Đảng viên trẻ học Bác về phong cách nêu gương
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong mọi việc, từ việc nhỏ đến lớn, trong mọi mặt phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm.
Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Bởi lẽ “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Người xác định, nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện trên cả 3 mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc.
Đối với mình, không được tự cao tự đại, tự mãn. Đối với người, phải yêu thương, khoan dung, độ lượng; phải luôn có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết.
Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thực hiên tốt điều “Nhân”: “Thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân”.
Đối với việc, phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, nghĩa là để việc công lên trên, lên trước việc tư.
Để vận dụng đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả phong cách nêu gương của Bác, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt “nói đi đôi với làm”
Học tập phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải luôn thực hiện tốt lời nói đi đôi với việc làm và phải biết tuyên truyền rộng rãi gương người tốt, việc tốt trong nhân dân.
“Nói đi đôi với làm” là một phương châm, nguyên tắc chỉ đạo hoạt động, được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong những tiêu chí quan trọng khi thực hành phương pháp “nêu gương”; đồng thời, là biểu hiện cụ thể, sinh động về bản chất, truyền thống cách mạng của Đảng ta, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn đứng vững và vượt qua trước mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Cần tiên phong trong việc kiên quyết phòng tránh, đẩy lùi căn bệnh không dám nói, không dám hành động, hoặc “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đường làm một nẻo”; thậm chí, chỉ thụ động, ngồi chờ, ỷ lại, sợ trách nhiệm. Những biểu hiện đó hoàn toàn trái với tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện tự phê bình và phê bình
Để đảng viên trở thành tấm gương đi đầu, dẫn dắt quần chúng, cần đẩy mạnh thực hiện tự phê bình và phê bình, là vũ khí sắc bén, là động lực bên trong giúp đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng vươn lên hoàn thiện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Đây cũng là một biện pháp hữu hiệu của phương pháp “nêu gương” được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vận dụng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Vì vậy, lúc sinh thời, Người thường xuyên đặt ra yêu cầu bức thiết đối với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội là phải rất coi trọng thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình.
Tự phê bình và phê bình là một vấn đề rất nhạy cảm, đụng chạm đến từng cá nhân, tổ chức. Đảng viên trẻ nói chung thường mắc sai lầm, đó là ngại va chạm và thể hiện ý kiến bản thân.
Căn bệnh này dễ dẫn đến khi tiến hành tự phê bình và phê bình “không nói trước mặt”, nhanh chóng “nhất trí theo chủ tọa”, nhưng lại luôn “hục hặc sau lưng”, dẫn đến nội bộ xảy ra tình trạng “bằng mặt không bằng lòng”, hiềm khích, nghi kỵ nhau, ngày càng trở nên mất đoàn kết. Như vậy, chẳng còn nêu gương được với ai nữa.
Do đó, mỗi đảng viên trẻ cần thay đổi trong nhận thức về việc ngại va chạm và thể hiện ý kiến bản thân; trang bị đầy đủ tâm thế, kỹ năng và phương pháp luận để tự phê bình và phê bình sao cho vừa thể hiện được chính kiến bản thân mà người tiếp nhận vẫn cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, giữ vững được đoàn kết nội bộ.
Tâm lý của con người là thích được khen hơn bị chê. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị. Bởi vậy, phê bình đã khó, tự phê bình càng khó khăn hơn.
Nhưng không phải bởi vì khó mà thực hiện xuề xòa, chiếu lệ, mà cần cương quyết thực hiện, để đẩy lùi những thói xấu của bản thân và giúp đỡ đồng nghiệp, bạn bè, thân hữu nhận thấy và sửa chữa để ngày một tốt hơn.
Thứ ba, có ý thức tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố.
Cũng như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Do vậy, mỗi đảng viên cần là tấm gương tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, không ngừng hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức và phẩm chất cách mạng.
Trong tình hình hiện nay, sống trong cơ chế thị trường, nếu không kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, không thường xuyên tự giáo dục, rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng thì cán bộ, đảng viên rất dễ bị sa ngã trước áp lực của đồng tiền, của những lợi ích vật chất, tha hóa, dẫn đến “tự suy thoái”, “tự diễn biến”. Vì vậy, cần thường xuyên tự giáo dục, rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng.
Để tự trau dồi và rèn giũa đạo đức cách mạng, đảng viên phải tự xây dựng cho mình kế hoạch phấn đấu cụ thể, tỉ mỉ, thiết thực; phương pháp thực hiện tự giáo dục, rèn luyện cũng phải linh hoạt, năng động, tránh bệnh hình thức, phô trương. Cần quyết tâm, kiên trì thực hiện kế hoạch tự rèn luyện đã đề ra.
Thực hành đọc sách, trau dồi nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, tham gia thảo luận trao đổi với đồng nghiệp, học viên, bạn học. Mạnh dạn phản bác những luận điệu xuyên tạc sai đường lối, chủ trương của các thế lực phản động, thù địch. Cố gắng khắc phục khiếm khuyết ngại va chạm, ngại thể hiện chính kiến của đảng viên trẻ nói chung
NGUYỄN DƯƠNG THANH THỦY
(Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị Tiền Giang)