòng yêu nước và căm thù giặc đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội quyết tâm kéo pháo băng qua đèo cao, suối sâu, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đời đời bất diệt…
Ngay cả những ngày đau nặng và sắp đi xa, Bác vẫn dành thời gian làm việc với các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương nghe báo cáo tình hình chiến trường miền Nam, tình hình lũ lụt ở sông Hồng và không quên nhắc phải quan tâm việc phát hành loại sách “người tốt, việc tốt” để tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến trên các mặt sản xuất, chiến đấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tư tưởng của Bác, tấm gương đạo đức cách mạng của Bác và những lời dạy của Bác đã và đang tiếp sức cho những người làm công tác tuyên giáo phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới của đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.
HỒNG LÊ (tổng hợp)